Ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp

Chuyển đổi số trong nông nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển theo hướng hiện đại hóa, nâng cao giá trị và hướng đến mục tiêu bền vững. Đối với lĩnh vực trồng trọt và thủy sản, hiện trên địa bàn Trà Vinh đang được ngành nông nghiệp từng bước triển khai và ứng dụng ở từng mức độ khác nhau…

Anh Võ Văn Bền, kiểm tra thiết bị giám sát môi trường (thực hiện đo 05 thành phần chỉ số) cho nuôi tôm.

Anh Võ Văn Bền, kiểm tra thiết bị giám sát môi trường (thực hiện đo 05 thành phần chỉ số) cho nuôi tôm.

Đặc biệt, trong các mô hình nuôi tôm thâm canh mật độ cao thông qua ứng dụng chuyển đổi số để đưa các cảm biến ghi nhận, phân tích về độ pH, độ mặn, nồng độ o-xy… Đồng thời, thu thập dữ liệu từ cảm biến để giám sát và quản lý cây trồng, độ ẩm đất, chất lượng môi trường trong vùng trồng…

Ông Võ Văn Bền, ngụ ấp Bà Nhì, xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải cho biết: thông qua mô hình nuôi tôm thâm canh mật độ cao được Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh hỗ trợ đầu tư; trong đó, có hỗ trợ công nghệ ứng dụng chuyển đổi số qua thiết bị giám sát nguồn nước trong nuôi thủy sản, với các chỉ số đo: pH, độ mặn, độ trong nước; Oxy… tích hợp qua hệ thống điện thoại thông minh.

Cũng theo ông Bền, với thiết bị công nghệ ứng dụng chuyển đổi số đã tác động tích cực cho nông dân, nhất là hộ nuôi thủy sản không còn thực hiện thủ công như trước đây. Trong đó, với các thành phần chỉ số cần thiết của người nuôi tôm được giám sát theo từng giờ; khi vượt mức cảnh báo, người nuôi tôm sẽ tiến hành xử lý ngay, kịp thời… hạn chế thấp nhất thiệt hại cho sản xuất.

Trong xuất khẩu, cấp và quản lý mã vùng trồng nhằm làm tăng tính quản lý của vùng nguyên liệu và xác định địa lý của vùng nguyên liệu… giúp đối tác khách hàng, doanh nghiệp sử dụng để theo dõi nguồn gốc và quản lý chuỗi cung ứng trong nông nghiệp.

Đến tháng 6/2024, toàn tỉnh đã có 26 mã số vùng trồng xuất khẩu được cấp, diện tích 1.625,6ha (trong đó: có 02 mã số nhà lưới) trên các loại cây trồng, như: sầu riêng 01 mã số/12ha; xoài 04 mã số/136,02ha; chuối 02 mã số/105,49ha; lúa 02 mã số/392,02ha; ớt 03 mã số/14,1ha; mít 03 mã số/40,05ha; thanh long 03 mã số/134,73ha; dừa 01 mã số/150ha; dưa hấu 04 mã số/464,95ha; chôm chôm 01 mã số/29,63ha; nhãn 02 mã số/50,25ha; bưởi 01 mã số/10,85ha.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp như trồng màu trong nhà lưới kín và rau thủy canh… người sản xuất đã ứng dụng khá tốt các thiết bị công nghệ vào phục vụ sản xuất.

Ông Trần Thái Bảo, Giám đốc Công ty TNHH Green Farm Trà Vinh chia sẻ: hiện công ty có 02 điểm sản xuất rau thủy canh theo phương pháp hồi lưu, với diện tích 1.000m2/điểm; tại Khóm 1, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành và Khóm 8, Phường 8, thành phố Trà Vinh. Trong quá trình canh tác, toàn bộ áp dụng công nghệ tự động hóa để điều khiển nhiệt độ, độ pH và cung cấp chất dinh dưỡng cho vườn rau… thông qua thiết bị bút đo, giúp người quản lý biết được nhu cầu nước, dinh dưỡng của cây trồng để đưa vào cung cấp cho cây phù hợp.

Bên cạnh đó, các công nghệ, kỹ thuật số trong ứng dụng cũng giúp nông dân cài đặt hệ thống giám sát và cảnh báo sớm về tình trạng phát triển, nguồn dinh dưỡng của cây trồng; tác động của các yếu tố môi trường như nhiệt độ và độ ẩm.

Đặc biệt là đối với hệ thống bẫy đèn thông minh trong dự báo sâu rầy của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh được triển khai trên các cánh đồng; giúp ngành chuyên môn và nông dân có thể nhận được thông báo sớm về các vấn đề tiềm ẩn và đưa ra biện pháp phòng ngừa hoặc can thiệp kịp thời để giảm thiểu thiệt hại do sâu rầy…

Bài, ảnh: HỮU HUỆ

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/chuyen-doi-so/ung-dung-chuyen-doi-so-trong-linh-vuc-nong-nghiep-37976.html