Tên lửa hành trình chống hạm Neptune được cho là phiên bản nâng cấp sâu dựa trên bản thiết kế Kh-35 Uran ra đời từ thời Liên Xô, với việc nâng cao tầm bắn cũng như độ chính xác lên vượt trội.
So với nguyên bản tên lửa Kh-35 Uran chỉ có tầm bắn 130 km thì Neptune của Ukraine đã nối dài cự ly hoạt động lên tới con số 300 km, tức là gấp hơn 2 lần và vượt cả phiên bản Kh-35U của Nga (tầm xa 260 km).
Hệ thống tên lửa Neptune trong cấu hình đất đối hải sẽ được sử dụng để bảo vệ eo biển và vùng duyên hải, các tuyến đường biển ngoài khơi, căn cứ hải quân, cơ sở hạ tầng ven biển, cũng như ngăn chặn các mối đe dọa từ nhóm tàu đột kích của đối phương.
Một khẩu đội tên lửa bờ Neptune tiêu chuẩn bao gồm 1 xe chỉ huy và điều khiển đặt trên khung gầm xe tải KrAZ 6x6, 1 xe hỗ trợ, 4 xe mang phóng tự hành sử dụng khung gầm KrAZ-7634iT 8х8 được điều khiển bởi kíp lái 3 người, đi kèm 2 xe nạp đạn.
Truyền thông Ukraine cho biết, hải quân nước này vừa tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật, trong đó tên lửa hành trình chống hạm Neptune đã được sử dụng cho kịch bản phá hủy tàu chiến Nga tại khu vực Biển Đen.
Theo thông báo, một con tàu cũ thuộc Dự án 1635 đã được chuyển đến làm mục tiêu, nó có chiều dài 38 m, chiều rộng 11 m.
Trên thực tế đây là một chiếc sà lan không tự hành và không có người điều khiển, được thiết kế để đẩy bằng tàu kéo dọc theo các con sông".
Mục tiêu được neo cách bờ biển 75 km và trên boong tàu được giăng lưới kim loại.
Ý nghĩa trong cuộc thử nghiệm này đó là tên lửa, nếu thành công sẽ không nhấn chìm tàu mục tiêu đắt tiền, nó chỉ cần lao trúng phía trên một vài mét và để lại một lỗ trên lưới.
Kết quả của cuộc thử nghiệm theo báo cáo đã thành công, tên lửa Neptune đã bắn trúng mục tiêu từ cự ly 75 km, vết thủng trên lưới kim loại cách mặt nước chỉ vài mét, cho thấy tính năng kỹ chiến thuật đáng gờm của vũ khí trên.
Bộ Quốc phòng Ukraine thông báo họ sẽ sớm sản xuất hàng loạt tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển Neptune để triển khai bên bờ biển Đen và biển Azov.
Với tầm bắn lớn và độ chính xác cao, vũ khí này sẽ bảo đảm cho Ukraine khả năng "khóa chặt" biển Đen và cả biển Azov trong trường hợp nổ ra xung đột với Nga.
Ngoài tầm bắn xa, tên lửa Neptune còn có diện tích phản xạ radar rất nhỏ và thực hiện được đường bay rất thấp để qua mặt hệ thống phòng không hạm tàu của đối phương.
Tên lửa Neptune do Ukraine chế tạo rõ ràng là một thứ vũ khí mà Hải quân Nga không thể coi nhẹ nếu như không muốn phải gánh chịu thiệt hại nặng nề trong trường hợp nổ ra xung đột quy mô lớn.
Bạch Dương (Theo Topwar)