Ùn tắc giao thông và câu chuyện ý thức
Từ 2023, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã tổ chức thí điểm nhiều phương án phân làn phân luồng điều tiết giao thông nội đô nhằm giảm ùn tắc, nhất là giờ cao điểm. Tuy nhiên, tại nhiều nút giao trong thành phố, mặc dù có biển chỉ dẫn, biển cấm của cơ quan chức năng nhưng nhiều phương tiện vẫn thản nhiên vi phạm, khiến cho giao thông càng thêm căng thẳng.
"Hướng các phương tiện đi Vũ Trọng Khánh" - dòng thông báo được ghi chú rõ ràng kèm theo mũi tên chỉ dẫn trên tấm biển được đặt trên đường Tố Hữu. Điều chỉnh giao thông này được Sở GTVT Hà Nội thí điểm áp dụng từ 7/4/2023, theo đó cấm các phương tiện rẽ trái từ đường Tố Hữu vào Vũ Trọng Khánh.
Các phương tiện ô tô trên đường Tố Hữu đi thẳng và quay đầu tại điểm mở dải phân cách cách nút giao khoảng 300 m để đi Vũ Trọng Khánh. Các phương tiện xe máy, xe thô sơ đi thắng và quay đầu tại điểm mở dải phân cách cách nút giao khoảng 100 m.
Đến nay, sau gần một năm thực hiện, thì hình ảnh luồn lách, chen chúc, phớt lờ biển báo, nhiều người vẫn cố tình rẽ trái khiến cho các dòng phương tiện bị xung đột vẫn thường xuyên xảy ra tại nút giao.
Trong đó, nhiều trường hợp vi phạm khi bị lực lượng chức năng dừng xe làm việc đã chống đối, bỏ đi, không chịu hợp tác. Biết sai nhưng vẫn cố tình vi phạm, đây cũng là thực trạng về ý thức vẫn còn tồn tại trong một phận không nhỏ người dân hiện nay.
Tại nút giao Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh cũng được Sở GTVT tổ chức thí điểm điều tiết giao thông từ 9/1/2023. Cụ thể, cấm phương tiện rẽ trái, quay đầu trên tuyến đường Trần Duy Hưng (theo chiều từ Trần Duy Hưng đi Đại lộ Thăng Long và ngược lại). Các phương tiện đi thẳng qua nút và quay đầu tại điểm quay đầu gần nút giao Trần Duy Hưng - Khuất Duy Tiến và điểm mở dải phân cách trên đường Trần Duy Hưng. Là khu vực giao thông nằm trên trục đường xuyên tâm thành phố, mỗi ngày nút giao này có lượng phương tiện di chuyển qua cực lớn, xung đột giao thông giữa 4 chiều đường 2 làn rất dễ xảy ra.
Là đơn vị phụ trách trên tuyến, đội CSGT đường bộ số 6 - phòng CSGT CATPHN luôn bố trí lực lượng phân làn, phân luồng, đảm bảo giao thông thông suốt, đặc biệt vào khung giờ cao điểm. Những trường hợp có ý định rẽ trái được cán bộ làm nhiệm vụ hướng dẫn, điều tiết di chuyển theo đúng quy định.
Tuy nhiên chỉ cần vắng bóng lực lượng, vi phạm này lại tái diễn. Các phương tiện vẫn cố tình dừng đỗ ngay giữa ngã tư để chờ "thời cơ" rẽ trái khiến cho việc di chuyển của phương tiện từ hướng Hoàng Minh Giám, Nguyễn Chánh bị cản trở.
Anh Nguyễn Văn Hồng - Nam Từ Liêm chia sẻ: "Tắc đường ai chẳng bức xúc, bình thường đi mất 10 phút thì phải đi mất 40 phút, không có công an người ta vẫn rẽ, cứ lộn xộn lung tung…".
Anh Đàm Quang Vinh - Đống Đa cho biết: "Do ý thức tham gia giao thông của mỗi người thôi. Mình cứ tuân thủ luật giao thông còn vi phạm sẽ có CSGT họ điều tiết, xử phạt…".
Theo chuyên gia giao thông, cần có nghiên cứu tổng thể sự thông hành của cả các nút giao thông xung quanh để có giải pháp điều chỉnh phù hợp.
Chuyên gia Khương Kim Tạo chia sẻ: "Thậm chí chúng ta có rào chắn để họ không đi qua rào chắn được. Những người rẽ trái có thể cảm thấy bức xúc một chút nhưng đa phần đều giảm bức xúc đi, chúng ta phải tính hiệu quả chung, khả năng thông hành của các nút giao thông quanh đấy nó hiệu quả hơn".
Không thể phủ nhận, ùn tắc giao thông tại Hà Nội hiện nay nguyên nhân lớn đến từ việc hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế nhưng một lý do không nhỏ cũng xuất phát từ ý thức tham gia giao thông của người dân. Đi lên vỉa hè, đi ngược chiều, ngược làn hay bất chấp biển cấm, biển báo… những hành vi vi phạm tưởng như vô hại nhưng nó đang ngày càng làm cho hình ảnh giao thông thủ đô thêm xấu xí, gia tăng các sự cố ùn ứ giao thông từ việc xung đột dòng.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/un-tac-giao-thong-va-cau-chuyen-y-thuc-222558.htm