Ukraine lý giải về sắc lệnh cấm đàm phán với Tổng thống Nga Putin
Việc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong tuần này tại Istanbul đã làm dấy lên câu hỏi liệu động thái này có mâu thuẫn với sắc lệnh mà ông từng ban hành trước đây hay không.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 12/5 nói rằng ông sẵn sàng đàm phán trực tiếp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp được lên kế hoạch ở Istanbul. Tuyên bố được đưa ra sau khi ông Zelensky có cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ở Kiev, ngày 22/4/2025. Ảnh: Getty
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất tiến hành đối thoại trực tiếp với Ukraine tại Istanbul vào ngày 15/5, với mục tiêu hướng tới một nền hòa bình bền vững và giải quyết tận gốc nguyên nhân gây ra cuộc xung đột.
Việc ông Zelensky bày tỏ sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Tổng thống Nga Putin đã làm dấy lên câu hỏi liệu động thái này có mâu thuẫn với sắc lệnh mà ông từng ban hành trước đây hay không.
Mùa thu năm 2022, Tổng thống Zelensky ký một sắc lệnh trong đó nêu rõ “không thể đàm phán với Tổng thống Nga Putin”. Sắc lệnh được ban hành như một phản ứng đối với việc Nga sáp nhập các vùng Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson.
Thời điểm đó, ông Zelensky tuyên bố: “Chúng tôi sẵn sàng đối thoại với Nga, nhưng là với một tổng thống khác”.
Theo một nguồn tin từ Văn phòng Tổng thống Ukraine, sắc lệnh năm 2022 thực chất là “tín hiệu gửi tới những người ở Ukraine có ý định đàm phán với Nga mà không thông qua chính phủ trung ương”.
“Thời điểm đó, chúng tôi tuyên bố là không thể đàm phán, bây giờ chúng tôi có thể tuyên bố là có thể. Tổng thống với tư cách là nguyên thủ quốc gia có quyền quyết định điều này”, nguồn tin cho biết.
Sắc lệnh năm 2022 quy định như thế nào?
Sắc lệnh liên quan đến việc cấm đàm phán với Tổng thống Nga Putin được ban hành sau khi Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine thông qua 5 quyết định vào ngày 30/9/2022. Vài ngày sau đó, văn kiện chính thức được ông Zelensky ký ban hành.
Mặc dù sắc lệnh không trực tiếp tuyên bố cấm đàm phán, nhưng nhiều người đã hiểu đây là một lệnh cấm trên thực tế đối với các cuộc đối thoại trực tiếp với Tổng thống Nga Putin.
Ông Oleksandr Merezhko, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Ukraine nói rằng vấn đề nằm ở cách diễn giải sắc lệnh.
“Nhiều người đã diễn giải sai lệch về sắc lệnh. Người ta cho rằng Tổng thống đã tự cấm mình đối thoại với ông Putin. Không, thực sự không phải như vậy”, ông Merezhko nói.
Theo Hiến pháp Ukraine, tổng thống là người đại diện quốc gia trong quan hệ quốc tế, điều hành chính sách đối ngoại và tiến hành đàm phán cũng như ký kết các hiệp ước quốc tế.
“Hiến pháp luôn có hiệu lực cao hơn sắc lệnh tổng thống. Hiến pháp nói rõ: tổng thống là người đàm phán. Nghĩa là ông ấy [Zelensky] có quyền quyết định đàm phán với ai, khi nào và theo hình thức nào. Sắc lệnh là nhằm ngăn cản các cá nhân nỗ lực tiến hành đàm phán với Tổng thống Nga Putin”, ông Merezhko nhấn mạnh.
Ông Zelensky có cần hủy bỏ sắc lệnh năm 2022?
Tổng thống Zelensky cũng đã nhiều lần nêu rõ lý do ban hành sắc lệnh năm 2022 về việc không đàm phán với Tổng thống Nga Putin.
Trong một phát biểu hồi tháng 1/2025, ông Zelensky cho biết quyết định được đưa ra nhằm ngăn chặn bất kỳ cuộc đàm phán trái phép nào với Nga mà trong đó có thể có sự tham gia của các chính trị gia Ukraine.
Theo ông, trước thời điểm ban hành sắc lệnh, phía Nga đã nhanh chóng thiết lập “hàng loạt kênh liên lạc” nhằm gây ảnh hưởng tới Ukraine, trong đó có sự tham gia của các lực lượng ly khai ở Ukraine và một số đại diện từ các quốc gia khác.
“Đã có rất nhiều cuộc xúc tiến đàm phán và có nhiều thỏa thuận ngầm. Tôi đã nhanh chóng ngăn chặn điều đó”, ông Zelensky nói.
Ông cũng cho biết, trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột, Nga đã tìm cách gây sức ép lên các nghị sĩ Ukraine, quan chức châu Âu và cả Mỹ. Dù không nêu danh tính của nghị sĩ hay quan chức nào, nhưng ông Zelensky cho biết một số nhân vật tham gia các nỗ lực hậu trường sau này đã bị bắt giữ và được trao đổi lấy với các tù nhân Ukraine mà phía Nga giam giữ.
Các nguồn tin Ukraine cho biết, hiện không có rào cản pháp lý nào đối với việc nối lại đàm phán và Tổng thống Zelensky không cần phải thu hồi hoặc sửa đổi sắc lệnh mà ông đã ký năm 2022.
“Sắc lệnh đó chỉ áp dụng với những người khác, chứ không phải tổng thống. Vì vậy tôi không thấy có lý do gì để hủy bỏ sắc lệnh”, ông Merezhko nói.
Khi được hỏi liệu có cần ban hành sắc lệnh mới để gỡ bỏ “lệnh cấm” đàm phán với ông Putin hay không, một nguồn tin thân cận với Tổng thống trả lời: “Không cần thiết”.