Ukraine và phương Tây xung đột về chiến đấu cơ F-16
Theo các phương tiện truyền thông, máy bay chiến đấu F-16 do phương Tây viện trợ có tác dụng hạn chế đối với Ukraine, vì lực lượng không quân nước này chỉ có một số ít phi công có khả năng vận hành chúng trong năm nay.
Hôm 13/6, tờ Politico đưa tin “liên minh F-16” có ý định chuyển giao tới 60 chiếc máy bay do Mỹ sản xuất cho Ukraine trong năm nay. Tuy nhiên, sẽ chỉ có 20 phi công Ukraine được đào tạo đầy đủ. Mỹ và các đồng minh của nước này đang từ chối đào tạo thêm binh sĩ Kiev vận hành F-16, bởi các quốc gia khác đang sử dụng chiến đấu cơ này cũng cần đào tạo thêm phi công.
Một quan chức Mỹ cho biết trong cuộc phỏng vấn với Defense News: “Vận hành máy bay chiến đấu đòi hỏi đội ngũ bảo dưỡng và nguồn cung vũ khí tiên tiến ổn định, vốn rất đắt đỏ và khan hiếm ở các quốc gia viện trợ”.
Tờ Politico lưu ý rằng chỉ có 2 địa điểm đang đào tạo phi công Ukraine để thực hiện các nhiệm vụ chống lại Nga. Trong đó, 12 phi công sẽ hoàn thành khóa đào tạo tại căn cứ Không quân Quốc gia Morris ở Tucson, Arizona vào tháng 9 tới. Tám phi công khác sẽ hoàn thành các khóa huấn luyện tại một cơ sở ở Đan Mạch, trước khi cơ sở này đóng cửa vào tháng 11.
Chương trình thứ 2 sẽ do Lockheed Martin, nhà sản xuất F-16 của Mỹ, điều hành tại Romania. Theo các nguồn tin của Politico, chương trình này dự kiến có 8 suất cho binh sĩ Ukraine vào năm tới, trong khi một nhóm 8 người khác sẽ sớm đến Tucson.
Phát ngôn viên của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Arizona nói với Politico rằng có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc chấp nhận các học viên nước ngoài. Những yếu tố này bao gồm “nguồn tài trợ, yêu cầu của quốc gia, việc hoàn thành khóa học tiếng Anh và phân bổ”.
Tờ báo cũng đưa tin Kiev tuyên bố có 30 phi công đang chờ được đào tạo lại, nhưng các quan chức phương Tây đã từ chối đưa họ vào huấn luyện. Nguồn tin của Defense News mô tả năng lực đào tạo rất ít ỏi, đồng thời nói thêm rằng tình trạng thiếu hụt phi công có thể ảnh hưởng đến lịch trình chuyển giao máy bay F-16, vì các quan chức phương Tây không muốn thúc đẩy điều đó.
Vê phần mình, Moskva cho rằng việc các quốc gia phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ không thay đổi kết quả của cuộc chiến, và có thể gây ra sự leo thang ngoài ý muốn, kéo các quốc gia viện trợ trở thanh bên tham gia xung đột. Tuần trước, nhà lập pháp cấp cao của Nga cảnh báo rằng nước này sẽ trả đũa bất kỳ căn cứ nào được F-16 sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu của Ukraine, bất kể chúng ở đâu.