Ứng dụng công cụ mới để đưa hàng Việt đi xa
Trong bối cảnh khoa học - công nghệ, mạng xã hội ngày càng phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ, các hình thức kinh doanh, thương mại điện tử đã thay đổi nhiều so với trước.
Trong đó, xu thế bán hàng đa kênh, ứng dụng các công cụ, công nghệ bán hàng mới đang trở thành xu thế được nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước quan tâm để phát triển thị phần, tìm kiếm các “tệp” khách hàng mới, từ đó góp phần gia tăng doanh thu hiệu quả bằng các công cụ trực tuyến (online) hiện đại.
* Xu hướng shoppertainment
Một trong những công cụ bán hàng mới, ngày càng phổ biến trong thời gian gần đây đó là xu hướng shoppertainment. Đây là hình thức kết hợp kênh bán hàng với giải trí. Đối với người tiêu dùng, thông thường khi truy cập bất cứ website hay kênh thương mại điện tử nào, chỉ có thông tin, thiếu sự tương tác thì sẽ nhàm chán. Do đó, nếu kết hợp thêm các yếu tố giải trí như xem các thần tượng biểu diễn, xem live stream, đồng thời ngay lúc đó xuất hiện đường link mua sắm các sản phẩm họ đang mong muốn…, sẽ giúp khách hàng mua sắm thoải mái, thuận tiện và đa dạng hơn.
Tại Hội thảo Bán hàng với công cụ và công nghệ mới - Chinh phục các thị trường tỷ dân do Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức vào giữa tháng 3-2024, chuyên gia về thương mại mạng xã hội, live streamer Đặng Tiến Hoàng (ViruSs) chia sẻ, trong bối cảnh các nền tảng số, mạng xã hội ngày càng phát triển mạnh mẽ, các DN có thể lưu ý, học cách live stream bán hàng, bởi đây là phương thức rẻ và hiệu quả nhất. Để làm live stream bán hàng, các DN chỉ cần bỏ ra chi phí khoảng 40-50 triệu đồng cho tất cả các thiết bị, rẻ hơn rất nhiều so với đầu tư cửa hàng vật lý. Trong khi đó, khả năng tiếp cận khách hàng của live stream bán hàng so với tất cả các phương thức bán hàng truyền thống là mang lại hiệu quả cao. Đơn cử, theo các báo cáo cho thấy, một trang live stream TikTok thấp nhất cũng có thể tiếp cận được đến hơn 250 người.
Theo anh Đặng Tiến Hoàng, để tiết kiệm chi phí, tối ưu hóa lợi nhuận, DN có thể lựa chọn người kết nối bán hàng phù hợp trên nền tảng số. Bởi không cần phải thuê người nổi tiếng, quá đắt đỏ mà không hiệu quả. Chính các DN, chính nhân viên của DN đứng bán hàng mới hiệu quả, đó là cách marketing 0 đồng, nhưng mang hiệu quả hiện nay.
Theo Kế hoạch Phát triển thương mại điện tử Đồng Nai năm 2024, ngoài đào tạo, phát triển nguồn nhân lực về thương mại điện tử, dự kiến các sở, ngành liên quan sẽ hỗ trợ các đơn vị, DN trong tỉnh tham gia nhiều hoạt động về thương mại điện tử như: diễn đàn xuất nhập khẩu trực tuyến, tiếp thị trực tuyến; chuỗi hội thảo, tọa đàm, diễn đàn về thương mại điện tử, hệ thống công nghệ thông tin thương mại, giao dịch điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt…
Theo các chuyên gia, trên thực tế, nhiều DN trong nước vẫn còn e ngại về công nghệ, chậm tiếp cận các xu hướng, công cụ bán hàng mới. Điều này sẽ trở thành bất lợi lớn cho nhiều DN trong bối cảnh hội nhập và công nghệ phát triển như hiện nay. Nếu DN không đáp ứng được với các công nghệ mới, điển hình như công nghệ live stream bán hàng thì DN có thể sẽ bị đào thải trong thời đại hiện nay…
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit (Bình Dương) Nguyễn Lâm Viên bày tỏ, một số thị trường lớn, thị trường tỷ dân đang bùng nổ các shop trên các sàn thương mại điện tử, các nền tảng xã hội của các đơn vị lớn, nhỏ đủ loại. Do đó, các DN trong nước cần chủ động tìm hiểu, làm quen với cách thức vận hành, kinh doanh theo phương thức tương tự, phù hợp để không bị chậm chân, lạc hậu về công nghệ, các tiếp cận khách hàng mới.
Anh Đặng Tiến Hoàng chia sẻ thêm, trên thực tế, việc tiếp cận công nghệ là một phần, bên cạnh đó còn là cách thức DN ứng dụng các công cụ, công nghệ mới. DN cần chấp nhận việc hạ lợi nhuận để nâng tỷ lệ bán được nhiều hàng lên, từ đó nâng cao sức hút, sức cạnh tranh, phát huy hiệu quả hoạt động tiếp thị, bán hàng từ các kênh live stream trực tuyến…
* Tiêu dùng thời 4.0
Sự phát triển nhanh của công nghệ đã tác động lớn đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng; mở ra nhiều loại mua sắm, tiêu dùng, các hoạt động bán hàng, tiếp thị đa kênh, rút ngắn khoảng cách về địa lý giữa các địa phương trong khu vực.
Chị Minh Châu (ngụ phường Hóa An, thành phố Biên Hòa) cho biết: “Là người trẻ thuộc thế hệ Gen Z, tôi thường xuyên lựa chọn mua sắm thông qua các kênh trực tuyến, đặt hàng thông qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội. Điều này mang lại cho tôi nhiều tiện ích về mua sắm, cũng như có nhiều chương trình khuyến mãi để “săn sale”. Tôi nhận thấy, nhiều thương hiệu lớn, nhất là các nhãn hàng về thời trang, thực phẩm trong nước đang ngày càng quan tâm đến các kênh bán hàng đa kênh, trực tuyến để thu hút các khách hàng mới, trong đó có những người trẻ như tôi”.
Kết quả khảo sát của Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao công bố mới đây cho thấy, thói quen mua sắm online được duy trì và tiếp tục gia tăng. Hầu hết các sản phẩm đều mua bán online, trong đó các sản phẩm may thêu, mỹ phẩm, điện tử chiếm tới 30% khách mua.
Mặt khác, thời gian gần đây, các kênh bán hàng online đã thích ứng và khai thác tốt nhu cầu mua sắm kết hợp giải trí của người tiêu dùng. Xu hướng này sẽ tiếp tục “nở rộ” trong thời gian tới với sự đầu tư đa kênh, đa nội dung của những người bán hàng live stream.
Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đồng Nai Phạm Gia Hải chia sẻ, xu thế tiêu dùng số, thương mại điện tử đang ngày càng nở rộ và phát triển nhanh chóng. Bên cạnh việc các DN, thương hiệu tập trung phát triển các kênh quảng bá, bán hàng trực tuyến, đa kênh thì việc đảm bảo thông tin minh bạch, tiêu dùng an toàn trên các nền tảng số cũng là một vấn đề cần quan tâm, lưu ý để góp phần giữ chữ tín, thương hiệu cho DN. Đồng thời, giúp người tiêu dùng có thêm các kênh mua sắm tiện ích, an toàn…