Ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản
Vùng Đồng bằng sông Hồng với địa hình tự nhiên đa dạng, đối tượng nuôi phong phú nên có nhiều tiềm năng để phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt, mặn, lợ.

Quy trình nuôi tôm 3 giai đoạn của Công ty cổ phần Thủy sản Tân An, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.
Những năm qua, nhiều địa phương trong vùng đã đẩy mạnh nuôi thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và nâng cao thu nhập cho người nuôi.
Tuy nhiên, nghề nuôi trồng thủy sản ở khu vực này cũng gặp những khó khăn do giá vật tư, nguyên liệu đầu vào liên tục tăng trong những năm qua; vấn đề về môi trường trong nuôi trồng chưa được xử lý tốt, dịch bệnh gây thiệt hại cho người nuôi.
Gia tăng giá trị
Theo Cục Thủy sản và Kiểm ngư, tính đến hết năm 2024, diện tích nuôi trồng thủy sản vùng Đồng bằng sông Hồng là 114.868ha và 946.916m3 lồng bè, sản lượng 823.871 tấn.
Trong đó, nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ với 20.531ha và 45.000m3 lồng bè, tập trung ở các địa phương: Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình; nuôi cá nước ngọt với diện tích 94.336ha và 901.916m3 lồng bè.
Tính đến hết năm 2024, diện tích nuôi trồng thủy sản vùng Đồng bằng sông Hồng là 114.868ha và 946.916m3 lồng bè, sản lượng 823.871 tấn.
Các đối tượng nuôi trồng khá đa dạng như: Ngao, hàu, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá song, chẽm, giò, chép lai, trắm đen, lăng... Hiện nay, toàn vùng có 493 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản cung ứng ra thị trường.
Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và tăng thu nhập cho người nuôi, thời gian qua, nghề nuôi trồng thủy sản ở Đồng bằng sông Hồng đang được đẩy mạnh theo hướng thâm canh, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Trưởng phòng Khuyến ngư và Ngành nghề nông thôn (Trung tâm Khuyến nông quốc gia) Đặng Xuân Trường cho biết, từ năm 2020 đến nay, sau 5 năm triển khai chương trình khuyến nông giai đoạn 1, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã triển khai 10 mô hình phát triển thủy sản nước ngọt ở khu vực Đồng bằng sông Hồng, tập trung chủ yếu vào các đối tượng có giá trị kinh tế cao như: Lăng chấm, lăng nha, bỗng, nheo Mỹ…
Với việc ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng, chế độ dinh dưỡng phù hợp, con giống bảo đảm chất lượng giúp tăng năng suất nuôi ao lên từ 20 đến 30 tấn/ha, lợi nhuận đạt được từ 200 đến 300 triệu đồng/ha; áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật đối với nuôi lồng bè, đã đưa năng suất lên 10 đến 15 tấn/lồng bè (diện tích 100 đến 200m3 lồng), lợi nhuận từ 50 đến 70 triệu đồng.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hải Dương Đỗ Tiến Dũng, hiện nay, tỉnh Hải Dương có diện tích nuôi trồng thủy sản trong ao, hồ hơn 12.500ha với sản lượng hằng năm đạt hơn 110.000 tấn.
Nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn hiện nay cơ bản được ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nhiều cơ sở nuôi lắp đặt hệ thống chăm sóc, theo dõi tự động, truy suất nguồn gốc qua mã QR… Vì vậy đã nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế cho nhân dân.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Xuyên Việt Lê Văn Việt chia sẻ, hiện nay công ty liên kết chính thức với 52 hộ dân, diện tích nuôi gần 200ha (chủ yếu là nuôi cá rô phi), mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng 10.000 tấn.
Từ năm 2014, công ty đã đưa nhiều công nghệ mới vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng thủy sản như: Áp dụng mô hình nuôi cá “sông trong ao”, tăng cường ô-xi trong ao nổi; sử dụng chế phẩm sinh học vào quy trình nuôi; nuôi cá theo mùa nhằm giúp đối tượng thích ứng với thời tiết, môi trường ở miền bắc.
Điều đáng nói là các hộ thành viên luôn được tiếp cận với các công nghệ nuôi mới do công ty chuyển giao và được bao tiêu sản phẩm, do đó năng suất cá luôn đạt cao với 200 tấn/ha, thu nhập bình quân đạt 4 tỷ đồng/ha.
Tiềm năng phát triển lớn
Qua thống kê, tiềm năng có thể phát triển nuôi trồng thủy sản ở Đồng bằng sông Hồng còn rất lớn với khoảng 163.237ha. Ngoài ra, ở khu vực này còn có hàng trăm nghìn ha diện tích mặt nước từ các sông, hồ chứa có thể nuôi cá lồng bè, nuôi cá hồ chứa.
Tuy nhiên, nghề nuôi trồng thủy sản vẫn còn nhiều khó khăn do giá vật tư, nguyên liệu đầu vào liên tục tăng thời gian gần đây; môi trường nuôi chưa được xử lý tốt, dịch bệnh xảy ra nhiều gây tổn thất cho người nuôi.
Giám đốc Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền bắc Võ Văn Bình cho rằng, hiện nay biến đổi khí hậu gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản.
Nhiều cơ sở sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ, manh mún, thiếu sự liên kết và đầu tư đồng bộ, dẫn đến hiệu quả sản xuất chưa cao; thiếu quy hoạch và đầu tư vào các vùng sản xuất giống tập trung; tình trạng lai tạp, thoái hóa giống còn phổ biến; hệ thống theo dõi, quản lý chất lượng giống còn mang tính thủ công, thiếu dữ liệu số hóa, gây khó khăn trong việc kiểm soát nguồn gốc, chất lượng và truy xuất sản phẩm.
Trao đổi về vấn đề này, Chi cục trưởng Chăn nuôi, thú y và thủy sản Bắc Ninh Nguyễn Hữu Thọ cho biết, toàn tỉnh hiện nay có diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 4.600ha và hơn 2.700 lồng nuôi cá với sản lượng khoảng 41.000 tấn.
Đến nay, trên địa bàn đã hình thành 72 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung có diện tích 1.305ha, bước đầu tạo điều kiện thuận lợi đưa các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, từ đó giúp năng suất, chất lượng sản phẩm tăng lên rõ rệt. Đặc biệt, nuôi cá siêu thâm canh trong lồng tại sông Đuống, sông Thái Bình bước đầu thu được kết quả tốt với năng suất đạt 4 đến 6 tấn/lồng (diện tích 108 m3) mang lại giá trị kinh tế cao.
Mặc dù các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung đã được hình thành nhưng một số nơi cơ sở hạ tầng như: Hệ thống cấp, thoát nước, giao thông, đường điện chưa bảo đảm để nuôi thâm canh, nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh; ô nhiễm nguồn nước đã hạn chế đến việc mở rộng diện tích nuôi cá thâm canh với mật độ cao.
Năm 2025, các địa phương trong vùng phấn đấu đạt diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 115.000ha, tăng 132ha và 948.000m3 lồng bè, tăng 1.084m3 so với năm 2024 với sản lượng nuôi trồng đạt 850.000 tấn.
Để phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững; gắn nuôi trồng thủy sản với bảo vệ môi trường.
Đồng thời, đẩy mạnh sản xuất, quản lý sản xuất từ nuôi trồng, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản… tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm trên thị trường.
Bên cạnh đó, cần khuyến khích phát triển các chương trình, mô hình nuôi trồng thủy sản có áp dụng công nghệ cao, khoa học-kỹ thuật mới, tiên tiến trong sản xuất; nhân rộng các mô hình nuôi trồng hữu cơ, sinh thái, áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt để nâng cao giá trị và phát triển bền vững; tập huấn cho người nuôi về sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm chất lượng trước khi cung ứng ra thị trường; khuyến khích thu hút doanh nghiệp đầu tư để hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, liên kết chuỗi từ cung cấp vật tư đầu vào đến bao tiêu sản phẩm…
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ung-dung-cong-nghe-cao-trong-nuoi-trong-thuy-san-post881978.html