Ứng dụng AI, công nghệ mới - 'chìa khóa' tạo đột phá cho hoạt động kiểm toán

Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động của các cơ quan nói chung và Kiểm toán nhà nước (KTNN) nói riêng đang trở thành yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình. Việc áp dụng công nghệ nói chung, đặc biệt là AI không chỉ giúp tăng năng suất, chất lượng kiểm toán mà còn góp phần nâng cao uy tín, vai trò và hiệu quả kiểm toán trong quản lý, giám sát tài chính công và tài sản công.

Việc ứng dụng CNTT vào hoạt động kiểm toán ngày càng được KTNN chú trọng. Ảnh: N.Lộc

Việc ứng dụng CNTT vào hoạt động kiểm toán ngày càng được KTNN chú trọng. Ảnh: N.Lộc

Tạo đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã nhấn mạnh phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số là đột phá chiến lược hàng đầu, là động lực then chốt để đổi mới phương thức quản trị quốc gia, hiện đại hóa nền hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam phấn đấu trở thành nước phát triển, có nền kinh tế số chiếm tối thiểu 50% GDP và là trung tâm công nghệ số của khu vực và thế giới.

Trong định hướng này, AI được coi là công nghệ có tầm quan trọng hàng đầu. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh rằng trí tuệ nhân tạo là công nghệ mũi nhọn, đột phá và cần có kế hoạch triển khai nghiên cứu, phát triển, ứng dụng một cách bài bản, đồng bộ và hiệu quả. AI không chỉ góp phần hiện đại hóa hoạt động của các cơ quan hành chính, mà còn là công cụ quan trọng giúp nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát, phân tích và dự báo chính sách.

Các nghị quyết của Đảng cũng xác định rõ nhiệm vụ nâng cao nhận thức toàn xã hội về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, coi đây là cuộc cách mạng toàn diện, lâu dài, cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị và người dân.

Đối với KTNN, AI sẽ trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc đổi mới phương pháp kiểm toán, nâng cao năng lực phát hiện rủi ro, gian lận và sai phạm thông qua phân tích dữ liệu lớn, khai thác các mô hình đánh giá rủi ro thông minh. Việc áp dụng công nghệ AI không chỉ giúp tăng năng suất, chất lượng kiểm toán mà còn góp phần nâng cao uy tín, vai trò và hiệu quả kiểm toán trong quản lý, giám sát tài chính công và tài sản công.

Trong bối cảnh đó, KTNN đã xác định việc ứng dụng AI là nhiệm vụ cấp bách nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Tại Hội nghị giao ban trực tuyến toàn ngành ngày 03/4, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), đặc biệt là công nghệ mới như AI sẽ đóng vai trò hỗ trợ kiểm toán viên phát hiện ra những dấu hiệu sai phạm một cách nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và nâng cao chất lượng kiểm toán.

Thực trạng ứng dụng công nghệ và AI trong hoạt động của KTNN

KTNN đang tích cực ứng dụng CNTT và thực hiện chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả, tính chuyên nghiệp và hiện đại trong hoạt động kiểm toán. Đây là yêu cầu cấp bách và nhiệm vụ sống còn để thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0, được KTNN xác định là một trong ba trụ cột phát triển đến năm 2030.

KTNN đã đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng kỹ thuật, hệ thống máy móc, phần mềm hỗ trợ kiểm toán và quản lý điều hành. Hiện KTNN đã đưa vào vận hành gần 40 phần mềm phục vụ các khâu trong kiểm toán như lập kế hoạch, theo dõi tiến độ, tổng hợp kết quả, kiểm soát hoạt động, phân tích dữ liệu lớn, hỗ trợ kỹ thuật kiểm toán các lĩnh vực như đầu tư xây dựng, doanh nghiệp, ngân hàng...

Đáng chú ý, KTNN đã triển khai thí điểm kiểm toán từ xa, kết nối trao đổi dữ liệu số với các đơn vị được kiểm toán, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí và giảm thiểu việc in ấn tài liệu. Việc ứng dụng CNTT còn giúp nâng cao hiệu quả công tác tổng hợp kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán, tăng cường công tác điều hành qua môi trường mạng hướng tới văn phòng không giấy tờ.

Việc ứng dụng CNTT, đặc biệt là AI đang mang lại những thay đổi to lớn trong hoạt động kiểm toán. Ảnh: N.Lộc

Việc ứng dụng CNTT, đặc biệt là AI đang mang lại những thay đổi to lớn trong hoạt động kiểm toán. Ảnh: N.Lộc

Đối với ứng dụng AI, KTNN đang thí điểm vào hoạt động kiểm toán với mục tiêu hiện đại hóa công tác kiểm toán, nâng cao hiệu quả và chất lượng kiểm toán. AI được sử dụng để tự động xử lý khối lượng lớn dữ liệu, phân tích các gói thầu số hóa, giúp phát hiện sai phạm nhanh chóng và hỗ trợ kiểm toán viên trong việc lựa chọn mẫu kiểm toán hiệu quả hơn.

Hiện, Cục Công nghệ thông tin của KTNN đã triển khai thí điểm kiểm toán tự động áp dụng AI tại 13 tỉnh, sử dụng robot thu thập dữ liệu từ Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để huấn luyện hệ thống AI phân tích và đánh giá ban đầu các gói thầu.

Kết quả bước đầu cho thấy AI có thể xử lý hàng nghìn hồ sơ mỗi ngày, vượt trội so với phương pháp truyền thống về tốc độ và độ chính xác.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy hoạt động ứng dụng AI của KTNN nói chung và tại KTNN chuyên ngành III nói riêng còn có những hạn chế cần tiếp tục được cải thiện. Cụ thể như:

Thứ nhất, hạn chế về hạ tầng công nghệ và kỹ thuật. Cơ sở hạ tầng CNTT chưa được đầu tư đồng bộ; thiếu hệ thống lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn. Dữ liệu kiểm toán thường liên quan đến thông tin tài chính quan trọng, nếu AI không được bảo mật tốt có thể dẫn đến rủi ro rò rỉ dữ liệu.

Thứ hai, dữ liệu phân tán, thiếu chuẩn hóa (Dữ liệu tài chính, ngân sách, kế toán của các đơn vị được kiểm toán nằm rải rác ở nhiều cơ sở, định dạng khác nhau, gây khó khăn trong việc tổng hợp, phân tích); khó khăn trong kết nối liên ngành (Việc chia sẻ dữ liệu giữa KTNN và các cơ quan như thuế, kho bạc, hải quan, địa phương… còn hạn chế do chưa có quy định pháp lý thống nhất về chia sẻ dữ liệu công).

Thứ ba, thiếu nhân lực có chuyên môn CNTT và phân tích dữ liệu: Kiểm toán viên chưa được đào tạo chuyên sâu về AI (Đội ngũ chủ yếu có nền tảng kế toán, tài chính, trong khi các công nghệ mới đòi hỏi hiểu biết về thống kê, lập trình, phân tích dữ liệu); thiếu cán bộ kỹ thuật chuyên trách (Việc xây dựng công cụ, vận hành hệ thống phân tích dữ liệu, hỗ trợ kỹ thuật còn phụ thuộc vào một số ít cán bộ CNTT).

Thứ tư, khó khăn về thể chế và hành lang pháp lý: Thiếu quy định cụ thể về kiểm toán số. Hiện nay chưa có khung pháp lý rõ ràng điều chỉnh hoạt động kiểm toán ứng dụng AI hoặc kiểm toán thời gian thực; Vấn đề về bảo mật và an toàn thông tin: Việc xử lý lượng lớn dữ liệu nhạy cảm đòi hỏi cơ chế bảo mật nghiêm ngặt, trong khi năng lực bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng của KTNN vẫn ở mức cơ bản; việc sử dụng AI cần có quy định rõ ràng về giới hạn trách nhiệm, tránh việc phụ thuộc hoàn toàn vào thuật toán.

Thứ năm, khó khăn về thay đổi nhận thức và tư duy: Một bộ phận công chức và kiểm toán viên còn tâm lý e ngại, chưa tin tưởng hoặc chưa hiểu rõ vai trò của AI; tư duy kiểm toán truyền thống vẫn chiếm ưu thế, gây khó khăn trong quá trình chuyển đổi sang kiểm toán dựa trên dữ liệu và công nghệ.

Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sớm xây dựng hành lang pháp lý, ban hành hướng dẫn nghiệp vụ, kiểm soát rủi ro pháp lý trong sử dụng AI, tránh vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành.

AI được sử dụng để tự động xử lý khối lượng lớn dữ liệu, phân tích các gói thầu số hóa, giúp phát hiện sai phạm nhanh chóng và hỗ trợ kiểm toán viên trong việc lựa chọn mẫu kiểm toán hiệu quả hơn.

AI được sử dụng để tự động xử lý khối lượng lớn dữ liệu, phân tích các gói thầu số hóa, giúp phát hiện sai phạm nhanh chóng và hỗ trợ kiểm toán viên trong việc lựa chọn mẫu kiểm toán hiệu quả hơn.

Đây cũng là thực trạng chung mà các đơn vị kiểm toán đang phải đối diện và cần có giải pháp phù hợp.

Phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ trong ứng dụng công nghệ mới

Ứng dụng AI, công nghệ mới vào hoạt động kiểm toán là nhiệm vụ đặt ra với tất cả các kiểm toán viên, trong đó, các kiểm toán viên trẻ sẽ đóng vai trò tiên phong, xung kích trong thực hiện nhiệm vụ này. Với tinh thần đó, tuổi trẻ KTNN chuyên ngành III kiến nghị một số nội dung nhằm thúc đẩy hiệu quả ứng dụng AI vào hoạt động kiểm toán trong thời gian tới:

Các kiểm toán viên trẻ sẵn sàng đi đầu trong việc thí điểm, thử nghiệm, sáng tạo mô hình mới, góp phần xây dựng KTNN hiện đại. Ảnh N.Lộc

Các kiểm toán viên trẻ sẵn sàng đi đầu trong việc thí điểm, thử nghiệm, sáng tạo mô hình mới, góp phần xây dựng KTNN hiện đại. Ảnh N.Lộc

Một là, hoàn thiện thể chế, chiến lược và định hướng triển khai. Theo đó, Cục Công nghệ thông tin cần nghiên cứu, tổ chức xây dựng và trình Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành Chiến lược ứng dụng AI giai đoạn 2025-2035, với mục tiêu cụ thể, lĩnh vực ưu tiên, lộ trình triển khai, và phân công trách nhiệm rõ ràng. Nghiên cứu, xây dựng, ban hành hướng dẫn nội bộ về chuẩn mực kiểm toán số và đạo đức nghề nghiệp trong sử dụng công cụ AI.

Hai là, đầu tư đồng bộ hạ tầng công nghệ và nền tảng dữ liệu. Trong đó, ưu tiên xây dựng kho dữ liệu kiểm toán tập trung, chuẩn hóa và kết nối liên ngành. Tăng cường bảo mật, đảm bảo an toàn thông tin trong xử lý dữ liệu tài chính, ngân sách, tài sản công.

Trong quá trình này, việc nghiên cứu, lựa chọn và phát triển các công cụ AI phải gắn với thực tiễn, tập trung vào các giải pháp như phân tích và trực quan hóa dữ liệu ngân sách, đánh giá rủi ro chi ngân sách, phát hiện bất thường trong mua sắm công và ứng dụng để phân tích văn bản.

Ba là, phát triển nguồn nhân lực số - lấy đoàn viên, thanh niên làm nòng cốt. Các đơn vị tham mưu của KTNN cần tham mưu lãnh đạo KTNN tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức AI, dữ liệu lớn, khoa học dữ liệu cho kiểm toán viên trẻ. Hình thành nhóm "hạt nhân chuyển đổi số" trong từng đơn vị kiểm toán - do đoàn viên, thanh niên đảm nhiệm.

Đồng thời có chính sách phù hợp để thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia AI thông qua tuyển dụng, đào tạo nội bộ hoặc hợp tác bên ngoài cũng cần được đẩy mạnh.

Bốn là, nghiên cứu, lựa chọn thí điểm các mô hình kiểm toán ứng dụng AI phù hợp tại các đơn vị được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ kiểm toán. Trong đó, ưu tiên các lĩnh vực có dữ liệu số lớn như đầu tư công, mua sắm công, ngân sách Bộ, ngành. Từng bước hoàn thiện quy trình kiểm toán ứng dụng AI làm cơ sở nhân rộng toàn ngành.

Năm là, tăng cường hợp tác và chia sẻ, trong đó tập trung thiết lập mạng lưới hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp công nghệ để phát triển công cụ kiểm toán số. Chia sẻ kinh nghiệm, công cụ nội bộ giữa các đơn vị KTNN chuyên ngành để tạo hiệu ứng lan tỏa.

Đoàn viên, thanh niên KTNN chuyên ngành III trong một buổi tập huấn nghiệp vụ, với những lưu ý việc ứng dụng CNTT vào kiểm toán

Đoàn viên, thanh niên KTNN chuyên ngành III trong một buổi tập huấn nghiệp vụ, với những lưu ý việc ứng dụng CNTT vào kiểm toán

Đoàn viên, thanh niên KTNN chuyên ngành III nhận thức sâu sắc rằng: chuyển đổi số và ứng dụng AI không chỉ là nhiệm vụ kỹ thuật, mà còn là cuộc cách mạng tư duy và tổ chức.

Với vai trò là lực lượng tiên phong, sáng tạo, các kiểm toán viên trẻ sẵn sàng đi đầu trong việc thí điểm, thử nghiệm, sáng tạo mô hình mới, góp phần xây dựng KTNN hiện đại, chuyên nghiệp, thực chất.

ĐỖ HỮU - KIỂM TOÁN VIÊN KTNN CHUYÊN NGÀNH III

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/ung-dung-ai-cong-nghe-moi-chia-khoa-tao-dot-pha-cho-hoat-dong-kiem-toan-40496.html