Kể từ đầu tháng 1/2024, các cuộc thử nghiệm cấp nhà nước đối với hệ thống tên lửa chống tăng tự hành Shturm-SM đã được ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine tiến hành.
Hệ thống chiến đấu đặt trên khung gầm phương tiện bọc thép bánh xích được thông báo đã hoàn thành. Tên lửa của Ukraine với các loại đầu đạn khác nhau được phát triển dành riêng cho tổ hợp chống tăng này.
Với thành tựu trên, quá trình mã hóa hoàn chỉnh cho phép Bộ Quốc phòng Ukraine ký kết các thỏa thuận cung cấp một số hệ thống vũ khí nhất định với các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine - Trung tướng Ivan Gavryliuk đã thông báo điều này trong một bài bình luận được đăng tải trên ấn phẩm chuyên ngành Economichna Pravda.
Trước diễn biến trên, trang Defense Express nhấn mạnh rằng đây là hệ thống vũ khí đã được phát triển trước khi nổ ra cuộc chiến tranh toàn diện, một số chi tiết quan trọng có thể chưa được biết vào thời điểm này.
Nhưng đồng thời đây là hệ thống vũ khí khá mạnh mẽ, tính năng kỹ chiến thuật của nó theo nhận xét sẽ tăng cường sức mạnh đáng kể cho binh lính Ukraine trên chiến trường khi chống lại xe tăng, thiết giáp của Nga.
Dự án Shturm-SM được hình thành như một sự hiện đại hóa sâu sắc đối với tổ hợp chống tăng 9P149 Shturm-S của Liên Xô. Buổi giới thiệu công khai đầu tiên của Shturm-SM diễn ra trong triển lãm "Vũ khí và An ninh-2021".
Ngay tại thời điểm đó, một số tính năng kỹ chiến thuật cơ bản đối với tổ hợp vũ khí chống tăng này đã được thông báo, cụ thể Shturm-SM sử dụng tên lửa dẫn đường RK-2P Barrier-P của Phòng thiết kế Luch với tầm bắn 7 km.
Trên khung gầm xe bọc thép, có thể dễ dàng nhận thấy trạm trinh sát quang điện tử OPSN-I do Nhà máy thiết bị Izyum phát triển và trình diễn lần đầu tiên vào tháng 12/2018 đã được sử dụng.
Tổ hợp OPSN-I được thiết kế để giám sát từ xa bằng hình ảnh, lựa chọn và theo dõi mục tiêu, xác định tầm, hình thành trường thông tin laser để điều khiển tên lửa chống tăng ở khoảng cách đã lập trình.
Trong cấu hình tiêu chuẩn, trạm quan sát được trang bị kênh ảnh nhiệt (phạm vi phát hiện tối đa 14,5 km), nó còn được tích hợp 3 camera màu đa chức năng kỹ thuật số (mục tiêu được xác định ở cự ly lên tới 12,5 km), ngoài ra còn có máy đo xa laser.
Sự kết hợp này giúp Shturm-SM có cơ hội tấn công bất cứ lúc nào trong ngày ở cự ly lên tới 6-7 km, nhằm vào các mục tiêu có lớp giáp bảo vệ dày tới 800 mm (để so sánh, Shturm-S chỉ có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 4 km và chỉ vào ban ngày).
Vũ khí này dự định hoàn thành vào năm 2022 nhưng đã có sự chậm trễ vì một số nguyên nhân, theo Trung tướng Ivan Gavrylyuk, thay vì sử dụng xe thiết giáp bánh xích MT-LB, họ quyết định sử dụng một phương tiện chiến đấu bọc thép khác.
Không chỉ có vậy, việc Nhà máy thiết bị Izyum - đơn vị phát triển trạm quan sát quang học cho Shturm-SM bị phá hủy nặng nề đã dẫn đến nhu cầu tìm kiếm nhà cung cấp mới, hoặc thiết lập sản xuất tại các cơ sở khác.