Ukraine và phương Tây chia rẽ về chiến lược trong thời điểm bước ngoặt
Những chia rẽ về việc huấn luyện và mục tiêu chiến lược đang khoét sâu mâu thuẫn giữa Ukraine và phương Tây trong thời điểm bước ngoặt khi cuộc phản công của Kiev không còn nhiều thời gian.
Ukraine và phương Tây đổ lỗi cho nhau
Có phải NATO đã mắc sai lầm khi huấn luyện cho các đơn vị phản công của Ukraine? Câu hỏi này đang là trung tâm của một cuộc tranh luận về việc tại sao sau 3 tháng giao tranh dữ dội, cuộc phản công ở Đông Nam Ukraine vẫn chưa thể chọc thủng phòng tuyến Nga để đến được Biển Azov nhằm mục tiêu chia cắt hành lang trên đất liền nối Crimea với các vùng lãnh thổ ở phía Nam do Nga kiểm soát.
Trong khi tiến triển diễn ra chậm chạp ở mặt trận Zaporizhzhia - trục chính trong 3 hướng tấn công thì có nhiều đồn đoán cho rằng lẽ ra các lực lượng của Ukraine có thể làm tốt hơn.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý nhất là các binh lính trên tiền tuyến của Ukraine hoặc những người mới quay trở về từ các khóa huấn luyện đã đổ lỗi cho NATO vì đã đào tạo họ trong môi trường chiến đấu hoàn toàn khác. Dĩ nhiên, Ukraine cũng đối mặt với những chỉ trích về chính các lực lượng của mình trong những tuần gần đây khi các quan chức quân sự phương Tây cho rằng lực lượng này đã không thể quan sát và vận dụng tác chiến hiệp đồng binh chủng mà NATO chỉ dẫn hồi đầu năm. Đáng chú ý nhất là đánh giá chiến trường bị rò rỉ vào tháng 7 của quân đội Đức, phàn nàn rằng quân đội Ukraine không thực hiện các bài học huấn luyện của NATO và chỉ trích các chỉ huy Ukraine vì đã chia các lữ đoàn được phương Tây đào tạo thành các đơn vị nhỏ chỉ khoảng 10 - 30 binh lính để tấn công các vị trí của đối phương.
Tuy nhiên, một số chuyên gia quân sự cho rằng NATO đã chuẩn bị cho Ukraine trong một kiểu xung đột khác và huấn luyện họ những nội dung không phù hợp với thực tế chiến trường. Theo các chuyên gia này, có một khoảng cách rõ ràng giữa lý thuyết và thực hành. Sự thiếu kết nối đó đã khiến Ukraine phải trả giá đắt về trang thiết bị và lực lượng.
Sai lầm huấn luyện của NATO khiến Ukraine trả giá đắt?
Dường như khóa huấn luyện mà các binh lính Ukraine nhận được dựa trên những gì các lực lượng của NATO từng trải qua trong những năm gần đây - đó là những cuộc chiến chống quân nổi dậy với sự áp đảo về sức mạnh. Trong khi Ukraine có kinh nghiệm về các chiến thuật bộ binh cơ bản, trinh sát, tấn công chiến hào thì họ lại thiếu sự huấn luyện về cách sử dụng UAV, các thiết bị dò mìn và dọn mìn.
Khi nói về chiến tranh UAV và cách đối phó với phương tiện này của đối phương, các lực lượng của Kiev không được chỉ dạy bài bản, chủ yếu là bởi NATO chưa đối mặt với tình huống đó hay huấn luyện lực lượng bộ binh của mình công nghệ như vậy.
Ở phía Bắc, trên mặt trận Kharkiv, các binh lính thuộc Lữ đoàn Cơ giới 32 của Ukraine chỉ nhận được 3 tuần huấn luyện của NATO ở Đức. Họ thừa nhận các sĩ quan NATO không hiểu thực tế khắc nghiệt của cuộc giao tranh ở Ukraine.
"Một binh lính NATO biết rằng anh ta có thể tiến công với khả năng cao sẽ không bị thương vong", một binh lính Ukraine có tên là Ihor cho hay. Cách đánh của NATO cần các cuộc không kích được chuẩn bị trên quy mô lớn, những cuộc pháo kích càn két và gỡ mìn trước khi bộ binh tiến công. Trong khi đó, quân đội Ukraine, vốn không có chiến đấu cơ hiện đại, tên lửa tầm xa và thiết bị dọn mìn, phải chiến đấu theo cách hoàn toàn khác so với các học thuyết tiêu chuẩn của NATO.
Đó là lý do tại sao trong giai đoạn đầu của cuộc phản công, Ukraine đối mặt tổn thất lớn về lực lượng và phương tiện bọc thép khi sa lầy vào những bài mìn dày đặc. Sau đó, các lực lượng của Kiev phải chuyển sang những chiến thuật trong giai đoạn tiêu hao thứ hai, chủ yếu sử dụng các đơn vị nhỏ để tiến công và vượt qua phòng tuyến kiên cố của Nga.
Ukraine và phương Tây chia rẽ về chiến lược trong thời điểm bước ngoặt
Ukraine sẽ giành lại thành phố Bakhmut từ Nga vào cuối năm nay, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho hay trong chuyến thăm Washington mới đây. Giới quan sát nhận định, tuyên bố trên cho thấy rạn nứt giữa giới chức Ukraine và Mỹ khi Washington cho rằng Kiev nên tập trung hơn vào mặt trận phía Nam.
Các quan chức quân sự Mỹ muốn Ukraine tiến công để giành lại thành phố Melitopol ở phía Nam. Trong khi các lực lượng của Kiev đã tập trung vào khu vực này trong những tuần gần đây thì thời gian của Ukraine để xuyên thủng phòng tuyến Nga ngày càng rút ngắn. Theo Washington, việc giành lại Melitopol sẽ giúp Ukraine có thể sử dụng pháo tầm ngắn để phá hủy tuyến hậu cần của Nga tới Crimea, gia tăng sức ép với các lực lượng của Moscow trên bán đảo này.
Một số quan chức cho rằng cuộc phản công của Ukraine dường như không thể hoàn thành mục tiêu chiến lược là cắt đứt hoặc thu hẹp hành lang trên đất liền giữa Crimea và biên giới Nga. Ngoài ra, các lực lượng của Ukraine thậm chí sẽ gặp khó khăn nhiều hơn trong việc duy trì đà tiến công khi mặt đất biến thành bùn lầy. Các chuyên gia dự báo trong một vài tuần nữa, quân đội Ukraine sẽ cần thời gian để xây dựng lại kho vũ khí và để các lực lượng nghỉ ngơi.
Tuy nhiên, ông Zelensky đã bác bỏ suy đoán đó và cho rằng vì Nga đang tìm kiếm khoảng nghỉ nên các lực lượng của Ukraine sẽ không dừng lại.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục làm mọi thứ để không dừng lại trong suốt những ngày khó khăn mùa thu với điều kiện thời tiết không tốt và cả trong mùa đông", ông Zelensky nói.
Hiện nay, nhà phân tích quân sự Michael Kofman, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu về Nga tại Trung tâm Phân tích Hải quân đánh giá, Ukraine có "khả năng thực tế để xuyên thủng các phòng tuyến Nga" dựa trên những diễn biến trong một vài tuần gần đây. Dù vậy, ông thận trọng đánh giá, đây không phải cuộc chơi mà một bên có thể dễ dàng đặt cược và dự đoán kết quả.
Bất chấp việc Ukraine tuyên bố xuyên thủng phòng tuyến đầu của Nga ở Robotyne vào cuối tháng 8, giới quan sát nhận định, cuộc phản công sẽ không thay đổi nhiều tình hình chiến trường.
Phát biểu tại Prague, Cộng hòa Séc vào tuần trước, Đại sứ Mỹ tại Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu Michael Carpenter cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine sắp bước vào mùa mưa và sau đó là mùa đông - thời điểm việc di chuyển của quân đội trở nên khó khăn hơn.
"Đây chính là thời điểm quyết định", Đại sứ Michael Carpenter cho hay.