Ukraine xin gia nhập EU, các nước thành viên nói gì?

Ngày 28/2, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy và các lãnh đạo Ukraine đã ký đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU)...

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy chụp ảnh cùng Thủ tướng Denys Shmygal (phải) và Chủ tịch Quốc hội Ruslan Stefanchuk sau khi ký yêu cầu chính thức để Ukraine gia nhập EU tại Kyiv, Ukraine ngày 28/2 - Ảnh: Reuters

Động thái này diễn ra chỉ vài giờ sau khi ông Zelenskyy công bố một video nói về việc Ukraine đề nghị trở thành thành viên EU và kêu gọi các lực lượng của Nga rút quân, theo tin từ Reuters.

Ông Zelenskiy cũng đề nghị EU xác nhận tư cách thành viên cho Ukraine ngay theo một “quy trình đặc biệt” nhưng không nói chi tiết về quy trình này.

Tại họp báo ngày 28/2 tại điện tổng thống, ông Zelenskiy cho biết mục tiêu của Ukraine là hòa nhập với tất cả người dân châu Âu và quan trọng nhất là bình đẳng với nhau.

“Tôi tin rằng đây là điều công bằng và chúng tôi xứng đáng với nó. Tôi tin rằng điều này là có thể”, Tổng thống Ukraine phát biểu.

Theo các nhà phân tích, yêu cầu của ông Zelenskiy có thể “chọc giận” Tổng thống Nga Vladimir Putin bởi việc trở thành thành viên EU cho thấy sự gắn kết giữa Ukraine với châu Âu và khối này - điều mà Moscow phản đối. Croatia là quốc gia gần đây nhất gia nhập EU và phải mất tới 10 năm trước khi chính thức được chấp nhận vào năm 2013.

Để đáp ứng các tiêu chí gia nhập EU, quốc gia ứng viên phải thông qua bộ luật đã được khối này lập ra, đồng thời thực hiện các cải cách, bao gồm cả trong hệ thống tư pháp và kinh tế. Hơn 30 khu vực chính sách sẽ được xem xét và đàm phán để đảm bảo rằng quốc gia đó đủ điều kiện gia nhập, sau đó chuyển sang bước tiếp theo cần có sự đồng thuận của tất cả 27 nước thành viên. Việc kết nạp thành viên cũng cần có sự chấp thuận của tất cả nước thành viên EU, Ủy ban châu Âu (EC) và Nghị viện châu Âu.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock ngày 28/2, sau cuộc thảo luận với người đồng cấp Slovenia, đã nói rằng “EU luôn là ngôi nhà với cánh cửa rộng mở. Và Ukraine là một phần của ngôi nhà đó”.

Tuy nhiên, bà cũng cho biết quy trình đánh giá việc gia nhập EU không thể hoàn thành trong vài tháng mà có liên quan tới một quá trình chuyển đổi sâu rộng tại quốc gia ứng viên.

Cùng ngày, trong một bài phỏng vấn trên kênh truyền hình BFM của Pháp, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết quy trình tranh luận về việc gia nhập của Ukraine sẽ diễn ra và ông muốn có mối quan hệ gắn kết mạnh mẽ với Ukraine và người dân nước này.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu President Ursula von der Leyen nói với Euronews rằng “chúng tôi muốn họ (Ukraine) trở thành thành viên EU”.

Cộng hòa Séc và Slovakia cũng bày tỏ sự ủng hộ với nỗ lực gia nhập EU của Ukraine. Thủ tướng Petr Fiala nói rằng “dù tôi là một người ủng hộ quy trình tiêu chuẩn, nhưng lúc này chúng ta đang không ở trong tình huống tiêu chuẩn”.

“Chúng ta phải làm rõ rằng Ukraine được chào đón trong cộng đồng các nền dân chủ châu Âu”, hãng tin CTK dẫn lời ông Fiala.

Trong khi đó, chia sẻ trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Slovakia Zuzana Caputova cho biết bà ủng hộ lời kêu gọi của ông Zelenskiy rằng EU nên đưa ra quyết định quyết đoán về việc gia nhập của Ukraine.

Thủ tướng Litva Ingrida Simonyte, người ủng hộ tư cách ứng cử viên của Ukraine, cho rằng quy trình kết nạp thành viên nên được xác định rõ và không nên giới hạn ở các kiến nghị cải cách.

"Tôi hy vọng các cuộc đàm phán thực tế có thể sớm bắt đầu”, bà Simonyte nói.

Quy trình kết nạp thành viên mới của EU phức tạp và thường kéo dài, nhưng nếu tất cả các nước thành viên đồng thuận muốn đẩy nhanh thì việc này hoàn toàn có thể thực hiện sớm, Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao EU cho biết.

Theo người này, các nhà lãnh đạo EU có thể sẽ thảo luận về khả năng kết nạp Ukraine làm thành viên tại một cuộc gặp thượng đỉnh không chính thức trong tháng này. Đây là điều quan trọng với Ukraine khi tham gia các cuộc đàm phán với Nga nhằm chấm dứt xung đột.

Quan chức này cho biết, Ukraine có thỏa thuận liên kết với khối 27 quốc gia thành viên EU, trong đó hai bên đồng ý gắn kết nền kinh tế trong một số lĩnh vực và làm sâu sắc hơn quan hệ chính trị từ năm 2017. Tuy nhiên, tư cách thành viên chính thức của Ukraine đến nay chưa được thảo luận để "không làm mất lòng" Nga, nhưng việc Nga đưa quân đội vào Ukraine đã làm thay đổi mọi thứ.

"Với những động thái chưa từng thấy của Nga nhằm vào Ukraine mà chúng ta chứng kiến vừa qua, sự lên án mạnh mẽ và phẫn nộ của EU, các quốc gia thành viên và dư luận, tôi cho rằng đây có thể là nhân tố để xác định cách chúng ta phản hồi đơn đăng ký gia nhập của Ukraine", vị quan chức này cho biết.

Tuy nhiên, nhà ngoại giao hàng đầu của EU Josep Borrell cho rằng ưu tiên trước mắt là đưa ra những hỗ trợ thiết thực cho Ukraine để chống lại cuộc tấn công của Nga, thay vì thảo luận về các vấn đề dài hạn thường kéo dài nhiều năm.

"Chúng ta phải đưa ra câu trả lời cho vài giờ tới chứ không phải vài năm tới", ông Borrell nói với báo chí hôm qua khi được hỏi về tư cách thành viên EU của Ukraine. "Ukraine rõ ràng có chung quan điểm của châu Âu, nhưng bây giờ chúng ta phải chiến đấu chống lại hành động tấn công quân sự".

Ngọc Trang -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ukraine-xin-gia-nhap-eu-cac-nuoc-thanh-vien-noi-gi.htm