Ukraine và Moldova tiến gần hơn tới mục tiêu gia nhập EU
Các đại sứ Liên minh châu Âu vừa đồng ý trên nguyên tắc về khuôn khổ đàm phán cho các cuộc thương lượng gia nhập khối của Ukraine và Moldova. Dự kiến, các bộ trưởng EU sẽ chính thức thông qua quyết định này trong cuộc họp vào ngày 21/6 tới.
Lý do khiến EU đạt được sự nhất trí
Một trong những lý do chính mà EU đạt được sự nhất trí về thời điểm đàm phán kết nạp Ukraine và Moldova, đó là những kết quả gần đây liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine ngày càng trở nên căng thẳng.
Sau khi Mỹ và EU cho phép Kiev bắt đầu tấn công các mục tiêu nằm trong lãnh thổ Nga, tình hình xung đột có phần leo thang và quan trọng hơn cả là phía Nga vẫn phản ứng dữ dội và không chút nào tỏ ra yếu thế. Trên cơ sở đó, các lãnh đạo khối 27 cho rằng đây là thời điểm cần thiết để thể hiện sự thống nhất quan điểm trong việc tăng cường sự ủng hộ dành cho Ukraine và gửi thông điệp đến Tổng thống Nga Vladimir Putin. Thông điệp này nhằm mục đích gây sức ép tới Nga và đưa ra thêm cơ sở để nước này ngồi vào bàn đàm phán. Moldova cũng được đẩy nhanh tiến trình đàm phán kết nạp do các nước thành viên nhóm 27 lo ngại cuộc xung đột Nga-Ukraine có thể mở rộng và lan sang các nước Balkan.
Ngoài ra, với sự tiến triển của nhóm trung hữu Nhân dân Châu Âu (EPP) tại cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu lần này, những quyết sách của châu Âu trong thời gian tới sẽ tập trung chủ yếu vào tăng cường sự thống nhất trong việc ủng hộ Ukraine và củng cố ngành công nghiệp quốc phòng EU. Thế nên các nước nhóm 27 hoàn toàn có cơ sở để đẩy mạnh sự ủng hộ dành cho Kiev.
Nhưng quan trọng nhất, đó là mới đây, Thủ tướng Hungary đã đạt được thỏa thuận với NATO về việc nước này sẽ “không bị bắt buộc phải tham gia vào các nỗ lực của NATO trong việc ủng hộ Ukraine” và đổi lại “Hungary sẽ không cản trở các nước đồng minh khác tham gia hỗ trợ Ukraine”. Cho đến nay, ông Vicktor Orban vẫn luôn lo ngại Budapest sẽ bị cuốn vào cuộc xung đột Nga-Ukraine. Đây cũng là lý do chính ông luôn phản đối việc gia nhập EU của Ukraine. Và với thỏa thuận lần này, ông đã phần nào yên tâm hơn và không còn tỏ ra căng thẳng về vấn đề Ukraine. Phản ứng của Hungary đã tạo tiền đề cho việc EU đạt được sự nhất trí về thời điểm đàm phán kết nạp Ukraine.
Trở ngại đối với Ukraine
Trên thực tế, quá trình gia nhập EU của bất cứ quốc gia nào đều được đong đếm bằng chục năm, thậm chí nhiều hơn. Hungary và Ba Lan gửi đơn xin gia nhập vào năm 1994 và được gia nhập Liên minh vào năm 2004. Tương tự, Croatia nộp đơn xin gia nhập vào năm 2003 và gia nhập Liên minh vào năm 2013. Đây là các quốc gia có thời gian gia nhập ngắn nhất. Trung bình, các quốc gia ứng viên khác phải mất nhiều hơn một thập kỷ, đơn cử như Romania và Bulgaria nộp đơn gia nhập Liên minh châu Âu vào năm 1995 và cuối cùng gia nhập vào năm 2007.
Lý do khiến các quốc gia ứng viên mất nhiều thời gian chủ yếu bởi 3 điểm chính. Đầu tiên, đó là quốc gia ứng viên phải đảm bảo được các thể chế ổn định, thông qua việc đảm bảo dân chủ, pháp quyền, nhân quyền cũng như bảo vệ các nhóm thiểu số. Tiếp theo, đó là các quốc gia này phải có khả năng để duy trì một nền kinh tế thị trường đủ sức mạnh để đối mặt với sự cạnh tranh của thị trường Liên minh Châu Âu. Thêm vào đó, họ cũng phải có khả năng thực hiện các nhiệm vụ và mục tiêu chung của Liên minh châu Âu, từ chính trị, kinh tế cho đến tiền tệ.
Trong trường hợp của Ukraine, vấn đề vướng mắc hiện nằm ở việc có thể đảm bảo các thể chế ổn định cũng như khả năng duy trì một nền kinh tế khả thi. Trên thực tế, Kiev vẫn luôn trong tình trạng xung đột vũ trang kể từ vài năm trở lại đây. Điều này sẽ đặc biệt khó khăn để Tổng thống Volodymyr Zelensky có thể xây dựng một nền kinh thế thị trường theo tiêu chuẩn EU. Chưa kể đến, Ukraine hiện vẫn còn khá xa vời việc có thể thực hiện hoặc đủ tiêu chuẩn để có thể đóng góp cho các mục tiêu của khối 27.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất đối với Kiev lúc này, đó là Ukraine vẫn còn bị ảnh hưởng bởi tình trạng tham nhũng cao. Theo báo cáo của Tổ chức Minh bạch quốc tế công bố năm 2021, Ukraine hiện là quốc gia có tỉ lệ tham nhũng cao nhất châu Âu với số điểm là 32/100. Bài toán đảm bảo dân chủ và pháp quyền sẽ là thách thức cho Kiev trong thời gian tới.
Tác động đối với khu vực
Tác động đầu tiên tới khu vực, đó là việc Ukraine sẽ đem đến nhiều thay đổi tới thị trường nông sản của châu Âu. Với hơn 40 triệu ha đất canh tác, Ukraine sẽ là một trong những quốc gia sản xuất nông nghiệp giá rẻ và gây ra sức ép cho toàn bộ các thành viên còn lại của EU.
Việc Ukraine tới gần với mục tiêu gia nhập EU cũng gây ra những hậu quả ngay lập tức đối với Chính sách nông nghiệp chung (CAP) của khối. Các nước hiện đang được hưởng lợi từ chính sách như Pháp với hơn 9 tỷ Euro tiền tài trợ, sẽ phải chia sẻ miếng bánh này với người khổng lồ nông nghiệp. Điều này sẽ đẩy ngành nông nghiệp của EU, vốn vừa trải qua những khủng hoảng với hàng loạt cuộc biểu tình vài tháng trước đây, đến với một cuộc khủng hoảng về giá cả mới.
Nhưng trên tất cả, việc Ukraine gia nhập EU cũng sẽ khiến cán cân quyền lực của châu Âu ngày một nghiêng về phía đông và có thể tăng cường đáng kể sức nặng của khối bảo thủ được thành lập bởi các quốc gia thuộc nhóm Visegrad (Hungary, Ba Lan, Séc và Slovakia). Nhóm này vẫn luôn bất mãn với một số chính sách của Bruxelles trong vài năm trở lại đây.
Thêm vào đó, Ukraine là nước hiện đang được sự ủng hộ lớn nhất từ Mỹ. Gần đây nhất là việc Quốc hội Mỹ thông qua gói tài trợ trị giá 60 tỷ đô la Mỹ dành cho Kiev. Thế nên mặc dù khát khao muốn gia nhập EU, nhưng người Ukraine biết họ nợ Mỹ những gì. Điều này sẽ gây khó khăn cho việc gia nhập của Kiev. Nhiều chuyên gia nhận định EU sẽ không hy vọng các quốc gia thành viên của mình chịu sự ảnh hưởng từ một thế lực thứ 3 và có những hành động gây tổn hại đến cộng đồng chung.
Chưa kể đến, nhiều khả năng, việc EU đồng ý về khuôn khổ đàm phán cho các cuộc thương lượng gia nhập khối của Ukraine sẽ làm gia tăng căng thẳng của cuộc xung đột Nga-Ukraine. Về nguyên tắc, việc gia nhập của Kiev sẽ mất nhiều thời gian, nhưng trong bối cảnh đặc biệt, điều gì cũng có thể xảy ra. Vậy nên để đảm bảo quyền lợi của mình, Nga bắt buộc phải có phản ứng.
Và sau cùng, việc ưu tiên Ukraine đồng nghĩa với việc các quốc gia vùng Balkan sẽ phải nhường Kiev và chờ đợi thời gian lâu hơn. Đây không phải là điều EU muốn thấy bởi khi đó, các quốc gia Balkan sẽ có lý do để nghiêng về các thế lực phía Đông.