Ukraine tìm kiếm hòa bình tại hội nghị thượng đỉnh ở Thụy Sĩ

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông hy vọng có thể tìm được con đường dẫn đến 'hòa bình công bằng' càng sớm càng tốt tại hội nghị thượng đỉnh ở Thụy Sĩ.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Thụy Sĩ, ngày 15/6. Ảnh: AFP

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Thụy Sĩ, ngày 15/6. Ảnh: AFP

“Tôi tin rằng chúng ta sẽ chứng kiến lịch sử được tạo nên tại hội nghị thượng đỉnh ở đây. Mọi thứ sẽ được thống nhất tại hội nghị thượng đỉnh hôm nay sẽ là một phần của tiến trình kiến tạo hòa bình,” Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại phiên họp toàn thể đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh hòa ngày 15/6 (giờ địa phương), theo AFP.

Ông Zelensky nhấn mạnh: “Chúng tôi đã thành công trong việc mang lại cho thế giới ý tưởng rằng những nỗ lực chung có thể chấm dứt chiến sự và thiết lập một nền hòa bình công bằng”.

Nhà lãnh đạo Ukraine cho biết, đại diện của 101 quốc gia và tổ chức toàn cầu đã có mặt tại hội nghị, trong đó có khu vực Mỹ Latinh, châu Phi, Trung Đông, châu Á, Thái Bình Dương và Bắc Mỹ, cùng các nhà lãnh đạo tôn giáo.

Tổng thống Zelensky tuyên bố rằng hội nghị sẽ tập trung vào 3 điểm của “công thức hòa bình”, gồm an toàn hạt nhân, an ninh lương thực, thả tù nhân và người bị trục xuất. “Chúng ta sẽ tập trung vào những điểm ban đầu của công thức hòa bình. Trong quá trình làm việc, chúng ta có thể đạt được thỏa thuận và lập kế hoạch hành động cho từng điểm của công thức hòa bình,” ông nhấn mạnh.

Từ trái sang phải: Ngoại trưởng Thụy Sĩ Ignazio Cassis, Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tại hội nghị thượng đỉnh ở Thụy Sĩ, ngày 15/6. Ảnh: Reuters

Từ trái sang phải: Ngoại trưởng Thụy Sĩ Ignazio Cassis, Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tại hội nghị thượng đỉnh ở Thụy Sĩ, ngày 15/6. Ảnh: Reuters

Hội nghị thượng đỉnh tại Thụy Sĩ đã quy tụ lãnh đạo của Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản, người đứng đầu một số quốc gia ngoài châu Âu như Chile, Ghana và Kenya.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cử Phó Tổng thống Kamala Harris đến hội nghị. Tại đây, bà Kamala đã công bố khoản viện trợ mới hơn 1,5 tỷ USD cho Ukraine, chủ yếu cho lĩnh vực năng lượng và hỗ trợ nhân đạo.

Nga không được mời tham dự hội nghị, Trung Quốc tuyên bố không tham dự hội nghị, trong khi Brazil cử một phái viên, Ấn Độ cử đại diện cấp bộ trưởng đến Thụy Sĩ.

Triển vọng của hội nghị hòa bình

Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia – hai nước từng tổ chức đàm phán Nga – Ukraine, hội nghị hòa bình cho Ukraine, đều cho rằng sự vắng mặt của Nga tại hội nghị thượng đỉnh ở Thụy Sĩ là một trở ngại của các cuộc thảo luận.

Chia sẻ tại hội nghị, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan cho biết: “Tôi cũng phải lưu ý rằng hội nghị thượng đỉnh này có thể hướng tới kết quả tốt hơn nếu bên kia trong cuộc xung đột là Nga tham dự hội nghị”.

Ngoại trưởng Saudi Arabia, Hoàng tử Faisal bin Farhan Al Saud, chỉ ra rằng bất kỳ tiến bộ có ý nghĩa nào trong các cuộc đàm phán đều “sẽ đòi hỏi sự thỏa hiệp khó khăn” giữa các bên. “Điều cần thiết là phải nhấn mạnh rằng bất kỳ tiến trình đáng tin cậy nào cũng cần có sự tham gia của Nga,” ông nhấn mạnh.

Về phía Nga, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 15/6 nói với TASS rằng Moscow sẽ không gửi bất kỳ thông điệp nào tới những bên tham gia hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Thụy Sĩ. “Chúng tôi muốn trong lần tới, cuộc xung đột sẽ được thảo luận tại một sự kiện mang tính xây dựng và hứa hẹn hơn”.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 14/5 đã nêu ra các điều cần cần đáp ứng để chấm dứt các hành động thù địch và khởi động các cuộc đàm phán hòa bình. Các điều kiện này bao gồm việc Ukraine rút lực lượng khỏi các vùng lãnh thổ mới của Nga – những vùng cần được quốc tế công nhận; Ukraine cam kết chính thức không gia nhập NATO hoặc tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân và cuối cùng là việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga.

Tuy nhiên, ông Mikhail Podoliak - Trợ lý Tổng thống Ukraine, tuyên bố rằng sáng kiến hòa bình mà Tổng thống Nga Putin đưa ra là không thực tế và không thể hiện mong muốn kết thúc xung đột.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng chỉ trích đề xuất của ông Putin khi cho rằng yêu cầu rút lực lượng Ukraine khỏi các vùng lãnh thổ mới của Nga không phải là dấu hiệu của thiện chí mà là mong muốn của Moscow đạt được các mục tiêu quân sự và “chiếm giữ nhiều lãnh thổ Ukraine hơn”.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/ukraine-tim-kiem-hoa-binh-tai-hoi-nghi-thuong-dinh-o-thuy-si-post35728.html