Ùn tắc giao thông, tai nạn do vi phạm nồng độ cồn giảm sâu nửa đầu năm

Theo ghi nhận, trong nửa đầu năm 2024, ùn tắc giao thông được kiểm soát tốt, giảm trên 65% cùng kỳ. Đặc biệt, số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn giảm sâu so với các năm trước. Tuy nhiên, vẫn còn 6 hạn chế, yếu kém trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông...

Các đơn vị chức năng xử nghiêm vi phạm về nồng độ cồn, chất ma túy, vi phạm tốc độ; quy tắc, tránh, vượt, dừng đỗ trên đường cao tốc.

Các đơn vị chức năng xử nghiêm vi phạm về nồng độ cồn, chất ma túy, vi phạm tốc độ; quy tắc, tránh, vượt, dừng đỗ trên đường cao tốc.

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 342/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý 3/2024.

NHÌN THẲNG VÀO HẠN CHẾ

Thông báo nêu rõ trong 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế xã hội tiếp tục tăng trưởng, nhu cầu đi lại tăng cao đã tạo áp lực lớn lên công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, song với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, tình hình trật tự an toàn giao thông trong 6 tháng đầu năm 2024 về cơ bản được bảo đảm. Đáng chú ý, số người chết do tai nạn giao thông giảm 634 người, tương đương giảm sâu 10,61% với cùng kỳ năm 2023.

Ùn tắc giao thông được kiểm soát tốt, giảm trên 65% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn trong các dịp cao điểm giảm sâu so với các năm trước. Tình hình vi phạm về chở quá tải trọng xe, vi phạm về cơi nới thành, thùng xe tại các địa phương đã được xử lý một cách căn bản.

Tuy nhiên, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Thứ nhất, ý thức tự giác chấp hành các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn chưa cao; vi phạm quy định nồng độ cồn, chất ma túy khi lái xe vẫn cao.

Thứ hai,cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng ở một số địa phương còn nhận thức chưa đúng, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo.

Thứ ba, hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về trật tự an toàn giao thông ở một số đơn vị, địa phương còn hạn chế do lực lượng mỏng, ứng dụng khoa học công nghệ còn ít, một số quy định còn chồng chéo.

Công tác phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông giữa các cơ quan, lực lượng bảo đảm trật tự an toàn giao thông có nơi, có lúc chưa chặt chẽ.

Thứ tư,nguồn kinh phí dành cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông còn hạn chế, nhất là kinh phí thực hiện duy tu, bảo trì, khắc phục điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông và kinh phí tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Thứ năm, số người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông có chiều hướng gia tăng, nhất là lứa tuổi học sinh.

Thứ sáu, còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng làm chết, bị thương nhiều người, chưa đạt được mục tiêu kéo giảm số vụ và người bị thương do tai nạn giao thông.

XỬ NGHIÊM VI PHẠM TỐC ĐỘ, NỒNG ĐỘ CỒN, SỬ DỤNG MA TÚY

Để tiếp tục bảo đảm trật tự an toàn giao thông nửa cuối năm, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện quyết liệt một số nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức các buổi làm việc chuyên sâu về các vấn đề nổi cộm trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trên cơ sở đó tham mưu, kiến nghị, đề xuất các giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn.

Ủy ban An toàn giao thông phối hợp với bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện chiến dịch truyền thông kết hợp với cao điểm kiểm tra, tuần tra kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, các vấn đề nóng, nổi cộm như: giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông, tập trung vào đối tượng là phụ huynh và học sinh trên phạm vi toàn quốc; vi phạm quy định nồng độ cồn, chất ma túy, vi phạm tốc độ; quy tắc, tránh, vượt, dừng đỗ trên đường cao tốc.

Tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện hiệu quả các hoạt động truyền thông với chủ đề "Đã uống rượu, bia - Không lái xe".

Bộ Công an phối hợp với các đơn vị chức năng rà soát, đánh giá hiện trạng các tuyến giao thông để kịp thời khắc phục các bất hợp lý về tổ chức giao thông, xây dựng phương án tổ chức lại giao thông phù hợp tình hình thực tiễn, kiến nghị giải quyết các "điểm đen", điểm tiềm ẩn gây tai nạn giao thông; điều tra, xử lý nghiêm các vụ tai nạn giao thông.

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên trong dịp đầu năm học mới 2024 - 2025. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định về công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học.

ĐẨY NHANH DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM

Lãnh đạo Chính phủ đề nghị Bộ Giao thông vận tải cùng với Bộ Công an xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đề án chính sách về an toàn giao thông.

Trong đó chú trọng chương trình xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, không để xảy ra khoảng trống pháp lý khi các luật có hiệu lực thi hành; đồng thời tập trung triển khai xây dựng/điều chỉnh các Luật Đường sắt, Hàng hải, Đường thủy nội địa, Hàng không theo tiến độ và quy định hiện hành.

Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải như: dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, sân bay Long Thành, cầu Rạch Miễu..; hoàn thành và đưa vào sử dụng thêm nhiều công trình kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần tạo thuận lợi trong lưu thông, giảm thiểu tai nạn giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếp tục rà soát, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông mới phát sinh; ưu tiên sơn kẻ đường, biển báo, đinh phản quang, tiêu dẫn hướng, đèn chiếu sáng tại các nút giao đông dân cư; rà soát tăng cường tường phòng hộ, xây dựng các đường, hốc cứu nạn đối với các tuyến đường đèo dốc, vực sâu nguy hiểm.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo, đôn đốc các Sở Giao thông vận tải tăng cường khai thác, sử dụng hệ thống dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình phục vụ công tác quản lý vận tải, xử lý vi phạm.

Tiếp tục triển khai công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành giao thông vận tải theo kế hoạch và đột xuất, trong đó tập trung vào các nội dung: Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đường bộ; kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và hoạt động các bến xe ô tô khách...

Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông bố trí lực lượng, đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác này.

Sử dụng triệt để các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, hệ thống camera giám sát để phát hiện xử lý vi phạm và quản lý công tác tuần tra, kiểm soát bảo đảm công khai, minh bạch; xây dựng và triển khai các phương án, kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông như: vi phạm tốc độ, nồng độ cồn, chất ma túy, tránh, vượt, dừng, đỗ sai quy định; vi phạm tải trọng và thành, thùng…

Anh Tú

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/un-tac-giao-thong-tai-nan-do-vi-pham-nong-do-con-giam-sau-nua-dau-nam.htm