Ứng dụng AI để tạo ra các kịch bản và tổ chức lừa đảo trên mạng xã hội

Ngày 30/5, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo và Triển lãm An toàn không gian mạng Việt Nam năm 2024 (Vietnam Security Summit 2024) với chủ đề 'An toàn trong thời kỳ bùng nổ của trí tuệ nhân tạo'.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long nhận định: Với lĩnh vực an toàn thông tin mạng, AI tham gia ở cả hai khía cạnh tích cực và tiêu cực, có mặt ở cả hai chiến tuyến tấn công mạng và phòng thủ hệ thống.

 Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Lê Tâm

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Lê Tâm

Trong đó, ở khía cạnh tiêu cực, "các cuộc tấn công mạng liên tục phát triển với mức độ ngày càng tinh vi, phức tạp. Đặc biệt, khi có sự hỗ trợ của AI, nguy cơ, mối đe dọa an toàn thông tin mà chúng ta phải đối mặt sẽ ngày càng tăng theo cấp số nhân", ông Phạm Đức Long chia sẻ.

Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long việc tạo ra một không gian mạng an toàn, bảo vệ người dân trước các nguy cơ tấn công từ không gian mạng là việc làm cấp thiết. Để đảm bảo an toàn thông tin, cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các tổ chức, doanh nghiệp và các cơ quan Chính phủ. Sự hợp tác này không chỉ mở ra cơ hội chia sẻ thông tin và kinh nghiệm mà còn giúp chúng ta tăng cường khả năng phản ứng nhanh chóng và hiệu quả đối với các mối đe dọa.

“Đảm bảo an toàn thông tin để bảo vệ người dân, doanh nghiệp không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chuyên trách hay các doanh nghiệp an toàn thông tin mạng mà cần sự chung tay của toàn xã hội, trong đó mỗi cá nhân và mỗi tổ chức đều phải ý thức được chịu trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ thông tin, hệ thống thông tin của mình”, Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh.

 Các đại biểu dự Hội thảo và Triển lãm An toàn không gian mạng Việt Nam năm 2024 (Vietnam Security Summit 2024). Ảnh: Lê Tâm

Các đại biểu dự Hội thảo và Triển lãm An toàn không gian mạng Việt Nam năm 2024 (Vietnam Security Summit 2024). Ảnh: Lê Tâm

Trao đổi tại hội thảo, ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng: "Khi phát động các cuộc tấn công lừa đảo có mục tiêu, hacker còn dùng AI tạo thông tin giả lan truyền trên mạng xã hội. Dù cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp, việc ứng dụng AI để tạo ra các kịch bản và tổ chức lừa đảo trên mạng xã hội vẫn rất phổ biến, khiến nhiều người dân bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, gây bức xúc trong xã hội".

Theo thống kê của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), có 26 hình thức lừa đảo trên không gian mạng thường xuyên diễn ra. Trong đó 72,6% là lừa đảo trực tuyến vào tài chính.

Chỉ trong bốn tháng đầu năm 2024, cơ quan an toàn thông tin đã chặn 2.418 website/blog. Trong đó, có 449 website lừa đảo trực tuyến, bảo vệ được gần 700.000 người dân đã kết nối đến những trang này…

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng cho rằng, để giảm thiểu và ngăn chặn tình trạng lừa đảo trực tuyến, đầu tiên vẫn là vấn đề nhận thức, kỹ năng của người dân. Đồng thời, cần kết hợp nhiều biện pháp kỹ thuật và phối hợp với các cơ quan chức năng để ngăn chặn vấn nạn lừa đảo trực tuyến.

 Các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương Nền tảng quản lý và phát hiện, cảnh báo sớm rủi ro an toàn thông tin. Ảnh: Lê Tâm

Các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương Nền tảng quản lý và phát hiện, cảnh báo sớm rủi ro an toàn thông tin. Ảnh: Lê Tâm

Trong khuôn khổ sự kiện Vietnam Security Summit 2024, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã khai trương, đưa vào vận hành chính thức nền tảng quản lý và phát hiện, cảnh báo sớm rủi ro an toàn thông tin. Nền tảng số này được Bộ Thông tin và Truyền thông kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao năng lực bảo vệ cho các tổ chức và doanh nghiệp tại Việt Nam.

Lê Tâm

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ung-dung-ai-de-tao-ra-cac-kich-ban-va-to-chuc-lua-dao-tren-mang-xa-hoi-post297521.html