UNESCO và IPC nỗ lực vì thể thao bao trùm cho người khuyết tật

Ngày 27 và 28/8 tại Paris (Cộng hòa Pháp), Tổ chức UNESCO phối hợp Ủy ban Paralympic Quốc tế (IPC) đồng tổ chức Hội nghị quốc tế nhằm tăng cường khả năng tiếp cận của người khuyết tật trong mọi hoạt động thể chất.

UNESCO và IPC muốn hướng tới khuyến khích các nỗ lực tập thể nhằm xóa bỏ trở ngại, chống lại sự kỳ thị và tăng khả năng tiếp cận các hoạt động thể thao và thể chất cho người khuyết tật.

UNESCO và IPC muốn hướng tới khuyến khích các nỗ lực tập thể nhằm xóa bỏ trở ngại, chống lại sự kỳ thị và tăng khả năng tiếp cận các hoạt động thể thao và thể chất cho người khuyết tật.

Tham dự có các Bộ trưởng và Đại diện phái đoàn các quốc gia thành viên bên cạnh UNESCO, cùng nhiều đại biểu và chuyên gia tới từ Phong trào Paralympic.

UNESCO và Ủy ban Paralympic quốc tế (IPC) từ lâu đã chung tay hành động nhằm đưa thể thao thành động lực thúc đẩy người khuyết tật hòa nhập xã hội, để không ai bị bỏ lại phía sau. Qua đó, thể thao góp phần làm giảm bớt sự bất bình đẳng và thúc đẩy trao quyền cho các nhóm thiệt thòi nhất.

Trong bối cảnh này, sáng kiến của UNESCO với tên gọi “Fit for Life” (Cân bằng vì cuộc sống) cung cấp một khuôn khổ nhằm hỗ trợ quá trình xây dựng, thực hiện và đánh giá các chính sách và chương trình liên ngành với mục tiêu tăng cường sự hòa nhập của người khuyết tật trong và thông qua thể thao.

Bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO, kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay xây dựng nền thể thao bao trùm cho tất cả mọi người.

Bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO, kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay xây dựng nền thể thao bao trùm cho tất cả mọi người.

Trong diễn văn khai mạc Hội nghị, bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO cho biết: Tại Thế vận hội Olympic, chúng ta có thể thấy các vận động viên với những thể chất đồng đều, nhưng tại Paralympic, mỗi vận động viên lại có một thể trạng và đặc điểm riêng biệt, không hề giống nhau.

Do đó, Thế vận hội Paralympic là một cơ hội để thấy rõ: mọi người đều có thể và phải làm chủ được cơ thể của mình. Mỗi người cần phải thay đổi quan điểm của mình về sự khác biệt về cơ thể, hành trình và dấu ấn, cũng chính là trọng tâm của tổ chức UNESCO và hội nghị lần này muốn hướng tới.

Nhân dịp này, bà Audrey Azoulay chỉ ra một thách thức: Theo báo cáo của UNESCO được công bố cách đây một tháng về chất lượng giáo dục thể chất, 1/3 trẻ em khuyết tật không được tiếp cận với bất kỳ nền giáo dục thể chất nào.

Hơn 40% các quốc gia đã không áp dụng các chính sách hoặc hướng dẫn cho phép học sinh khuyết tật tham gia vào các hoạt động giáo dục thể chất giống như những người khác.

Một báo cáo của UNESCO thực hiện năm 2020 về vấn đề hòa nhập trong giáo dục cho thấy, ở các nước thu nhập thấp và trung bình, xác suất đạt được mức độ thông thạo đọc hiểu ở trẻ em khuyết tật chỉ ở mức 20%, thậm chí thấp hơn.

Vì vậy, những nỗ lực của UNESCO và Ủy ban Paralympic Quốc tế trong hội nghị lần này, cũng như thông qua kỳ Thế vận hội Paralympic Paris, là để hướng tới những thay đổi tích cực, không chỉ ở người khuyết tật mà còn ở cách nhận thức của cộng đồng xã hội về người khuyết tật.

Sau cùng, Tổng Giám đốc UNESCO kết thúc diễn văn khai mạc bằng thông điệp: Sự quan tâm của các quốc gia, phái đoàn thành viên trong hội nghị quốc tế này sẽ góp phần xây dựng nên một cơ chế vì lợi ích của tất cả mọi người, một xã hội mang tính xây dựng hơn, cởi mở hơn và toàn diện hơn.

Ông Andrew Parsons, Giám đốc Ủy ban Paralympic Quốc tế (IPC), nhấn mạnh Thế vận hội Paralympic 2024 sẽ góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng về người khuyết tật.

Ông Andrew Parsons, Giám đốc Ủy ban Paralympic Quốc tế (IPC), nhấn mạnh Thế vận hội Paralympic 2024 sẽ góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng về người khuyết tật.

Về phía mình, ông Andrew Parsons, Giám đốc Ủy ban Paralympic Quốc tế (IPC) chia sẻ: Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 2 triệu vé trong kỳ Thế vận hội Paralympic 2024 được bán ra. Chương trình khai mạc Paralympic 2024 và các giải đấu vẫn tiếp tục mở bán vé cho người hâm mộ.

Điều này thể hiện rõ sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng quốc tế nói chung và của người hâm mộ thể thao nói riêng trên toàn thế giới dành cho những vận động viên xuất sắc nhất hành tinh.

Có 168 đoàn thể thao khuyết tật tham gia mùa giải năm nay. Trong đó, có 3 Ủy ban Paralympic Quốc gia lần đầu tiên góp mặt tại sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này.

Giám đốc Ủy ban Paralympic Quốc tế cũng cho biết thêm: Ước tính kỳ Thế vận hội Paralympic 2024 sẽ thu hút khoảng 4,25 tỷ lượt theo dõi trên các phương tiện truyền thông. Có thể nói, thể thao có tác động đến tất cả các vận động viên khuyết tật trong nhiều khía cạnh. Paralympic mang tới một phong trào xã hội rộng lớn nhằm thúc đẩy quyền lợi và cơ hội của 1,3 tỷ người khuyết tật trên khắp thế giới.

Cụ thể, trong kỳ Thế vận hội Paralympic Tokyo 2020, Chính phủ Nhật Bản đã giảm thuế đối với các lĩnh vực công nghệ nhằm hỗ trợ người khuyết tật có thể dễ dàng tiếp cận với những trang thiết bị luyện tập thể thao.

Cũng trên tinh thần ấy, Ban tổ chức Thế vận hội Paris 2024 cũng áp dụng những chính sách tương tự cho các vận động viên khuyết tật. Một gói đầu tư trị giá 100 triệu EUR được chi cho việc cải thiện khả năng tiếp cận cho người khuyết tật tại các khu vực tổ chức giải đấu Paralympic 2024.

Hiến chương về Giáo dục thể chất và Thể thao của UNESCO năm 1978 và Công ước Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật quy định:
Luyện tập thể thao là quyền cơ bản của tất cả mọi người.

Ông Andrew Parsons nhấn mạnh: Thể thao có thể tạo ra sự đoàn kết và phải được kết nối để tạo ra những biến đổi xã hội rộng lớn về bình đẳng, sức khỏe và giáo dục, cũng như trao quyền cho thanh niên và việc làm cho người khuyết tật.

Thông qua hội nghị quốc tế lần này, UNESCO và Ủy ban Paralympic Quốc tế muốn hướng tới khuyến khích các nỗ lực tập thể nhằm xóa bỏ trở ngại, chống lại sự kỳ thị và tăng khả năng tiếp cận các hoạt động thể thao và thể chất cho người khuyết tật.

Hội nghị cũng muốn thông qua Thế vận hội Paralympic 2024 nhằm kêu gọi các chính phủ thành viên thực hiện những thay đổi chính sách mang tính đổi mới để loại bỏ các rào cản hiện tại, hướng tới một nền thể thao hòa nhập và dễ tiếp cận, cũng như khuyến khích đầu tư từ tất cả các lĩnh vực vào hoạt động thể chất và thể thao hòa nhập nhằm thúc đẩy sự tham gia một cách toàn diện của người khuyết tật trong xã hội.

Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay và Đại sứ, Đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO Nguyễn Thị Vân Anh trong lễ đón ngọn đuốc Paralympic tại trụ sở UNESCO.

Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay và Đại sứ, Đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO Nguyễn Thị Vân Anh trong lễ đón ngọn đuốc Paralympic tại trụ sở UNESCO.

Đồng thời, UNESCO và Ủy ban Paralympic Quốc tế sẽ tổ chức triển lãm về tác động xã hội của thể thao, bao gồm cả sự hòa nhập của người khuyết tật thông qua thể thao.

Nhân dịp này, ngọn lửa Paralympic đã được vận động viên chạy tiếp sức người Pháp Clavel Kayitare rước đến trụ sở UNESCO tại Paris. Đây là một hoạt động đầy ý nghĩa trong khuôn khổ hội nghị.

KHẢI HOÀN - MINH DUY Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/unesco-va-ipc-no-luc-vi-the-thao-bao-trum-cho-nguoi-khuyet-tat-post827356.html