Ukraine nỗ lực bẻ gãy hệ thống phòng không Nga trước khi nhận F-16, lý do?

Trước khi tiếp nhận tiêm kích F-16 từ phương Tây, Ukraine tăng nỗ lực làm suy yếu hệ thống phòng không Nga để sử dụng máy bay chiến đấu hiệu quả hơn trong xung đột.

Lực lượng Ukraine đang tăng nỗ lực làm suy giảm sức mạnh các hệ thống phòng không Nga trước khi tiếp nhận tiêm kích F-16 từ phương Tây trong năm nay, theo đánh giá mới nhất của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW – tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận ở Mỹ).

Ukraine nỗ lực bẻ gãy sức mạnh phòng không Nga, dọn đường sử dụng hiệu quả F-16

Theo trang The EurAsian Times, báo cáo ngày 12-6 của ISW nhấn mạnh chiến dịch mang tính chiến lược của Ukraine nhằm làm suy yếu hệ thống phòng không Nga, dọn đường cho việc sử dụng máy bay chiến đấu hiệu quả hơn trong xung đột.

 Hệ thống phòng không S-400 của Nga tại Diễn đàn Quân sự-Kỹ thuật quốc tế Army-2020 tổ chức tại thủ đô Moscow (Nga) ngày 23-8-2020. Ảnh: Sefa Karacan/Anadolu Agency/Getty Images

Hệ thống phòng không S-400 của Nga tại Diễn đàn Quân sự-Kỹ thuật quốc tế Army-2020 tổ chức tại thủ đô Moscow (Nga) ngày 23-8-2020. Ảnh: Sefa Karacan/Anadolu Agency/Getty Images

Đánh giá của ISW chỉ ra rằng các hành động quân sự gần đây của Ukraine là nhắm mục tiêu vào các hệ thống phòng không chủ chốt của Nga.

Vào đêm 11, rạng sáng 12-6, lực lượng Ukraine đã tấn công một tổ hợp phòng không S-300 và 2 khẩu đội phòng không S-400 gần các khu định cư Belbek và Sevastopol trên bán đảo Crimea.

Những hình ảnh vị trí địa lý được công bố ngày 12-6 cho thấy hệ thống radar S-400 bị phá hủy ở phía nam TP Dzhankoi và hệ thống S-300 bị hư hại ở phía bắc TP Yevpatoriia.

Thông tin của ISW đã củng cố cho các báo cáo của Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine về việc tấn công thành công các hệ thống phòng không Nga.

Báo cáo lưu ý thêm ông Kostiantyn Nemichev – người thành lập Trung đoàn tình báo quốc phòng Kraken (DIU) của Ukraine xác nhận hôm 12-6 rằng lực lượng Ukraine đã sử dụng Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) để phá hủy 4 hệ thống S-300 của Nga tại tỉnh Belgorod.

Trong khi ông Nemichev không nêu rõ ngày tháng tiến hành các cuộc tấn công này, hành động này đã khiến Nga tái triển khai các hệ thống phòng không từ Crimea sang tỉnh Belgorod vào đầu tháng 6, vì thế làm giảm phạm vi bao phủ phòng không xung quanh bán đảo Crimea.

Thêm vào đó, phát ngôn viên DIU – ông Andrii Yusov cũng lên tiếng đính chính các báo cáo trước đó về các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) nhằm vào căn cứ không quân Akhtubinsk của Nga ở tỉnh Astrakhan. Theo đó, ông Yusov nói rằng 2 tiêm kích tàng hình Su-57 của Nga đã bị hư hỏng trong 2 ngày 7 và 8-6, chứ không phải một chiếc như báo cáo ban đầu.

Hệ thống phòng không S-300/S-400 và tiêm kích Su-57 là những vũ khí quan trọng giúp Nga hạn chế các hoạt động trên không của Ukraine gần tiền tuyến, đồng thời hỗ trợ chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine.

Theo đánh giá của ISW, các cuộc tấn công nói trên của Ukraine nằm một phần trong chiến lược lớn hơn nhằm làm suy yếu hệ thống phòng không Nga trước khi những chiếc tiêm kích F-16 được chuyển tới Ukraine. Dự kiến Ukraine sẽ nhận lô F-16 đầu tiên với số lượng nhỏ vào mùa hè và mùa thu năm nay.

 Vũ khí Ukraine phá hủy bệ phóng tên lửa S-400 của Nga. Ảnh chụp từ màn hình video do Tình báo quốc phòng Ukraine công bố. Nguồn: Defense Express

Vũ khí Ukraine phá hủy bệ phóng tên lửa S-400 của Nga. Ảnh chụp từ màn hình video do Tình báo quốc phòng Ukraine công bố. Nguồn: Defense Express

Đánh giá ISW nêu rõ: “Lực lượng Ukraine có lẽ đang tìm cách bẻ gãy hệ thống phòng không Nga trước khi nước này nhận được một số lượng đáng kể máy bay chiến đấu, qua đó tạo điều kiện để Ukraine trong tương lai sử dụng những máy bay này gần khu vực tiền tuyến hơn”.

ISW cho rằng nếu Ukraine làm suy yếu các hệ thống phòng không Nga thành công, cùng với việc có đủ máy bay chiến đấu và phi công dày dạn kinh nghiệm thì điều này cho phép Ukraine tích hợp máy bay có cánh cố định để hỗ trợ lực lượng mặt đất hiệu quả hơn.

Thách thức với Ukraine

Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan và NaUy đã cam kết cung cấp cho Ukraine hơn 80 tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất nhằm tăng cường khả năng phòng thủ cho Kiev trước các cuộc tấn công của Nga.

Việc bổ sung những chiếc F-16 này sẽ nâng cao đáng kể khả năng không đối không và không đối đất của Ukraine. Tuy nhiên, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã cho thấy không có một nền tảng đơn lẻ nào, ngay cả vũ khí lợi hại như F-16, có thể đảm bảo chiến thắng cho Ukraine. Yếu tố cốt lõi là những máy bay này được tích hợp như thế nào vào chiến lược chiến đấu rộng lớn hơn.

Giới chuyên gia từng nhấn mạnh rằng phi công Ukraine không thành thạo việc triển khai chiến thuật hợp lý để sử dụng những chiến đấu cơ hiện đại này, do đó sẽ không tận dụng triệt để lợi ích từ khả năng của máy bay thế hệ thứ 4 này.

Chuẩn tướng John Teichert đã nghỉ hưu của Không quân Mỹ cho hay cách tiếp cận của Mỹ trong triển khai vũ khí mới bao gồm các khóa huấn luyện chiến đấu, đào tạo sâu rộng để đảm bảo mức độ thành thạo.

Trong khi các phi công Ukraine đang được huấn luyện để vận hành những máy bay này, việc đạt được cùng mức độ thành thạo như phi công Mỹ trong thời gian ngắn là điều gần như không thể.

 Tiêm kích F-16 tại căn cứ Morris của Không quân Vệ binh Quốc gia bang Arizona (Mỹ) cất cánh trong một khóa đào tạo. Ảnh: Hampton Stramler/U.S. Air Force

Tiêm kích F-16 tại căn cứ Morris của Không quân Vệ binh Quốc gia bang Arizona (Mỹ) cất cánh trong một khóa đào tạo. Ảnh: Hampton Stramler/U.S. Air Force

Hơn nữa, giới chức phương Tây nhận định Ukraine sẽ tiếp tục đối mặt những hạn chế về vật chất và đào tạo, có khả năng ngăn cản nước này sử dụng sức mạnh không quân của chiến đấu cơ ở quy mô lớn vào năm 2024.

Giới chức Ukraine và phương Tây tuyên bố rằng sẽ cần một khoảng thời gian đáng kể để đào tạo đủ phi công Ukraine và trang bị cho lực lượng Ukraine khoảng 150 chiếc F-16 cần thiết. Điều này có thể giúp Ukraine đạt được ưu thế trên không nhằm hỗ trợ hoạt động trên bộ.

Dù vậy, các quan chức Ukraine đã vạch ra kế hoạch sử dụng F-16 cũng như loại máy bay khác nhằm hạn chế hoạt động trên không của Nga. Phát ngôn viên Không quân Ukraine Ilya Yevlash nói rằng chỉ cần 2 phi đội F-16, khoảng 18 máy bay, có thể tác động đáng kể đến tình hình trên không phận Ukraine.

TRI TÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/ukraine-no-luc-be-gay-he-thong-phong-khong-nga-truoc-khi-nhan-f-16-ly-do-post795743.html