Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps ngày 12/11/2023 đăng video mới giải mật về cuộc thử nghiệm vũ khí laser biệt danh "Lửa Rồng" của quân đội nước này.
Trong video, chùm tia laser cường độ cao được chiếu vào drone trên bầu trời, khiến nó phát nổ gần như ngay lập tức. Đây là lần đầu tiên xuất hiện hình ảnh khai hỏa thực tế của pháo laser "Lửa Rồng" được Anh phát triển.
"Video mới giải mật cho thấy vũ khí laser có thể hạ mục tiêu với tốc độ ánh sáng", Bộ trưởng Shapps cho hay.
Bộ Quốc phòng Anh hồi giữa tháng 1 thông báo "Lửa Rồng" đã lần đầu tiên sử dụng chùm tia laser cường độ cao để hạ mục tiêu ở trên không trong cuộc thử nghiệm tại thao trường Hebrides ở tây bắc Scotland.
Bộ Quốc phòng Anh không tiết lộ tầm bắn của "Lửa Rồng", song khẳng định nó có thể "tấn công bất kỳ mục tiêu nào trong tầm nhìn".
Cơ quan này cũng cho biết "Lửa Rồng" có khả năng khai hỏa với độ chính xác cao, đủ sức bắn trúng đồng xu ở khoảng cách một km.
"Lửa Rồng" được bắt đầu vào năm 2017, đây là dự án hợp tác phát triển giữa Bộ Quốc phòng Anh, và các tập đoàn vũ bao gồm MBDA, Leonardo và QinetiQ.
"Lửa Rồng" sau khi hoàn thiện dự kiến được biên chế cho lục quân và hải quân Anh.
Các loại vũ khí laser như "Lửa Rồng" được coi là giải pháp hiệu quả và có chi phí thấp để bắn hạ những mục tiêu như drone, thay vì sử dụng tên lửa phòng không vốn rất đắt đỏ.
Trong cuộc xung đột tại Đông Âu, Nga thường xuyên sử dụng máy bay không người lái cỡ lớn (UAV) để tấn công tự sát vào cơ sở hạ tầng của đối phương theo dạng bầy đàn.
Chiến thuật gây nhiều khó khăn cho Kiev do nước này không có đủ tên lửa phòng không để đánh chặn.
Bộ Quốc phòng Anh cho biết mỗi phát bắn của "Lửa Rồng" có chi phí khoảng 13 USD và việc khai hỏa khí tài này liên tục trong 10 giây chỉ có chi phí tương đương việc sử dụng máy sưởi trong một giờ.
"Điều này hoàn toàn trái ngược với với con số hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu USD cho mỗi phát bắn của tên lửa phòng không", ông James Black, chuyên gia tại chi nhánh châu Âu của viện nghiên cứu RAND, trụ sở tại Mỹ, nhận định.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh nhấn mạnh "Lửa Rồng" có tiềm năng "cách mạng hóa" phương thức chiến đấu trong tương lai, giúp giảm phụ thuộc vào các loại đạn đắt và hạn chế thiệt hại ngoài dự kiến.
Trong khi đó, Nghị sĩ Ukraine Oleksiy Goncharenko ngày 14/3/2024 xác nhận Kiev muốn được London chuyển giao pháo laser "Lửa Rồng" để đưa vào thực chiến chống lại UAV Nga.
"Chúng tôi sẵn sàng thử nghiệm nó ở Ukraine", Nghị sĩ Ukraine Oleksiy Goncharenko nói.
Giới chức Kiev nhiều lần tuyên bố nước này sắp cạn tên lửa phòng không để liên tục phải đối phó với các đòn tập kích từ xa của máy bay không người lái Nga.
Các nguồn tin Ukraine cho biết Kiev đang rất cần được bổ sung các phương pháp giá rẻ để đối phó với chiến thuật tấn công của các UAV đến từ Nga.
Bộ Quốc phòng Anh chưa bình luận về đề xuất được phía nghị sĩ Ukraine đưa ra.
Truyền thông thế giới nhận định, pháo laser "Lửa Rồng" vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện, vì thế Anh chưa có ý định triển khai tổ hợp này ở Ukraine.
Mặt khác, giới chuyên gia lưu ý rằng hiệu quả thực chiến của các vũ khí mang tính cách mạng như "Lửa Rồng" vẫn chưa được kiểm chứng và chúng có một số nhược điểm.
Sương mù, mưa và khói trên chiến trường có thể làm phân tán chùm tia laser và giảm sát thương lên mục tiêu.
Vũ khí laser cũng tỏa ra nhiều nhiệt lượng khi khai hỏa nên cần được tích hệ thống làm mát kích cỡ lớn, hạn chế tính cơ động của tổ hợp.
Các hệ thống laser di động, như loại gắn trên tàu chiến hay máy bay, sẽ cần được sạc ắc quy thường xuyên.
Chùm tia laser cũng cần phải khóa mục tiêu trong vài giây mới có thể phá hủy nó, điều không dễ thực hiện với các vật thể có tốc độ bay nhanh như một số chủng loại UAV hiện nay.