Ukraine tuyên bố đang chuyển mình, 'than thở' về thiếu tiền, Đức hứa hẹn
Ngày 21/7, trong một cuộc họp trực tuyến của Nhóm Tiếp xúc Quốc phòng Ukraine, Kiev khẳng định, quốc gia Đông Âu chìm trong xung đột đang chuyển mình từ một nước nhận viện trợ thành một đối tác chủ động trong sản xuất quốc phòng.

Ukraine muốn các đối tác nhanh chóng gửi hệ thống phòng không Patriot. (Nguồn: Quân đội Mỹ)
Các đại diện cấp cao từ khoảng 50 quốc gia đã tham gia cuộc họp lần thứ 29 của Nhóm Tiếp xúc quốc phòng Ukraine, được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Chủ đề thảo luận chính của phiên họp này là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump thay đổi quan điểm về viện trợ quân sự cho Ukraine, trong bối cảnh các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển giao vũ khí cho Kiev.
Tự tin chuyển mình?
Theo báo Ukrinform, phát biểu tại cuộc họp, Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia và quốc phòng Ukraine Rustem Umerov cho biết, nước này đang chuyển mình từ việc nhận viện trợ thành đối tác chủ động trong sản xuất quốc phòng.
"Ukraine giờ đây không chỉ là bên tiếp nhận mà đã trở thành đối tác thực thụ trong chuỗi sản xuất chung. Trong hai năm qua, chúng tôi đã đầu tư hơn 20 tỷ USD vào ngành công nghiệp quốc phòng trong nước và hiện nay, đáp ứng gần 40% nhu cầu tại tiền tuyến. 95% máy bay không người lái (UAV) sử dụng trên mặt trận là sản phẩm nội địa", ông nói rõ.
Theo ông Umerov, dựa trên “mô hình Đan Mạch”, lần đầu tiên các đối tác quốc tế đã “trực tiếp đầu tư vào các doanh nghiệp quốc phòng của Ukraine, mang lại hơn 4 tỷ USD vốn”. Cùng với các đồng minh, Ukraine đã hoàn thành hơn 20 dự án sản xuất chung và nhiều dự án khác đang được triển khai, dự kiến “sẽ mang lại kết quả trong tương lai gần”.
Trong năm 2025, tổng hỗ trợ quốc tế cho quốc gia Đông Âu trong lĩnh vực an ninh đạt mức kỷ lục 43 tỷ USD - cao nhất kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào năm 2022. Ông cho biết, Ukraine cùng các đối tác đã thành lập 9 liên minh năng lực chức năng, khởi động việc chuyển giao máy bay F-16 và Mirage, sáng lập Liên minh UAV đem lại lợi thế công nghệ trên tiền tuyến.
Ngoài ra, trong hai năm qua, Ukraine không chỉ huy động nỗ lực quốc phòng mà còn hình thành một liên minh đoàn kết quốc tế: “Chúng tôi bắt đầu sản xuất chung, đón các công ty đến Ukraine, đồng thời đưa doanh nghiệp của chúng tôi ra nước ngoài. Đây là khoản đầu tư không chỉ cho an ninh hôm nay mà còn cho thịnh vượng tương lai”.
Kiev khẩn thiết kêu gọi viện trợ
Tại cuộc họp, tân Bộ trưởng Quốc phòng Denys Shmyhal đã trình bày các nhu cầu chiến lược của Ukraine và kỳ vọng hợp tác từ các đối tác quốc tế. Theo ông, Kiev hiện cần khoản hỗ trợ tài chính 6 tỷ USD để bù đắp khoản thiếu hụt trong ngân sách mua sắm quốc phòng năm nay.
“Khoản này sẽ giúp chúng tôi sản xuất thêm UAV tấn công FPV để giữ vững phòng tuyến, tăng cường UAV đánh chặn nhằm đối phó với máy bay không người lái Shahed, cũng như bổ sung vũ khí tầm xa để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga”, ông Shmyhal cho biết.
Ngoài ra, Ukraine đề cập việc mua khẩn cấp vũ khí Mỹ cho Kiev – đặc biệt là hệ thống phòng không Patriot và tên lửa PAC-3 cùng với đạn dược. Đây là yêu cầu đầu tiên mà ông Shmyhal đưa ra trong bài phát biểu của mình.
Bên cạnh đó, nói về chiến lược trung hạn, ông Shmyhal kêu gọi các đối tác quốc tế bắt đầu dành ngân sách cho Ukraine trong năm 2026 ngay từ bây giờ, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quốc gia Đông Âu được tham gia các chương trình cho vay của châu Âu theo cơ chế Hành động An ninh cho châu Âu (SAFE).
Về việc viện trợ vũ khí, hãng tin DPA đưa tin, tại cuộc họp, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius tuyên bố Berlin sẽ đóng góp 5 hệ thống phòng không Patriot cho Kiev để đối phó với những cuộc không kích của Moscow.
Mỗi hệ thống Patriot trị giá khoảng 1 tỷ Euro (25 tỷ Krona). Đây là loại vũ khí phòng không tầm xa, có khả năng đánh chặn máy bay và tên lửa đạn đạo ở cự ly tới 100 km và độ cao 30 km.