Mỹ chấp thuận bán ba tổ hợp pháo HIMARS và các thiết bị liên quan tổng trị giá 30 triệu USD cho Ukraine, với Đức là bên chi tiền.
"Chính phủ Ukraine đã đề nghị mua ba tổ hợp pháo phản lực HIMARS. Tổng chi phí ước tính là 30 triệu USD, do chính phủ Đức trả thay Ukraine", Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng (DSCA) của Lầu Năm Góc ngày 10/5 thông báo.
Hiện thương vụ này đã được Bộ Ngoại giao Mỹ chấp thuận.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius hôm 9/5 cho biết nước này sẽ mua ba khẩu pháo HIMARS của Mỹ để chuyển giao cho Ukraine, nhấn mạnh NATO cần phải tiếp tục duy trì ủng hộ với Kiev.
Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken nhận định "tình hình khẩn cấp hiện nay đòi hỏi phải bán cho Ukraine ngay lập tức các sản phẩm, dịch vụ quốc phòng nói trên" mà không cần thông qua quốc hội, thêm rằng điều này là vì lợi ích quốc gia của Washignton.
"Thương vụ sẽ hỗ trợ các mục tiêu về chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Mỹ, bằng cách nâng cao năng lực tự vệ cửa Ukraine và đáp trả chiến dịch đang diễn ra của Nga", DSCA nhấn mạnh.
Các tổ hợp pháo HIMARS sẽ được rút từ trong kho của lục quân Mỹ để đáp ứng cho các thương vụ này.
Washington trước đó cùng ngày công bố gói viện trợ quân sự trị giá 400 triệu USD cho Ukraine, trong đó có một số tổ hợp HIMARS và đạn dược đi kèm, song không nêu số lượng cụ thể.
Đây là gói viện trợ quân sự thứ ba cho Ukraine được Mỹ công bố trong chưa đầy ba tuần qua, sau hai gói hỗ trợ với tổng giá trị khoảng 7 tỷ USD được thông báo cuối tháng trước.
Mỹ đã chuyển giao cho Ukraine ít nhất 39 hệ thống HIMARS từ đầu chiến sự. Tuy nhiên Nga đã tập kích và phá hủy một số hệ thống này.
Pháo HIMARS đã được quân đội Ukraine nhiều lần sử dụng để phá hủy khí tài Nga trong cuộc xung đột.
Lực lượng Ukraine cuối tháng trước đăng video triển khai pháo HIMARS tập kích loạt khí tài đối phương, bao gồm tổ hợp phòng không Buk-M1, pháo phản lực BM-21 Grad và radar, đài chỉ huy của tổ hợp S-300 hoặc S-400.
Pháo phản lực M142 HIMARS ngày càng trở nên nổi tiếng và phổ biến sau khi thể hiện năng lực đáng nể tại chiến trường Ukraine.
Không giống như M270, các hệ thống pháo phản lực M142 HIMARS được sử dụng rộng rãi trong thực chiến và chúng đã chứng minh tính hiệu quả.
Hệ thống pháo phản lực cơ động cao M142 HIMARS sử dụng đầu đạn dẫn đường chính xác. Chúng được đánh giá là một trong những loại vũ khí phóng loạt nguy hiểm nhất hiện nay.
Được biết M142 HIMARS chính là biến thể thu gọn của loại pháo phản lực M270. Chúng sử dụng khung gầm xe bánh lốp 6x6 thay vì bánh xích.
Tổ hợp pháo phản lực phóng loạt M142 HIMARS bao gồm hai thành phần chính là xe mang phóng và xe tải đạn.
Xe mang phóng được lắp động cơ diesel Caterpillar 3115 ATAAC dung tích 6,6 lít có công suất 290 mã lực cho tốc độ tối đa 85 km/h; tầm hoạt động 480 km.
Xe có độ cơ động rất tốt khi leo được dốc 60%; vượt chướng ngại vật cao 0,6 m; vượt hào rộng 1 m; lội nước sâu 0,9 m.
Mỗi xe phóng mang theo một container chứa 6 ống phóng đạn rocket, và khi cần container này có thể chứa và phóng một tên lửa MGM-140.
M142 có độ sát thương lớn, chỉ mất 20 giây để phóng 6 quả rocket M26 tạo ra vùng sát thương rộng 78,5 ha.
Mỗi quả đạn rocket M26 lại mang theo 644 đầu đạn con M77, từ khoảng cách 30 km.
Lục quân Mỹ ví đây là phương án ném bom mà không cần sự trợ giúp từ máy bay không quân.
Trong chiến dịch Bão táp sa mạc (1990-1991), các tổ hợp pháo phản lực phóng loạt tỏ rõ sức mạnh dù chỉ dùng đạn M26 cơ bản.
Vào thời điểm đó, Mỹ bắt đầu phát triển mẫu rocket có tầm bắn tới 45 km, nhưng vẫn sử dụng đầu đạn M77.
Không lâu sau, đầu đạn này được thay thế bằng biến thể M85 mới hơn, có cùng sức hủy diệt nhưng tỷ lệ trục trặc kỹ thuật chỉ 1% so với 5% của M77.
Tuy nhiên, điểm yếu của chúng là các quả đạn không có hệ thống dẫn đường, khiến chúng có độ chính xác rất thấp, dễ gây thiệt hại ngoài ý muốn trên chiến trường.
Mỹ sau đó cho ra đời phiên bản đạn rocket M30 trang bị đầu tự dẫn và 404 bom con M85, giảm bớt sức sát thương nhưng tăng đáng kể độ chính xác với các mục tiêu cỡ nhỏ.
Biến thể đạn rocket M31 mới nhất được coi là giải pháp hiệu quả để tiêu diệt mục tiêu trong đồi núi và đô thị với độ chính xác tối đa.
Đầu đạn chùm M85 được thay bằng khối thuốc nổ mạnh nặng 100 kg, cho phép tiêu diệt mục tiêu đơn lẻ mà không gây thiệt hại ngoài dự tính cho khu vực xung quanh.
Quả đạn trang bị hệ thống dẫn đường quán tính và định vị vệ tinh, cho phép nó đánh trúng trong bán kính 10 m quanh mục tiêu định trước.
Tầm bắn được nâng lên khoảng 80-90 km, ngoài khả năng phản pháo của hầu hết các tổ hợp pháo phản lực thông thường, bảo đảm khả năng sống sót cho bệ phóng của hệ thống M142.
M142 HIMARS là hệ thống pháo phản lực hiện có trong trang bị của các nước NATO và cả các quốc gia khác bao gồm cả Nhật Bản và Israel.