Ứng dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi: Vẫn khó nhân rộng
Hiện nay, các hộ dân trên địa bàn thành phố Hà Nội đang đẩy mạnh việc sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi để tăng chất lượng sản phẩm, kiểm soát tốt dịch bệnh. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư cao, đầu ra bấp bênh, giá cả thấp... nên hiệu quả chưa cao. Việc sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi mới chỉ dừng lại ở các mô hình nhỏ lẻ mà chưa thể nhân rộng.
Sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi để tăng chất lượng sản phẩm, kiểm soát tốt dịch bệnh.
Theo ông Đặng Văn Duân ở xã Liên Bạt (huyện Ứng Hòa), năm 2019, gia đình ông tham gia mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP với quy mô 1ha. Do sử dụng chế phẩm sinh học xử lý môi trường trong ao nuôi và ủ men tỏi cho cá ăn định kỳ trong suốt quá trình nuôi nên cá lớn nhanh, ăn khỏe, tiêu tốn ít thức ăn so với hình thức nuôi truyền thống, bình quân đạt 1,5kg/con. Tuy nhiên, việc sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu tư tương đối cao, người dân chưa quen ghi chép sổ sách nhật ký chăm sóc, chưa nắm vững kỹ thuật nuôi cá theo phương pháp này.
Bà Cấn Thị Thành ở xã Liệp Tuyết (huyện Quốc Oai) cho hay, gia đình bà đang nuôi 1.000 con gà Mía thả vườn theo hướng an toàn, sử dụng chế phẩm sinh học. Song, đầu ra bấp bênh, giá bán không cao mà đầu tư nhiều hơn 10% so với phương pháp nuôi truyền thống nên việc mở rộng quy mô đàn gà theo hướng sử dụng chế phẩm sinh học đang khiến gia đình bà phân vân...
Về những hạn chế trong việc sử dụng chế phẩm sinh học, thảo dược trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết: Thực tế cho thấy, các hộ dân sử dụng chế phẩm sinh học và thảo dược chưa đồng bộ; đầu ra của sản phẩm bị lẫn với các sản phẩm thông thường, giá cả còn thấp, chưa tạo được niềm tin với người tiêu dùng... Nguyên nhân chủ yếu do người dân thiếu thông tin, sử dụng chế phẩm sinh học không đồng bộ trong quá trình chăn nuôi, ý thức phòng bệnh cho vật nuôi chưa cao. Thậm chí, nhiều người sử dụng chế phẩm sinh học theo hướng dẫn của người bán hàng và nhãn mác sản phẩm; chưa có định hướng, chưa được tập huấn bài bản về tác dụng của chế phẩm sinh học và chưa hiểu rõ cách thức sử dụng phù hợp với từng đối tượng vật nuôi…
Để phát huy hiệu quả khi sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, theo bà Vũ Thị Hương, người chăn nuôi cần có cơ sở vật chất đầy đủ về chuồng trại; ao nuôi cần bảo đảm phù hợp, hệ thống ao có diện tích mặt nước đủ lớn...
Còn theo bà Cấn Thị Cảnh ở xã Liệp Tuyết (huyện Quốc Oai), để nhân rộng mô hình sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, các cơ quan chức năng cần tiếp tục đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật mới; tập huấn, phổ biến cho người chăn nuôi áp dụng vào sản xuất mới đạt hiệu quả như mong muốn. Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước cần có sự hỗ trợ cụ thể cho những hộ tham gia mô hình sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi về: Xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm thông qua các hội chợ xúc tiến thương mại để thuận lợi trong khâu tiêu thụ…
Chung quan điểm, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi cho rằng, các sở, ngành cần tham mưu thành phố hỗ trợ người chăn nuôi trong quy hoạch vùng nuôi; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm chăn nuôi, thủy sản an toàn sinh học... nhằm tăng giá trị và uy tín trên thị trường.
Về vấn đề này, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, Sở NN&PTNT tiếp tục mở rộng các mô hình khuyến nông, sử dụng chế phẩm sinh học, thảo dược trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tối đa, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về sử dụng chế phẩm trong chăn nuôi. Phương pháp này không chỉ hạn chế dịch bệnh mà còn nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo tiền đề cho khâu tiêu thụ thuận lợi…