Ukraine 'thất thu' tài trợ, Mỹ gửi gói cuối cùng, EU tính đảm nhận vai trò lãnh đạo?

Động lực tài trợ Ukraine từ các đối tác phương Tây đang chậm dần, với mức hỗ trợ thực tế đã giảm xuống thấp nhất kể từ tháng 1/2022. Kết luận này được các tác giả của Công cụ theo dõi tài trợ Ukraine thuộc Viện Kinh tế thế giới Kiel cập nhật vào ngày 7/12.

Động lực tài trợ Ukraine từ các đối tác phương Tây đang chậm dần, với mức hỗ trợ thực tế đã giảm xuống thấp nhất kể từ tháng 1/2022. Kết luận này được các tác giả của Công cụ theo dõi tài trợ Ukraine thuộc Viện Kinh tế thế giới Kiel cập nhật vào ngày 7/12.

Theo đó, trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10/2023 đã cho thấy số viện trợ mới cam kết giảm mạnh, với giá trị các gói mới chỉ đạt 2,11 tỷ EUR, giảm 87% so với cùng kỳ năm 2022 và là mức thấp nhất kể từ tháng 1/2022.

Hệ thống phòng không Iris-T SLM của Đức. (Nguồn: Diehl Defence)

Hệ thống phòng không Iris-T SLM của Đức. (Nguồn: Diehl Defence)

"Trong số 42 nhà tài trợ được theo dõi, chỉ có 20 nhà tài trợ đã cam kết các gói viện trợ mới trong 3 tháng qua, tỷ lệ nhỏ nhất trong số các nhà tài trợ tích cực kể từ khi bắt đầu xảy ra cuộc xung đột Nga-Ukraine. Cũng có rất ít cam kết mới từ Liên minh châu Âu và Mỹ", nghiên cứu cho biết.

Các cam kết “dang dở” lớn nhất từ trước đến nay là từ EU, trong đó chưa bao gồm các gói chưa phê duyệt, trong khi các khoản viện trợ của Mỹ đang dần bị cắt giảm.

"Số liệu của chúng tôi xác nhận khá rõ ràng về thái độ do dự hơn của các nhà tài trợ trong những tháng gần đây. Ukraine ngày càng phụ thuộc vào một số nhà tài trợ cốt lõi - vẫn tiếp tục cung cấp hỗ trợ đáng kể, như Đức, Mỹ hoặc các nước Bắc Âu.

Do không chắc chắn về khả năng viện trợ tiếp theo của Mỹ, Ukraine hiện chỉ có thể hy vọng EU cuối cùng sẽ thông qua gói hỗ trợ 50 tỷ EUR đã được thông báo từ lâu. Đây là vấn đề khá nhạy cảm nếu nó bị trì hoãn thêm nữa". Christoph Trebesch, người đứng đầu nhóm Công cụ theo dõi tài trợ Ukraine và cũng là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tại Viện Kiel cho biết.

Nhóm các nhà tài trợ tích cực chính là các quốc gia châu Âu riêng lẻ, như Croatia, Phần Lan, Đức, Ireland, Litva, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển và Thụy Sĩ (không cung cấp hỗ trợ quân sự), cũng như các quốc gia NATO như Canada và Vương quốc Anh.

Ngoài ra, Ukraine có thể dựa vào các chương trình lớn kéo dài nhiều năm đã cam kết trước đó, hiện chiếm phần lớn số viện trợ thực tế được cung cấp.

Ví dụ, Đan Mạch, Đức và Na Uy đã cung cấp lần lượt 1,2 tỷ EUR, 1 tỷ EUR và 662 triệu EUR viện trợ quân sự trong 3 tháng qua, theo các kế hoạch kéo dài nhiều năm trước đó.

Về hỗ trợ quân sự, EU tiếp tục bắt kịp và thậm chí còn vượt xa Mỹ. Đặc biệt, Đức và các nước Scandinavi (gồm Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan) đã phân bổ viện trợ mới đáng kể trong những tháng gần đây.

Trong tổng số 25 tỷ EUR cam kết dành cho vũ khí hạng nặng (từ tháng 1/2022 - 10/2023), Mỹ chiếm 43% tổng giá trị, trong khi tất cả các nước và tổ chức EU cùng nhau chiếm 47% và phần còn lại đến từ nhiều nhà tài trợ khác , bao gồm cả Vương quốc Anh và Canada.

Trong ba tháng qua (tháng 8,9 và 10), các nước EU đã phân bổ vũ khí hạng nặng trị giá 780 triệu EUR, so với chỉ 500 triệu EUR đến từ Mỹ.

Những cam kết mới của Đức và các nước Bắc Âu từ tháng 8/2023 góp phần thúc đẩy xu hướng châu Âu đảm nhận vai trò lãnh đạo. Thông qua hệ thống phòng không Patriot và IRIS-T mới của Đức và 19 máy bay chiến đấu F-16 từ Đan Mạch trong khuôn khổ liên minh trên không chung với Hà Lan và Vương quốc Anh.

Các ví dụ khác về hợp tác của EU trong hỗ trợ quân sự cho Kiev, bao gồm các thỏa thuận mua sắm chung mới giữa Hà Lan, Đan Mạch và CCH. Czech để cung cấp cho Ukraine 15 xe tăng chiến đấu chủ lực T-72EA hiện đại hóa, cũng như một loạt kế hoạch mua sắm chung của các nước Bắc Âu để mua đạn 155 mm.

Trong số 10 nước tài trợ hàng đầu, viện trợ quân sự hiện chiếm 58% tổng viện trợ (tính đến ngày 31/10/2023).

Mỹ vẫn là nhà tài trợ quân sự lớn nhất với tổng cam kết 44 tỷ EUR. Nhưng Đức đang bắt kịp, với tổng cam kết quân sự hiện vượt quá 17 tỷ EUR. Các nước nhỏ hơn như các nước Bắc Âu và Hà Lan cũng đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong viện trợ quân sự cho Ukraine trong xung đột quân sự với Nga.

Công cụ theo dõi tài trợ Ukraine liệt kê và định lượng các khoản viện trợ quân sự, tài chính và nhân đạo đã cam kết cho Kiev kể từ ngày 24/1/2022. Báo cáo hiện tại được tính trong khoảng thời gian từ 24/1/22 đến ngày 31/10/2023.

Những hỗ trợ toàn diện của 40 quốc gia được theo dõi, bao gồm EU, các thành viên G7, cũng như Australia, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Na Uy, New Zealand, Thụy Sĩ, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Ấn Độ.

Ngoài ra, các tổ chức của EU được tính là nhà tài trợ riêng.

Công cụ theo dõi lưu giữ danh sách các cam kết từ các chính phủ với Kiev. Các khoản quyên góp tư nhân hoặc quyên góp từ các tổ chức quốc tế như IMF không được đưa vào cơ sở dữ liệu chính.

Cơ sở dữ liệu kết hợp các nguồn chính thức của chính phủ với thông tin từ các phương tiện truyền thông quốc tế. Viện trợ bằng hiện vật, chẳng hạn như vật tư y tế, thực phẩm hoặc thiết bị quân sự, được định lượng dựa trên giá thị trường hoặc thông tin về các cuộc khủng hoảng trước đây liên quan đến viện trợ nhà nước.

(theo Ukrinform)

Gia An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ukraine-that-thu-tai-tro-my-gui-goi-cuoi-cung-eu-tinh-dam-nhan-vai-tro-lanh-dao-248887.html