Ứng dụng AI điều hành, xử lý vi phạm giao thông

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp cho biết, việc nghiên cứu, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong đảm bảo trật tự ATGT đang được Bộ Công an đặc biệt quan tâm.

Nhiều lợi ích nhờ ứng dụng công nghệ

Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông thời gian qua được triển khai thế nào, thưa ông?

Thông qua việc ứng dụng các tiện ích, khoa học công nghệ, cơ quan chức năng thu thập, lưu trữ, phân tích, xử lý dữ liệu, thông tin về tình hình trật tự ATGT, từ đó cung cấp cho người dân và phục vụ chỉ huy, điều hành hoạt động giao thông an toàn, thông suốt.

Khi người dân biết quá trình tham gia giao thông của mình luôn được giám sát, họ sẽ tự giác hơn trong việc tuân thủ, chấp hành pháp luật.

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên.

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên.

Nhờ ứng dụng công nghệ, thủ tục hành chính trong lĩnh vực trật tự ATGT được thực hiện thông qua các dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Nhờ vậy, giảm bớt các giấy tờ, thời gian gửi/nhận hồ sơ, tăng tính minh bạch, tiết kiệm chi phí, công sức cho người dân và doanh nghiệp.

Luật Trật tự ATGT đường bộ đã bổ sung nhiều quy định mới về quản lý người lái và phương tiện bằng khoa học công nghệ. Ông kỳ vọng gì khi những quy định của luật đi vào cuộc sống?

Thời gian tới, kỳ vọng các quy định của luật sẽ được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời để tạo bước tiến mạnh mẽ bảo đảm trật tự ATGT.

Có thể kể ra một số tiện ích, ứng dụng mà Bộ Công an đã triển khai có hiệu quả thời gian qua, như: Tạm giữ giấy phép lái xe trên môi trường điện tử thông qua ứng dụng VNeID; đăng ký xe lần đầu bằng dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng VNeID.

Hay hệ thống tự động áp dụng các điều, khoản, điểm xử phạt và số tiền tương ứng dành cho lực lượng CSGT. Qua hệ thống này, cán bộ tuần tra kiểm soát dễ dàng áp dụng xử phạt vi phạm đảm bảo chính xác, xử lý triệt để các hành vi tái phạm…

Chia sẻ cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý

Riêng với CSGT là lực lượng trực tiếp thực hiện tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm trên tuyến, việc ứng dụng này được thực hiện như thế nào, kết quả ra sao, thưa ông?

Thời gian qua, Cục CSGT thông qua các tiện ích và ứng dụng công nghệ, đã kịp thời phát hiện các vụ TNGT, ùn tắc và các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự để kịp thời huy động lực lượng giải quyết.

Việc ứng dụng công nghệ giúp lực lượng CSGT kịp thời phát hiện các vụ TNGT, ùn tắc và các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự trên tuyến.

Việc ứng dụng công nghệ giúp lực lượng CSGT kịp thời phát hiện các vụ TNGT, ùn tắc và các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự trên tuyến.

Ứng dụng công nghệ còn được áp dụng khi phân tích, xác định được lưu lượng, chủng loại, thời gian, quy luật hoạt động của phương tiện trên các tuyến đường. Trên cơ sở đó, CSGT sẽ tổ chức, bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm phù hợp.

Theo ông, việc ứng dụng khoa học công nghệ như trên có ý nghĩa ra sao đối với quá trình phục vụ chuyển đổi số quốc gia?

Ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác bảo đảm trật tự ATGT đường bộ sẽ đẩy nhanh việc xây dựng các cơ sở dữ liệu để kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu đường bộ và các cơ sở dữ liệu khác có liên quan.

Đồng thời, xây dựng hệ thống giám sát bảo đảm an ninh, trật tự ATGT đường bộ, hệ thống quản lý dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe.

Việc này còn giúp sớm hình thành các trung tâm chỉ huy giao thông được kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành và các hệ thống, cơ sở dữ liệu có liên quan để ứng dụng vào hoạt động quản lý, điều hành trong lĩnh vực trật tự ATGT đường bộ và các lĩnh vực khác.

Thông qua đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực trật tự ATGT, tạo thuận lợi cho người dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Nghiên cứu, phát triển ứng dụng AI

Luật Trật tự ATGT đường bộ chưa đề cập đến việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong phát hiện các hành vi vi phạm giao thông. Trong những văn bản hướng dẫn sắp tới, ban soạn thảo có kế hoạch đưa nội dung này vào?

Mặc dù luật chưa đề cập trực tiếp đến việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong phát hiện vi phạm nhưng đã có quy định về thiết bị thông minh hỗ trợ chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ.

Đây là những thiết bị kỹ thuật công nghệ do lực lượng chức năng sử dụng để hỗ trợ chỉ huy, điều khiển giao thông, giải quyết tình huống giao thông và xử lý vi phạm.

Thời gian tới, căn cứ yêu cầu của thực tiễn, Bộ Công an sẽ phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng các quy định về nghiên cứu, phát triển, ứng dụng trí tuệ nhân tạo một cách cụ thể.

Cảm ơn ông!

Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh (Phó trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, Cục CSGT):

Công nghệ giúp thay đổi tư duy

Việc ứng dụng tiện ích, khoa học công nghệ đã được lực lượng CSGT thực hiện có hiệu quả trong công tác quản lý điều hành, tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm.

Ví dụ, trong giải quyết các thủ tục hành chính, khi lập các biên bản, quyết định liên quan, CSGT sẽ lấy lại toàn bộ thông tin từ biên bản, quyết định trước đó, không mất thời gian viết lại thông tin.

Hiệu quả đã được khẳng định khi lực lượng CSGT đã thay đổi nhận thức, tư duy, cách làm thủ công để bảo đảm hiệu quả, bền vững lâu dài.

Hiện nay, đơn vị đang thí điểm sử dụng ứng dụng công nghệ AI để hỗ trợ công tác tuần tra, kiểm soát trên tuyến. Ứng dụng này kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu nghiệp vụ, tương thích với nhiều loại thiết bị.

Ở giai đoạn thí điểm, công nghệ AI được ứng dụng để phân tích, nhận diện biển số phương tiện dựa trên hình chụp của máy ảnh điện thoại. Qua đó, hệ thống tự động nhận biết phương tiện đã được các tổ CSGT trước đó kiểm tra hay chưa, hạn chế kiểm tra nhiều lần.

Ứng dụng còn quét mã QR trên thẻ căn cước và giấy phép lái xe của tài xế để thu thập thông tin. Thông tin này được kết nối trực tuyến đến tất cả tổ CSGT đang hoạt động trên tuyến, tránh chồng chéo.

Hoàng Lam

Nguồn ATGT: https://atgt.baogiaothong.vn/ung-dung-ai-dieu-hanh-xu-ly-vi-pham-giao-thong-192240828165736495.htm