Ứng dụng công nghệ 3d để phát triển du lịch

TP.HCM đang nỗ lực tăng cường trải nghiệm cho khách du lịch bằng việc ứng dụng công nghệ 3D trong thông tin, quảng bá...

Trong khuôn khổ chuỗi ngày hội chuyển đổi số du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL, chiều 11-7, tại Cần Thơ đã diễn ra diễn đàn “Chuyển đổi số du lịch - động lực phát triển bền vững”.

Ngành du lịch truyền thống không thể đứng ngoài

Thông tin tại diễn đàn cho biết trong thời gian qua, TP.HCM đã đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động du lịch. Sở Du lịch TP.HCM dẫn chứng về công tác quản lý nhà nước, TP thực hiện hệ thống lắng nghe mạng xã hội nắm bắt xu hướng, hành vi của du khách để có sự điều chỉnh phù hợp. Về quảng bá du lịch, TP làm mới app du lịch, sản xuất các ấn phẩm du lịch bằng giấy và điện tử.

Bên cạnh đó, TP tăng cường trải nghiệm cho khách du lịch bằng việc ứng dụng công nghệ 3D trong thông tin, quảng bá du lịch. Đặc biệt TP ứng dụng công nghệ cao quét 3D tái hiện không gian một phần TP.HCM từ trên cao và bản đồ tương tác thông minh 3D/360 TP.HCM và đã đem lại hiệu quả cao.

Chia sẻ tại diễn đàn, TS Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số, đánh giá: Trong cuộc cách mạng kỹ thuật số, ngành du lịch cũng đã thay đổi một cách căn bản, toàn diện. Ví dụ thay đổi cách tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ du lịch từ trực tiếp chuyển sang thông qua các sàn giao dịch điện tử, mạng xã hội cũng như các giao dịch trực tuyến và đang tiến đến giao dịch số; thay đổi cách cung cấp các sản phẩm du lịch và cách tích hợp sản phẩm du lịch với các ngành nghề kinh tế, dịch vụ của địa phương.

“Trong bối cảnh trên, ngành du lịch truyền thống không thể đứng ngoài, không thể không chịu tác động và không thể không chuyển đổi số để thích ứng với thực tế. Đồng thời để gia tăng trải nghiệm khách hàng bằng cách ứng dụng công nghệ số và dữ liệu số vào các hoạt động, các sản phẩm và dịch vụ du lịch cần phải tích hợp ba yếu tố: Vật chất, con người và trải nghiệm” - TS Giang nhấn mạnh.

Ông Hà Vĩnh Duy, người sáng lập mạng lưới CTO Vietnam Network, cũng cho rằng để hoạt động chuyển đổi số tạo sự tăng trưởng, “cất cánh” cho du lịch thì các tỉnh cần thiết kế nền tảng kết nối với khách hàng; thiết kế mạng lưới đối tác phục vụ và làm tăng giá trị khách hàng; sáng tạo sản phẩm du lịch mới, tối ưu trải nghiệm cho khách du lịch thông qua nền tảng số.

Hoàn thiện cơ sở dữ liệu du lịch TP.HCM và 13 tỉnh ĐBSCL

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, nhìn nhận rằng du lịch thông minh là xu thế tất yếu của sự phát triển ngành du lịch xuyên biên giới. “Dữ liệu dùng chung là yếu tố cần và tiên quyết, trong đó bao gồm các ứng dụng của công nghệ, trí tuệ nhân tạo…” - bà Hiếu nhấn mạnh.

Để tiến tới phát triển du lịch thông minh cũng như tăng cường chuyển đổi số trong du lịch, phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM đề xuất bốn giải pháp. Thứ nhất, hoàn thiện cơ sở dữ liệu du lịch TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL để phục vụ công tác điều hành, quản lý nhà nước và quảng bá du lịch.

Thứ hai, các tỉnh cần đẩy nhanh đề án xây dựng trung tâm điều hành du lịch thông minh. Thứ ba, nâng cao năng lực đội ngũ nguồn nhân lực làm công tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số trong du lịch. Cuối cùng là tiếp tục thực hiện các hoạt động trải nghiệm cho du khách như hệ thống chatbot hỗ trợ thông tin du lịch, hệ thống booth tra cứu thông tin du lịch…

Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho hay riêng đối với chuyển đổi số trong ngành du lịch, TP đã triển khai cổng thông tin du lịch thông minh và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động.

“Công tác quản lý hoạt động du lịch, kết nối người dân, du khách và doanh nghiệp tương tác, chia sẻ dữ liệu đạt hiệu quả. Cụ thể TP đã thu hút hơn 8 triệu lượt khách truy cập, tương tác” – ông Hiện thông tin.

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, đánh giá du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, phát triển du lịch kéo theo sự phát triển của nhiều ngành khác. Vì vậy, chúng ta cần chiến lược tốt, và đầu tư hiệu quả cho ngành du lịch thì sẽ sớm kéo theo ngành nghề khác cùng phát triển.

Ông Đức nhấn mạnh: “Nếu chúng ta không thật sự quan tâm đẩy mạnh chuyển đổi số chắc chắn chúng ta sẽ tụt hậu và ở lại phía sau. Nhưng nhìn khía cạnh khác cần sự đầu tư thông minh, vì nếu ứng dụng chuyển đổi số một cách mù quáng sẽ là đầu tư lãng phí… Cần biết chọn đúng, dùng đúng công nghệ và sử dụng đúng nơi đúng lúc mới mang lại kết quả thiết thực, chi phí hợp lý giúp ngành du lịch cất cánh”.•

Cần xây dựng mô hình du lịch thông minh

Dù TP.HCM có nhiều lợi thế về tài nguyên du lịch như sông nước, văn hóa… tuy nhiên trong quá trình phát triển TP chưa đủ tạo nên bức tranh du lịch chung ở phía Nam. Vì vậy, việc liên kết chuyển đổi số giữa TP.HCM và các tỉnh là thật sự cần thiết. Khi tốc độ kết nối nhanh chúng ta sẽ có ngay mạng lưới khách du lịch từ hai chiều.

Ngoài ra, để phát triển du lịch thông minh mà chỉ tập trung vào yếu tố công nghệ thông tin là chưa đủ. Vì vậy, chúng ta cần phát triển nhiều vấn đề liên quan như chính quyền thông minh, doanh nghiệp thông minh, khách du lịch thông minh, người dân thông minh… từ đó tạo thành hệ sinh thái thông minh. Cần xây dựng mô hình hệ sinh thái thông minh thúc đẩy du lịch của TP và các tỉnh, trong đó phát triển công nghệ du lịch thông minh là nền tảng.

ThS HOÀNG NGỌC HIỂN, Phó Trưởng khoa Du lịch ĐH Văn Lang

THU TRINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/ung-dung-cong-nghe-3d-de-phat-trien-du-lich-post741851.html