Ứng dụng CNTT trong giáo dục kỹ năng sống: Sinh động những tiết học 'số hóa'
Sáng tạo trong ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động dạy và học, đã trở nên phổ biến. Giáo viên ngày càng nâng cao tay nghề, học sinh được trải nghiệm chuyển đổi số. Bên cạnh việc trang bị tivi trong lớp học, nhiều ngôi trường còn 'chơi lớn' bằng cách lắp đặt màn hình led có kích thước cực đại ở sân trường.
Đầu tư cho tương lai
Sáng 24.2, Trường THCS Phú Hữu, TP.Thủ Đức tổ chức tập huấn phòng ngừa đuối nước cho học sinh. Các buổi sinh hoạt ngoại khóa vốn diễn ra thường xuyên, nhưng điểm khác biệt lần này chính là học sinh được theo dõi hình ảnh, video clip minh họa qua màn hình tivi 150 inch, kết hợp tương tác với giáo viên phụ trách.

Trường tiểu học Phong Phú, TP.Thủ Đức tích cực trình chiếu hình ảnh, trong hoạt động giảng dạy.
Vừa xem xong những hình ảnh về “dòng chảy xa bờ”, nữ sinh Nguyễn Ngọc Hà, học khối lớp 9, tâm sự: “Kể từ hôm nay, em hiểu rõ hơn về khái niệm dòng chảy xa bờ và sự nguy hiểm của nó. Sau này, mỗi khi được đi tắm biển em sẽ chú ý quan sát để nhận biết dấu hiệu (nếu có). Từ những kiến thức được học, em sẽ thông báo cho những người khác biết”.
Tác dụng của “công nghệ số” trong giáo dục kỹ năng sống nhanh chóng được khẳng định. Học sinh tiếp thu buổi học một cách hào hứng. Hình ảnh người thật việc thật giúp các em dễ hiểu, nhớ lâu, biết cách phòng tránh cho bản thân và gia đình.
Từ phân tích của giáo viên hướng dẫn, học sinh đã nhận thức được ngay cả người bơi giỏi cũng vẫn có thể đuối nước, nếu như chủ quan hoặc rơi vào vùng nước xoáy, bị chuột rút, không khởi động kỹ trước khi xuống nước…
Biện pháp xử lý tình huống, trong trường hợp phát hiện người có dấu hiệu đuối nước, cũng được các em sôi nổi hiến kế: không mạo hiểm nhảy xuống cứu dù có biết bơi; cần tri hô, kêu cứu, tìm người lớn hỗ trợ; sử dụng các đồ vật sẵn có như đoạn cây dài, sợi dây, can nhựa để giúp nạn nhân thoát hiểm.
Chia sẻ về ý nghĩa của chương trình này, cô Nguyễn Ngọc Thảo - Hiệu trưởng Trường THCS Phú Hữu cho biết: “Địa bàn P.Phú Hữu có nhiều sông nước, ao hồ, chúng tôi muốn lưu ý học sinh và phụ huynh chú trọng phòng ngừa đuối nước. Ngay cả khi các em có dịp về quê, hoặc theo gia đình đi du lịch ở vùng biển”.
Được biết, dù chỉ có hơn 700 học sinh, nhưng Trường THCS Phú Hữu vẫn cố gắng đầu tư trang bị tivi kích thước lớn, phục vụ cho các buổi học kỹ năng sống. Đội ngũ giáo viên luôn nghiên cứu, cập nhật và cải tiến phương pháp truyền đạt. Nhờ vậy, đã góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động ngoại khóa.

Cô Nguyễn Ngọc Thảo - Hiệu trưởng Trường THCS Phú Hữu, TP.Thủ Đức, phổ biến cho học sinh trong tiết học phòng ngừa đuối nước, sáng 24.2.
Hình thức phong phú, nội dung sâu sắc
Trước đó vài ngày, Trường THCS Lương Định Của đã tập huấn cho gần 2.000 học sinh, phương pháp hô hấp nhân tạo đối với người bị đuối nước, kết hợp giữa nghe - nhìn. Sau khi được xem nhiều lần hướng dẫn trên màn hình Led, cùng với thao tác trực tiếp của thầy cô, các em đều tỏ ra khá thành thạo trong phần thực hành. Trong những tiết học môn thể dục, giáo viên tiếp tục cho học sinh ôn lại để nắm vững hơn.
Bà Nguyễn Thị Hà, 45 tuổi, trú tại P.Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức vui vẻ kể: “Con gái tôi đang học ở trường này. Nhờ được tham gia nhiều buổi dạy kỹ năng “mềm” nên cháu rất tự tin trong sinh hoạt. Không những vậy, cháu còn biết hướng dẫn một số kiến thức cơ bản cho các trẻ em hàng xóm”.
Còn tại Trường THCS Long Trường, với nội dung phòng ngừa tai nạn, thương tích, các giáo viên đã trình chiếu hình ảnh chiếc ô tô rơi xuống nước. Qua đó, phổ biến cho hơn 1.300 học sinh cách thức thoát nạn trong hoàn cảnh này. Những động tác cần thiết đã được các em ghi nhớ, như giữ bình tĩnh, tháo dây an toàn, di chuyển từ ghế trước ra ghế sau, dùng búa thoát hiểm hoặc vật cứng đập vỡ kính, trước khi thoát ra ngoài cần hít hơi thật sâu, ưu tiên cho người biết bơi ra ngoài trước.
Em Nguyễn Võ Bảo Trân, học sinh khối lớp 8 chia sẻ: “Nhà trường luôn duy trì những tiết học ngoại khóa bổ ích, nên chúng em đã biết cách chủ động ứng phó khi gặp sự cố bất ngờ. Các thầy cô cũng rất quan tâm nhắc nhở học sinh cần chú ý đề phòng tai nạn. Trong trường hợp xảy ra bất ngờ thì vẫn biết áp dụng biện pháp xử trí phù hợp”.
Hoạt động dạy và học ngày càng phong phú, hấp dẫn nhờ sự đồng hành của công nghệ thông tin. TP.HCM đã triển khai ứng dụng Công dân số, các trường học cũng khuyến khích phụ huynh tải app để thuận lợi trong tương tác. Hình ảnh và không khí sôi động về các buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được nhà trường đăng tải trên trang web. Phụ huynh và học sinh càng thêm phấn khởi, thích thú.

Sáng tạo trong ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động dạy và học, đã trở nên phổ biến
Thế mạnh của thời đại 4.0 còn thắt chặt thêm sự bền chặt của sợi dây liên lạc giữa Gia đình - Nhà trường - Xã hội. Cô Nguyễn Thị Hồng An - Hiệu trưởng Trường THCS Hiệp Phú bộc bạch: “Chúng tôi tận dụng các nhóm (group) Zalo để làm kênh thông tin hai chiều với các phụ huynh. Không chỉ những thông báo của nhà trường, ngay cả các tin bài liên quan đến lĩnh vực giáo dục được báo chí đăng tải, chúng tôi cũng kịp thời chia sẻ đến các bậc cha mẹ”.
Là người có nhiều kinh nghiệm trong ứng dụng công nghệ, cô Trần Thị Trúc Mai - Trường THCS Trần Quốc Toản, cũng vừa hoàn thành “bài giảng số”, môn giáo dục công dân. Nữ giáo viên này đã thiết kế bằng e-learning, trên nền LMS giúp cho giáo án sinh động hơn, người dạy càng có thêm động lực, đam mê còn người học cảm thấy phấn chấn và thú vị.