UNEP: Tiến trình thích ứng với biến đổi khí hậu đang bị đình trệ

Một báo cáo mới được công bố bởi Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) cho thấy, thay vì tăng tốc để đáp ứng thách thức về lượng khí thải đang ngày càng gia tăng, tiến trình thích ứng với khí hậu đang chậm lại trên diện rộng.

Cảnh khô hạn trên một cánh đồng ở tỉnh Suphanburi, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Cảnh khô hạn trên một cánh đồng ở tỉnh Suphanburi, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Báo cáo về khoảng cách thích ứng năm 2023 do UNEP ban hành cho biết, thế giới chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng, chưa được đầu tư đầy đủ và thiếu kế hoạch cần thiết, khiến tất cả mọi người dân đều có thể gặp rủi ro. Đáng chú ý, UNEP cảnh báo rằng thay vì tăng tốc, tiến trình thích ứng với biến đổi khí hậu đang bị đình trệ.

Cũng theo báo cáo, sự chậm lại còn trải dài đến tài chính, việc lập kế hoạch và thực hiện, với những tác động to lớn gây nhiều tổn thất và thiệt hại, đặc biệt đối với những người dễ bị tổn thương nhất.

Khoảng cách về kinh phí

“Báo cáo hôm nay cho thấy khoảng cách về kinh phí thích ứng đang ở mức cao nhất từ trước đến nay. Thế giới phải hành động để thu hẹp khoảng cách thích ứng và mang lại công bằng về khí hậu”, Tổng Thư ký LHQ António Guterres nói sau khi báo cáo được công bố.

Trong thập kỷ này, chi phí thích ứng cập nhật cho các nước đang phát triển ước tính giao động trong khoảng 215 tỷ USD - 387 tỷ USD/năm, cao hơn so với các nghiên cứu trước đây và đến năm 2050, chắc chắn sẽ tăng cao đáng kể. Và nhu cầu này của các nước đang phát triển cao gấp 10 - 18 lần dòng vốn tài chính công, tức cao hơn 50% so với phạm vi ước tính trước đó.

Chi phí sẽ chỉ tăng

Báo cáo trích dẫn một nghiên cứu gần đây cho thấy chỉ riêng 55 nền kinh tế dễ bị ảnh hưởng bởi khí hậu nhất đã phải chịu tổn thất và thiệt hại trị giá hơn 500 tỷ USD trong hai thập kỷ qua.

Chi phí có thể sẽ tăng mạnh trong những thập kỷ tới, đặc biệt nếu không có biện pháp giảm thiểu và thích ứng mạnh mẽ.

Do đó, Quỹ “Tổn thất và Thiệt hại” đã được nhất trí thành lập tại COP27 sẽ là một công cụ quan trọng để huy động nguồn lực, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề vì quỹ sẽ cần hướng tới các cơ chế tài chính sáng tạo hơn nhằm đạt được quy mô đầu tư cần thiết. Tổng Thư ký Guterres cho rằng, một trong những nguồn tài chính cho quỹ có thể đến từ doanh thu thuế từ những doanh nghiệp phát thải và gây ô nhiễm lớn.

Thích ứng ngay bây giờ để giảm thiểu chi phí trong tương lai

Thông qua báo cáo, các tác giả ủng hộ việc thúc đẩy các biện pháp thích ứng đầy tham vọng để từ đó có thể nâng cao khả năng phục hồi và giảm thiểu chi phí trong tương lai. Điều này được đánh giá là “đặc biệt quan trọng” đối với các nước thu nhập thấp và các nhóm thiệt thòi, bao gồm cả phụ nữ.

Theo ví dụ của các nhà nghiên cứu, cứ 1 tỷ USD đầu tư vào hoạt động thích ứng với lũ lụt ven biển sẽ giúp giảm 14 tỷ USD thiệt hại kinh tế, trong khi 16 tỷ USD đầu tư mỗi năm vào nông nghiệp có thể giúp 78 triệu người tránh được nạn đói do tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ UN News)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/unep-tien-trinh-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau-dang-bi-dinh-tre-134593.html