Ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu

Thời gian qua, biến đổi khí hậu (BĐKH) đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp. Dự báo BĐKH sẽ diễn ra ngày càng nhanh, phức tạp, khó lường. Do đó, phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC), đầu tư máy móc, thiết bị vào sản xuất góp phần cải thiện sản xuất, thích ứng tốt hơn với BĐKH đặc biệt quan trọng.

Triển lãm công nghệ nông nghiệp năm 2025 vừa diễn ra vào tháng 3 tại Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu nhiều công nghệ, máy móc nông nghiệp hiện đại nhất hiện nay. Ảnh:B.Nguyên

Triển lãm công nghệ nông nghiệp năm 2025 vừa diễn ra vào tháng 3 tại Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu nhiều công nghệ, máy móc nông nghiệp hiện đại nhất hiện nay. Ảnh:B.Nguyên

Vài năm trở lại đây, nông dân Đồng Nai ngày càng chú trọng ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp giúp tiết kiệm tài nguyên nước, chi phí sản xuất.

Nhiều giải pháp canh tác mới

BĐKH là nguyên nhân khiến nhiều vùng đất dần bị khô hạn, sa mạc hóa; sự thay đổi mùa khô, mùa mưa khó dự đoán hơn cho người nông dân trong trồng trọt. Theo đó, nông dân trên địa bàn tỉnh đầu tư vốn lớn đưa công nghệ ra đồng phục vụ sản xuất.

Tổ trưởng Tổ hợp tác Sầu riêng Chính Đức (ở xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ) Trần Văn Đức chia sẻ, tổ hợp tác là đơn vị tiên phong tại địa phương đầu tư thiết bị máy bay không người lái trong phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân trong chăm sóc cây trồng. Ngoài phục vụ cho các tổ viên, tổ hợp tác còn tổ chức làm dịch vụ phun thuốc, bón phân cho các nhà vườn tại địa phương, góp phần nhân rộng hiệu quả ứng dụng CNC vào sản xuất. So với cách làm truyền thống, sử dụng thiết bị máy bay không người lái giúp tiết kiệm lượng phân, thuốc đến công lao động. Đặc biệt, giải pháp này đảm bảo tính kịp thời trong xử lý sâu bệnh trên cây trồng, giúp phòng bệnh hiệu quả.

Đến nay, toàn tỉnh có 149 hécta diện tích cây trồng ứng dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới; bước đầu ứng dụng công nghệ internet vạn vật (IoT), thực hiện giám sát và điều khiển các thông số tiểu khí hậu trồng trọt như: nhiệt độ, độ ẩm tương đối của không khí, ánh sáng, dinh dưỡng từ xa bằng điện thoại thông minh hay máy tính.

Ngày nay, canh tác nông nghiệp truyền thống dựa trên đất ngày càng đối mặt với nhiều thách thức. Ứng dụng CNC vào sản xuất, nông dân có thêm nhiều giải pháp canh tác như: trồng cây trên giá thể, trồng cây thủy canh…

Ông Võ Văn Tâm, nông dân ở xã An Phước (huyện Long Thành) đi tiên phong tại địa phương đầu tư hàng ngàn m2 nhà màng trồng dưa lưới. Ông ứng dụng nhiều kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, từ khâu giống mới, trồng cây trên giá thể đến đầu tư hệ thống lọc nước với giải pháp tưới tiết kiệm thông minh… Ông Tâm so sánh, trồng cây trên giá thể trong nhà màng mang lại nhiều lợi ích như: cây nảy mầm đồng đều, giảm nguy cơ sâu bệnh, kiểm soát được chính xác lượng nước, lượng chất dinh dưỡng, giúp tiết kiệm chi phí đầu tư, cây trồng lại cho năng suất cao nhất.

Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Nông nghiệp thương mại dịch vụ Vĩnh Tâm (ở xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu) Đặng Văn Phi cho rằng, hiện có nhiều giải pháp làm nông nghiệp đô thị với diện tích nhỏ nhưng mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Hợp tác xã đầu tư nhà màng trồng rau thủy canh, mọi khâu sản xuất đều được tự động hóa giúp nông dân đo lường và kiểm soát, tối ưu hóa gần như tất cả các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng như: nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, dinh dưỡng. Đồng thời, hệ thống thủy canh giúp tăng vụ nhờ rút ngắn thời gian canh tác, năng suất cây trồng cao hơn, lại tiết kiệm được công lao động. Sản phẩm rau thủy canh đang bán vào các cửa hàng thực phẩm an toàn với giá cao hơn so với mặt bằng chung ngoài thị trường.

Đưa công nghệ ra đồng

Thời gian qua, ngành nông nghiệp của Đồng Nai rất chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp (DN), nông dân ứng dụng CNC vào sản xuất. Đến nay, toàn tỉnh có gần 60 ngàn hécta cây trồng ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, tăng hàng ngàn hécta so với cùng kỳ năm ngoái. Mô hình nông nghiệp CNC cũng được nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 419 mô hình nông nghiệp CNC, 8 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Toàn tỉnh cũng đã thu hút được 328 DN ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp.

Các DN, nông dân Đồng Nai có nhiều lợi thế để đi đầu trong ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp. Công ty TNHH Trang Trại Việt tại xã Xuân Trường (huyện Xuân Lộc) là DN đi tiên phong trên địa bàn tỉnh ứng dụng CNC vào sản xuất khi đầu tư cả chục hécta nhà màng trồng dưa lưới và nhiều loại rau, trái khác. Trang trại đầu tư từ khâu giống sạch, đất sạch, nước sạch và môi trường sạch. Cây được trồng trên giá thể cát, phân hữu cơ vi sinh. Điều ấn tượng, DN này không “bê nguyên” công nghệ từ nước ngoài về sử dụng, mà có nhiều cải tiến, thậm chí tự chế tạo những thiết bị, máy móc trong nhà màng như: tự thiết kế robot được lập trình tự động trong việc tưới nước cho cây trồng; ứng dụng năng lượng mặt trời để vận hành hệ thống làm mát trong nhà màng để có chi phí sản xuất rẻ nhất…

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và môi trường Trần Thanh Nam, ngành nông nghiệp Việt Nam đang chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình kinh tế nông nghiệp, ứng dụng CNC để gia tăng giá trị và phát triển bền vững. Mới đây, Triển lãm Công nghệ nông nghiệp năm 2025 được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm kết nối nhà sản xuất, phân phối với nông dân, thúc đẩy cơ giới hóa và phát triển nông nghiệp bền vững. Qua đó, giúp DN và nông dân nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của ứng dụng CNC trong sản xuất để tăng năng suất, gia tăng giá trị; thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202504/ung-dung-cong-nghe-cao-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau-1a60f26/