Ứng dụng chiến lược ESG như thế nào trong kỷ nguyên kinh doanh bền vững?
Trong khuôn khổ Diễn đàn Quản trị Cấp cao Việt Nam - Singapore 2024 (VSBF) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore tổ chức, nhiều đại biểu đã tập trung thảo luận về chủ đề hiện được các Chính phủ và doanh nghiệp rất quan tâm, đó là: 'Điều hướng rủi ro và nắm bắt cơ hội ESG'.
Mở đầu phiên thảo luận, ông Shai Ganu - Thành viên Hội đồng chuyên gia về Quản trị và Khí hậu (Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF) đánh giá: “Việc giám sát ESG (ba yếu tố môi trường, xã hội và quản trị) là vấn đề của các doanh nghiệp với sự quan tâm đặc biệt từ các Ủy ban Phát triển bền vững. Thế nhưng, dựa trên khảo sát của WTW-NASDAQ năm 2023, khoảng 48% người được hỏi cho rằng, hội đồng quản trị của họ thiếu kỹ năng liên quan đến môi trường và biến đổi khí hậu. Điều này giới hạn việc tận dụng chiến lược ESG để phát triển kinh tế bền vững”.
Cũng theo ông Shai Ganu, tiêu điểm của chiến lược này là giảm lượng khí phát thải carbon. Nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 trong thời gian tới với những nỗ lực trong việc tìm nguồn năng lượng tái tạo thay thế năng lượng hóa thạch.
“Hiện nay, 78% công ty đa quốc gia trên toàn cầu có kế hoạch loại bỏ các nhà cung cấp năng lượng gây nguy hiểm cho quá trình chuyển đổi carbon của họ vào năm 2050” - ông Shai Ganu chia sẻ thêm.
Trao đổi về việc xây dựng chiến lược ESG trong bối cảnh kinh doanh bền vững đang trở thành xu hướng, giáo sư Lawrence Loh - Giám đốc Trung tâm Quản trị và Bền vững - Đại học Quốc gia Singapore NUS khẳng định: “Trong 5 năm tới, toàn cầu hướng đến mục tiêu giảm thiểu 50% lượng carbon, đảm bảo cho người lao động được làm việc ở môi trường an toàn, văn minh. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần xem xét khả năng thích ứng của mình trong bối cảnh thời đại mới, cố gắng giảm thiểu tối đa lượng phát thải”.
Ngoài ra, theo giáo sư Lawrence Loh, để tận dụng tối đa hiệu quả của chiến lược ESG, các quốc gia cần ban hành quy định pháp luật cụ thể về các hoạt động thương mại; về quy trình đăng ký sáng kiến phát triển bền vững, trong đó, quy trình sắp xếp và thẩm định sáng kiến cần được đặt lên hàng đầu.