Ukraine mất tiêm kích MiG-29 thứ ba trong tuần

Ngày 22/2, Bộ Quốc phòng Nga thông báo lực lượng phòng không của nước này đã bắn hạ một máy bay chiến đấu MiG-29 của Ukraine.

Bên cạnh máy bay chiến đấu, Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết họ đã phá hủy nhiều loại vũ khí hiện đại khác, bao gồm 2 quả bom dẫn đường Hammer do Pháp sản xuất, 2 tên lửa HIMARS của Mỹ và 58 máy bay không người lái (UAV).

Máy bay MiG-29MU1 nâng cấp của Ukraine.

Máy bay MiG-29MU1 nâng cấp của Ukraine.

Đầu tuần, Nga cũng báo cáo bắn rơi 2 chiếc MiG-29 khác, vào ngày 19/2 và 20/2, cùng hàng trăm UAV, bom dẫn đường và tên lửa HIMARS của Ukraine

NATO gọi Mig-29 là Fulcrum, "Điểm tựa", là tiêm kích hai động cơ do Liên Xô thiết kế vào những năm 1970. Được đưa vào biên chế từ năm 1983, nó được chế tạo nhằm đối đầu với các chiến đấu cơ hiện đại của phương Tây như F-15 Eagle và F-16 Fighting Falcon.

Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Ukraine thừa hưởng khoảng 220 chiếc MiG-29 cùng 70 chiếc Su-27. Tuy nhiên, đến đầu năm 2022, trước khi xung đột leo thang, số lượng MiG-29 hoạt động đã giảm xuống còn khoảng 50 chiếc. Trong đó có các biến thể MiG-29A tiêu chuẩn, MiG-29MU1 cải tiến với hệ thống dẫn đường nâng cấp và MiG-29MU2 có khả năng sử dụng vũ khí chính xác cao.

Mặc dù là mẫu máy bay từ thời Liên Xô, MiG-29 của Ukraine đã được nâng cấp để mang theo vũ khí phương Tây, giúp gia tăng khả năng chiến đấu. Một số cải tiến quan trọng gồm tên lửa chống radar AGM-88 HARM của Mỹ, chuyên tấn công hệ thống radar của Nga, bộ kit JDAM-ER giúp biến bom thông thường thành bom dẫn đường chính xác, bom Hammer của Pháp, loại vũ khí không đối đất có độ chính xác cao.

Những nâng cấp này, cùng với sự hỗ trợ từ Ba Lan và Slovakia trong việc cung cấp MiG-29 được NATO cải tiến, đã mở rộng vai trò của loại máy bay này từ phòng không sang tấn công mặt đất.

Các chuyên gia quân sự nhận định rằng MiG-29 có nhiều ưu điểm như khả năng cơ động cao và sự quen thuộc với phi công Ukraine, nhưng vẫn gặp nhiều hạn chế khi đối đầu với các hệ thống phòng không tiên tiến của Nga.

Những yếu điểm bao gồm hệ thống điện tử hàng không đã cũ, tầm hoạt động hạn chế khiến nó dễ bị tấn công, không có khả năng tàng hình, làm cho nó trở thành mục tiêu dễ dàng cho các hệ thống phòng không như S-400 và các máy bay chiến đấu hiện đại của Nga như Su-35.

Ngoài ra, chiến thuật bay thấp để tránh radar cũng khiến MiG-29 dễ bị bắn hạ bởi các hệ thống phòng thủ tầm ngắn như Pantsir. Nhưng nếu bay cao để triển khai vũ khí chính xác, nó lại trở thành mục tiêu của các máy bay đánh chặn Nga.

Xuân Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ukraine-mat-tiem-kich-mig-29-thu-ba-trong-tuan-169250223055932367.htm