Ukraine tiến sâu 30 km vào đất Nga; Moskva xây phòng tuyến gần nhà máy điện hạt nhân Kursk
Những tuyên bố của Bộ Quốc phòng Liên bang Nga và cảnh quay đã được xác minh của đài BBC (Anh) cho thấy các lực lượng của Kiev đã tiến sâu khoảng 30 km vào tỉnh Kursk gần biên giới với Ukraine và các tuyến phòng thủ mới đã xuất hiện gần nhà máy điện hạt nhân Kursk (NPP).
Vào ngày 11/8, Bộ Quốc phòng Liên bang Nga tuyên bố rằng Moskva đã ngăn chặn nỗ lực đột phá của các lực lượng của Ukraine gần các khu định cư Tolpino và Obshchii Kolodez ở tỉnh Kursk, lần lượt cách biên giới Nga-Ukraine khoảng 25 và 30 km.
Đài BBC của Anh gọi đó là sự thừa nhận gián tiếp rằng Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã tiến sâu vào tỉnh biên giới Kursk của Liên bang Nga.
Một đoạn video được công bố trực tuyến và được đài BBC xác nhận cũng cho thấy các lực lượng Liên bang Nga đã thực hiện đòn tấn công ở gần làng Levshinka, cách biên giới với Ukraine khoảng 25 km.
Phóng viên đài BBC và một số hãng thông tấn như AFP đã chứng kiến một dòng xe bọc thép và xe tăng liên tục di chuyển từ thành phố Sumy của Ukraine về hướng tỉnh Kursk của Liên bang Nga.
Những chiếc xe bọc thép này mang phù hiệu tam giác trắng, vốn được sử dụng để phân biệt khí tài mà Ukraine sử dụng cho chiến dịch tấn công tỉnh Kursk ở phía Tây Nam Liên bang Nga.
Các bức ảnh chụp từ trên không và ảnh vệ tinh cũng cho thấy dường như xe tăng Ukraine đã tham gia chiến đấu bên trong lãnh thổ của Liên bang Nga.
Xem video Liên bang Nga triển khai quân đội, vũ khí ở khu vực Kursk sau cuộc xâm nhập bất ngờ của Ukraine vào hôm 6/8/2024. Nguồn: AP
So sánh các bức ảnh chụp cùng địa điểm trước và vào ngày 10/8, theo đài BBC, người ta thấy Liên bang Nga đã xây dựng các tuyến phòng thủ mới gần nhà máy điện hạt nhân Kursk, với tuyến gần nhất cách nhà máy này khoảng 8 km.
Liên quan tới an toàn của nhà máy điện hạt nhân Kursk, ngày 10/8, hãng thông tấn nhà nước Nga RIA trích lời Giám đốc Cơ quan hạt nhân Liên bang Nga Rosatom Alexei Likhachev cho rằng cuộc tấn công của Ukraine vào tỉnh Kursk gây ra "mối đe dọa trực tiếp" đối với nhà máy điện hạt nhân của khu vực này.
Ông Likhachev nhấn mạnh: "Hành động của quân đội Ukraine không chỉ gây ra mối đe dọa trực tiếp đối với nhà máy điện hạt nhân Kursk mà còn đối với toàn bộ ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân".
Theo Đài Tiếng nói Đức, ông Likhachev đưa ra bình luận nêu trên trong cuộc gọi với Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IARA) Rafael Grossi còn trong một tuyên bố riêng, ông Likhachev nói rằng: "Hiện tại, có nguy cơ thực sự về các cuộc tấn công và khiêu khích của quân đội Ukraine".
Về phần mình, vào hôm 8/8, IAEA, cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc, đã kêu gọi Ukraine và Nga kiềm chế khi giao tranh leo thang ở khu vực Kursk của Liên bang Nga, nơi có một trong những nhà máy điện hạt nhân lớn nhất của nước này..
Tổng Giám đốc IAEA, ông Rafael Grossi, cho biết "cần phải kiềm chế tối đa" để ngăn chặn thảm họa hạt nhân trong bối cảnh xung đột đang diễn ra gần nhà máy điện hạt nhân Kursk.
Tổng Giám đốc IAEA Grossi cho biết trong một tuyên bố do IAEA công bố rằng ông muốn kêu gọi “tất cả các bên kiềm chế tối đa để tránh một vụ tai nạn hạt nhân có khả năng gây ra hậu quả nghiêm trọng về mặt phóng xạ".
Tổng Giám đốc IAEA Grossi cho biết thêm cá nhân ông đang liên lạc với các cơ quan chức năng có liên quan của cả Liên bang Nga và Ukraine và sẽ tiếp tục nắm bắt vấn đề này.
Theo truyền thông Nga, phái đoàn ngoại giao của Moskva tại Vienna đã thông báo với IAEA rằng các mảnh vỡ, có thể là từ tên lửa bị bắn hạ, đã được tìm thấy tại nhà máy, mặc dù không có bằng chứng nào về một cuộc tấn công trực tiếp.
Trong khi đó vào hôm 9/8, Rosatom cho biết nhà máy điện hạt nhân Kursk vẫn hoạt động bình thường.
Xem video về hoạt động của nhà máy điện hạt nhân Kursk. Nguồn: Reuters
Vào sáng ngày 6/8, Bộ Quốc phòng Liên bang Nga tuyên bố rằng các lực lượng Ukraine đã tiến hành một nỗ lực xâm nhập vào tỉnh Kursk cùng với lưu ý rằng họ đã di chuyển lực lượng dự bị đến biên giới và đang "tấn công quân đội Ukraine từ trên không".
Sau đó, Bộ Tình trạng khẩn cấp Liên bang Nga đã tuyên bố áp đặt tình trạng khẩn cấp ở Kursk và vào ngày 10/8, hãng thông tấn TASS đưa tin Ủy ban Chống khủng bố quốc gia Liên bang Nga đã áp đặt các biện pháp chống khủng bố tại 3 tỉnh giáp giới Ukraine gồm Kursk, Bryansk và Belgorod trước "hành động gây bất ổn chưa từng thấy của Kiev".
Theo TASS, để đảm bảo an toàn cho người dân và ngăn chặn mối đe dọa của các hành vi có thể được thực hiện bởi các đơn vị phá hoại và trinh sát của Ukraine, Chủ tịch Ủy ban Chống khủng bố quốc gia kiêm Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Nga Alexander Bortnikov đã quyết định tiến hành các hoạt động chống khủng bố tại các vùng Belgorod, Bryansk và Kursk, bắt đầu từ ngày 9/8.
Với việc tiến hành hoạt động chống khủng bố, chính quyền có thể tái bố trí người dân đến nơi an toàn, kiểm soát liên lạc, trưng dụng phương tiện, cho ngừng các hoạt động sản xuất liên quan vật liệu độc hại, ngắt kết nối Internet và các liên lạc di động khác…