Ứng cử viên ĐBQH Đỗ Đức Hiển: Nghiên cứu mở rộng đối tượng được ủy quyền tham gia tố tụng hành chính.

Chiều ngày 14/5, tại Hội trường Ủy ban Nhân dân Quận Bình Thạnh, TP.HCM đã diễn ra Hội nghị tiếp xúc cử tri với người ứng cử Đại biểu Quốc hội Khóa XV, Đơn vị bầu cử số 2 (quận 1, 3 và Bình Thạnh).

Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri, trả lời câu hỏi của cử tri Phạm Công Hùng, phường 1 quận Bình Thạnh về giải pháp khắc phục tình trạng người có trách nhiệm của các cơ quan nhà nước rất ít khi tham gia phiên tòa hành chính để tranh tụng với người dân về các quyết định hành chính, hành vi hành chính mà họ ban hành bị dân khởi kiện, Ông Đỗ Đức Hiển, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp cho biết:

Ông Đỗ Đức Hiển, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp trả lời những vấn đề xử tri quan tâm.

Ông Đỗ Đức Hiển, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp trả lời những vấn đề xử tri quan tâm.

Việc quy định người bị kiện (cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện) phải có mặt theo triệu tập của Tòa án để tham dự phiên tòa là rất cần thiết. Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính và Luật TTHC năm 2010 đều quy định người bị kiện phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án, tuy nhiên cũng quy định cho phép người bị kiện có thể ủy quyền bằng văn bản cho luật sư hoặc người khác đại diện cho mình tham gia tố tụng. Thực tiễn thi hành Pháp lệnh và Luật TTHC năm 2010 cho thấy, người bị kiện là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước thường ủy quyền cho cán bộ, công chức tham mưu, giúp việc thậm chí có trường hợp ủy quyền cho luật sư tham gia tố tụng. Những người này không có thẩm quyền xem xét, giải quyết những việc liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện, nên gây trở ngại cho việc giải quyết vụ án, dẫn đến vụ án bị kéo dài, không bảo đảm để Tòa án xem xét giải quyết khách quan, toàn diện.

Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị

Để khắc phục tồn tại của Luật TTHC năm 2010, Luật TTHC 2015 đã bổ sung quy định “Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của Luật này” (khoản 3 Điều 60). Việc quy định như trên cũng phù hợp với quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015 về nguyên tắc ủy quyền của người đứng đầu cho cấp phó.

Tuy nhiên, trong thực tiễn, các khiếu kiện vụ án hành chính hiện nay người bị kiện chủ yếu là UBND, Chủ tịch UBND các cấp. Khi nhận được thông báo triệu tập của Tòa án, người bị kiện hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị kiện là Chủ tịch UBND thường ủy quyền cho cấp phó của mình tham gia tố tụng. Tuy nhiên cấp phó được ủy quyền thường có văn bản xin vắng mặt vì lý do bận công việc nên thường chỉ có người bảo vệ quyền và lợi ích của người bị kiện tham gia phiên tòa.

Việc xin vắng mặt của người bị kiện tại Tòa án tuy không trái pháp luật nhưng gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án, ảnh hưởng đến chất lượng kiểm tra, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại, tranh luận để làm rõ các tình tiết của vụ án. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng người bị kiện vắng mặt tại phiên tòa có phần do người bị kiện hoặc người đại diện theo ủy quyền của người bị kiện chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc tham gia đối thoại với người khởi kiện trong quá trình giải quyết vụ án hành chính; bên cạnh đó cũng do lãnh đạo cơ quan hành chính nhà nước (Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND) nên bận nhiều công việc, không thu xếp thời gian đến dự phiên tòa.

Từ những nhận định trên, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp cho rằng, để án kiện hành chính được giải quyết nhanh chóng, kịp thời, các cơ quan hành chính nhà nước và các cá nhân có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước cần nâng cao nhận thức của mình về việc tham dự phiên tòa hành chính, theo đó việc tham gia tố tụng với tư cách người bị kiện một mặt là để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, bức xúc trong công tác quản lý hành chính của chính quyền địa phương, đồng thời góp phần đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân, cơ quan, tổ chức.

Về mặt pháp luật, trên cơ sở ý kiến phản ánh của cử tri, ông Hiển ghi nhận và sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất theo hướng mở rộng đối tượng người được ủy quyền tham gia vụ kiện hành chính, chẳng hạn như Chủ tịch có thể ủy quyền cho thủ trưởng cơ quan chuyên môn là thành viên của UBND tham gia tố tụng giải quyết án hành chính, chứ không nhất thiết quy định cứng nhắc rằng cứ phải ủy quyền cho Phó Chủ tịch UBND vì phần lớn các quyết định hành chính của UBND là do các cơ quan chuyên môn tham mưu, đề xuất, soạn thảo và trình ban hành. Các chủ thể này có điều kiện về thời gian, về hiểu biết chuyên sâu đối với các lĩnh vực quản lý nhà nước mà quyết định hành chính đó điều chỉnh để tham gia và các hoạt động giải quyết vụ án hành chính tại Tòa án, bảo đảm hiệu quả trong giải quyết án hành chính. Việc ủy quyền này cũng phù hợp với quy định về ủy quyền trong Luật tổ chức chính quyền địa phương vừa được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2019.

Ngoài vấn đề nêu trên, tại buổi tiếp xúc cử tri, ông Hiển cũng đã báo cáo thêm với cử tri về một số nội dung như chế tài xử lý hành vi tổ chức nhập cảnh trái phép; cơ chế kiểm soát tài sản thu nhập; quy định mới về xử lý tội phạm môi trường…

Các ý kiến trao đổi của ông Hiển đã giải đáp được nhiều thắc mắc của cử tri, được cử tri đồng tình, đánh giá cao.

Hạnh Dung

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/ung-cu-vien-dbqh-do-duc-hien-nghien-cuu-mo-rong-doi-tuong-duoc-uy-quyen-tham-gia-to-tung-hanh-chinh-590978.html