UNFPA quan tâm đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam

Ông Matt Jackson, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam ấn tượng mạnh mẽ về lễ ra quân điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 diễn ra sáng nay (1/7).

Lễ ra quân diễn ra tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Đây là lần thứ 3 ra quân điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số lần thứ 3 (2 cuộc điều tra lần trước được tổ chức vào năm 2015 và 2019). Lễ ra quân sẽ bắt đầu từ ngày 1/7 đến hết ngày 15/8, do Ủy ban Dân tộc và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tổ chức.

Ông Matt Jackson, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam chia sẻ với báo chí bên lề lễ ra quân điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024. (Ảnh: Gia Thành)

Ông Matt Jackson, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam chia sẻ với báo chí bên lề lễ ra quân điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024. (Ảnh: Gia Thành)

Chia sẻ với phóng viên TG&VN bên lề lễ ra quân, Trưởng đại diện UNFPA cho hay, lễ ra quân có sự tham gia của các cơ quan của Chính phủ từ Trung ương đến địa phương như Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê và đại diện lãnh đạo tỉnh Hòa Bình. Đây là sự hỗ trợ và ủng hộ mạnh mẽ cho cuộc điều tra này.

Ông nói: "Tại lễ ra quân, chúng tôi đã được nghe những tiếng nói của các điều tra viên; đại diện già làng, trưởng bản, người có uy tín tại xã Tú Lý, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Họ không chỉ thể hiện sự ủng hộ của các cuộc điều tra mà còn góp phần đa dạng tiếng nói của người dân tộc thiểu số cho cuộc điều tra của chúng tôi".

Ông Matt Jackson cho rằng, kết quả thu được từ cuộc điều tra sẽ giúp chúng ta biết được sự khác biệt giữa các nhóm dân tộc thiểu số, đặc biệt liên quan đến khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản, việc làm và mức sống.

Đây là những dữ liệu quan trọng giúp theo dõi đánh giá tiến độ thực hiện các chính sách của Chính phủ, đồng thời là cơ sở để ban hành các quyết định chính sách nhằm giảm bớt những thiệt thòi mà các nhóm dân tộc thiểu số đang phải đối mặt.

Ông thông tin, UNFPA hỗ trợ kỹ thuật cho Tổng cục Thống kê thực hiện điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số của Việt Nam.

Theo nghiên cứu của Liên hợp quốc, những người dễ bị tổn thương nhất, thường bị bỏ lại phía sau chính là những người không bao gồm trong các cuộc điều tra, thống kê. Chính vì thế, trong cuộc điều tra lần này, UNFPA mong muốn sẽ đảm bảo tính đại diện dân tộc thiểu số của Việt Nam.

Trên lĩnh vực cụ thể, Trưởng đại diện UNFPA cho biết, quỹ quan tâm đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Qua thống kê, UNFPA biết được rằng, những người phụ nữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam có tỷ lệ tử vong khi sinh cao hơn 3 đến 4 lần so với người dân tộc Kinh.

Vì vậy, quỹ muốn thu thập dữ liệu về tình trạng phụ nữ dân tộc thiểu số sử dụng các dịch vụ khám thai hoặc tiếp cận các cơ sở y tế có được cải thiện không?

Ông Matt Jackson nhấn mạnh: "Điều mong mỏi của chúng tôi chính là các hộ gia đình tham gia các cuộc điều tra hãy chia sẻ cởi mở, chân thật nhất những thông tin về hộ gia đình với các điều tra viên.

Trong cuộc điều tra lần này, các điều tra viên sẽ được sử dụng các công nghệ mới với hai mục tiêu: Đảm bảo tuyệt đối sự riêng tư, an toàn, bảo mật thông tin và đảm bảo công thức thu thập thông tin toàn diện nhất có thể để hỗ trợ tốt nhất cho quá trình ban hành các chính sách trong tương lai.

Tôi rất mong chờ được lắng nghe kết quả của cuộc điều tra này".

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Matt Jackson, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Thị Hương tham gia điều tra, thu thập thông tin một hộ dân tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: Gia Thành)

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Matt Jackson, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Thị Hương tham gia điều tra, thu thập thông tin một hộ dân tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: Gia Thành)

Theo Tổng cục Thống kê, điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 được thực hiện tại 54 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bao gồm 51 tỉnh có xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 và 3 tỉnh, thành phố có các xã, phường, thị trấn có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống gồm: TP. Hồ Chí Minh, Long An và Hà Tĩnh.

Đối tượng điều tra của cuộc điều tra bao gồm: Hộ dân cư người dân tộc thiểu số; Nhân khẩu thực tế thường trú tại các hộ dân tộc thiểu số tính đến thời điểm điều tra (bao gồm cả những người thuộc lực lượng vũ trang hiện đang ăn, ngủ tại hộ), không bao gồm những người đang sống trong khu vực quản lý riêng của quân đội và công an; tình hình kinh tế, an sinh xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục của xã thuộc khu vực III, khu vực II và khu vực I theo Quyết định số 861/QĐ-TTg và các xã không thuộc các khu vực trên nhưng có địa bàn vùng dân tộc thiểu số.

Nội dung điều tra đối với hộ gồm các thông tin về: Nhân khẩu học của dân số; Giáo dục; Di cư; Hôn nhân; Sử dụng bảo hiểm y tế; Việc làm; Lịch sử sinh và tình hình sử dụng biện pháp tránh thai của nữ từ 10-49 tuổi; Thông tin về người chết của hộ trong 12 tháng qua; Nhà ở và điều kiện sinh hoạt của hộ; Đất ở, đất sản xuất của hộ; Một số loại gia súc chủ yếu của hộ; Tình hình tiếp cận dịch vụ công cộng của hộ.

Nội dung điều tra đối với UBND xã gồm các thông tin về: Đặc điểm của xã; Sử dụng điện, đường, giao thông; Trường học và trình độ giáo viên; Nhà văn hóa; Y tế và vệ sinh môi trường; Chợ; Trình độ của cán bộ, công chức cấp xã; Tôn giáo, tín ngưỡng; Mức độ phủ sóng điện thoại và internet.

Kết quả cuộc điều tra sẽ bàn giao cho Ủy ban Dân tộc vào tháng 4/2025 và dự kiến được công bố vào tháng 5-7/2025.

Gia Thành

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/unfpa-quan-tam-den-suc-khoe-sinh-san-cua-phu-nu-dan-toc-thieu-so-o-viet-nam-277032.html