Ùn ứ nông sản và chuyện chế biến rau quả Việt Nam ở trình độ 'trung bình tiên tiến'

Năng lực sản xuất rau quả hàng năm của Việt Nam là 28 triệu tấn nhưng tỷ lệ chế biến chỉ đạt 30%, công nghệ ở mức trung bình tiên tiến so với thế giới. Rõ ràng đây là khoảng trống còn bỏ ngỏ với rất nhiều tiềm năng, nhưng 'miếng bánh' này lại không hề dễ ăn. Bộ NN&PTNT cho rằng cần cải tổ thể chế liên quan tới chế biến, từ Luật Trồng trọt, đến mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc...

Trước tình hình căng thẳng tiêu thụ nông sản, những ngày gần đây, Bộ NN&PTNT liên tục tổ chức các diễn đàn kết nối tiêu thụ tìm thị trường, chuyển đổi phương thức vận chuyển và đẩy mạnh chế biến rau quả...

Năng lực sơ chế, chế biến rau quả đạt 30%

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, tổng sản lượng rau một năm của Việt Nam khoảng 10 triệu tấn. Trong đó, sản lượng Quý I hầu như tập trung vào tháng 1, chiếm hơn 60% tổng sản lượng. Theo tính toán, nếu mỗi người dân tiêu thụ khoảng 10kg rau/tháng, sản lượng rau thừa trong quý I/2022 khoảng 2,5 triệu tấn. Số lượng này sẽ đưa vào chế biến. Riêng Tây Nguyên là khu vực thừa nhiều nhất, với hơn 900.000 tấn.

Trình độ công nghệ chế biến rau, quả ở mức "trung bình tiên tiến".

Trình độ công nghệ chế biến rau, quả ở mức "trung bình tiên tiến".

Về cây ăn quả, thanh long là cây cho sản lượng cao nhất (1,4 triệu tấn/năm). Sau đó là chuối (hơn 1 triệu tấn), xoài (hơn 800.000 tấn), sầu riêng (hơn 600.000 tấn). So với khu vực phía Bắc, lợi thế của phía Nam là cho cây ăn quả, rau quanh năm.

Về cơ cấu, sản lượng cây ăn quả ở Đồng bằng Sông Cửu Long chiếm hơn 50% tổng sản lượng phía Nam. Nhưng khu vực này còn ít cơ sở chế biến, và chủ yếu xuất khẩu ở dạng quả tươi, thậm chí một số vùng chưa có sơ chế cơ bản.

“Suốt một tuần qua, Cục Trồng trọt liên tục cập nhật, theo dõi sản lượng các loại cây ăn quả. Đề nghị các tỉnh phía Nam theo dõi, để chủ động liên kết tiêu thụ, tìm đầu ra cho sản phẩm”, ông Tùng nói.

Trong 3 tháng đầu năm, thanh long, mít, bưởi, chuối, xoài… là những loại cây ăn quả chịu áp lực tiêu thụ lớn nhất. Ông Tùng cũng nhận định, sau thanh long, mít có thể sẽ cần hỗ trợ tiêu thụ. Để giải quyết việc tiêu thụ một cách căn cơ, lãnh đạo Cục Trồng trọt đề xuất phương án quy hoạch theo tiểu vùng, trong đó gắn với việc xây dựng các cơ sở chế biến, bảo quản.

Theo thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, trong 3-4 năm qua, công nghệ chế biến đang được quan tâm, không chỉ ở chính sách, mà ở cộng đồng doanh nghiệp. Từ 2018-2020, có đến 70 tổ hợp chế biến lớn với tổng đầu tư hơn 20 tỷ USD. Khâu chế biến quan trọng còn bởi đặc điểm của Việt Nam là nước có nhiều rau củ quả nhiệt đới, đa dạng về chủng loại.

“Chúng ta đều đã thấy việc ùn tắc ở cửa khẩu thời gian qua. Câu chuyện về chi phí đường bộ, chi phí bảo quản, rồi thì chuyện "làm luật", báo chí đã phản ánh rất nhiều. Do đó, khâu chế biến, thiết lập chuỗi liên kết, xuất khẩu chính ngạch là rất quan trọng”, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhấn mạnh.

Phân tích sâu hơn về chế biến, ông Toản cho hay năng lực sản xuất rau quả hàng năm của Việt Nam là 28 triệu tấn, trình độ công nghệ chế biến rau, quả ở mức "trung bình tiên tiến". Năng lực sơ chế rau quả khoảng 30%.

“Vấn đề đặt ra là quả tươi đi vào đâu, vùng chuyên canh phục vụ chế biến ở đâu, như thế nào. Ví dụ như quả cam ở Cao Phong, Hòa Bình là để dùng tươi. Quan điểm về hoa quả chế biến dùng nguyên liệu không chuẩn là rất sai lầm", ông Toản thông tin.

Hơn nữa, một số vấn đề còn tồn tại được Cục chỉ ra là tỷ lệ chế biến còn thấp. Cụ thể, năm 2019, xuất khẩu thô là 90%. Đến năm 2020-2021, xuất khẩu qua chế biến là 30%, đó là bước tiến. "Tỷ lệ này cần đẩy cao hơn nữa. Ở thị trường Trung Quốc, xu hướng giới trẻ là dùng sản phẩm sấy khô, sấy dẻo”, ông Toản dẫn chứng.

Theo Cục trưởng Nguyễn Quốc Toản, vấn đề thứ hai cần nhắc tới là công suất nhà máy chế biến mới 60%, do không đủ nguyên liệu.

Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Thuận cho biết, hiện nay, thanh long và điều là hai loại nông sản có sản lượng lớn nhất tỉnh Bình Thuận. Đối với điều, diện tích hơn 17.000 ha, công tác chế biến, xuất khẩu tương đối ổn định, chưa có nhiều khó khăn. Trái lại, thanh long đang gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ.

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 110 cơ sở chế biến thanh long, tuy nhiên chủ yếu là các cơ sở có quy mô nhỏ lẻ, công nghệ hạn chế. Các mặt hàng chế biến chủ yếu là thanh long sấy khô, dẻo, kẹo, nước ép… Năng lực chế biến đạt khoảng 25%/năm tổng sản lượng (tương đương 600.000 - 700.000 tấn).

Muốn chế biến thì nông sản phải đạt chuẩn

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Nafoods, đặt câu hỏi làm sao để phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản Việt Nam một cách bền vững, không để tình trạng ùn ứ nông sản như hiện nay. Hiện, mỗi ngày các nhà máy chế biến của Nafoods tiêu thụ 500-600 tấn thanh long, xoài... "Sản lượng nguyên liệu nhiều, chúng tôi mừng nhưng để xuất khẩu vào thị trường khó tính thì sản phẩm đầu vào phải đảm bảo an toàn, đạt tiêu chuẩn kiểm dịch thực vật", ông nói.

Vì vậy, ông Hùng đề xuất xây dựng chuỗi giá trị nông sản, trước tiên phải khuyến khích nhiều doanh nghiệp đầu tư vào phát triển giống, hạn chế nhập khẩu, ngăn chặn giống giả; xây dựng vùng trồng - tình trạng ùn tắc nông sản là "hồi chuông" cảnh tỉnh để nông dân, bộ ngành phải thay đổi tư duy sản xuất; sản phẩm phải an toàn vì đây là sự sống còn (yêu cầu tiêu chuẩn của chế biến ngày càng khắt khe); Truy xuất nguồn gốc...

Ông Hùng kiến nghị Bộ NN&PTNT đề xuất với Chính phủ để có nguồn ngân sách từ chương trình phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2023 cho doanh nghiệp nông nghiệp vay ưu đãi đầu tư hệ thống kho lạnh, đầu tư đổi mới công nghệ chế biến...

Với nhiều năm kinh nghiệm ngành canh tác chế biến, xuất khẩu sang Trung Quốc từ tiểu ngạch sang chính ngạch, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Vinamit, cho rằng việc đầu tư, xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến nông sản có thể dễ dàng nhưng vấn đề quan trọng nhất là kết nối thị trường ở đâu. Vì vậy, mỗi địa phương cần xây dựng trung tâm tiếp nhận thông tin để làm điểm cung cấp cho người trồng về nhu cầu, từ đó kiểm soát được vùng trồng, kiểm soát thị trường tiêu thụ hàng năm bao nhiêu. Xây dựng mô hình này sẽ giúp chúng ta nắm chắc vùng tiêu thụ, thị trường tiêu thụ, đầu mối tiêu thụ một cách vững vàng.

Trước thực tế trên, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng cần cải tổ thể chế liên quan tới chế biến, từ Luật Trồng trọt, đến mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc. Hiện Bộ NN&PTNT đã xây dựng đề án chế biến gồm 13 lĩnh vực, cũng như đề án riêng cho rau, củ quả. Các doanh nghiệp chế biến rau, quả trên toàn quốc đã được công khai.

“Chuẩn hóa là con đường duy nhất để đương đầu với những khó khăn, ngặt nghèo hiện tại. Những doanh nghiệp có kinh nghiệm trên thương trường hãy giữ kết nối, chia sẻ kinh nghiệm để đưa rau, quả Việt Nam tới xa hơn trên trường thế giới. Hy vọng, công nghệ chế biến rau củ quả sẽ chiếm một thị phần ngày càng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu, phấn đấu đạt 30-40% tổng giá trị”, ông Toản nhấn mạnh.

Lê Thúy

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/un-u-nong-san-va-chuyen-che-bien-rau-qua-viet-nam-o-trinh-do-trung-binh-tien-tien-1083270.html