Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất

Xác định ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân, ngày 29/4/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Thanh Thủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 09-NQ/HU về phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (NQ 09). Từ đó, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hàng hóa cho hiệu quả kinh tế cao.

Đưa công nghệ vào sản xuất, đóng gói, hoàn thiện sản phẩm Trà đinh lăng túi lọc của Công ty TNHH Maika Food (xã Xuân Lộc) góp phần tăng chất lượng, giá trị sản phẩm.

Đưa công nghệ vào sản xuất, đóng gói, hoàn thiện sản phẩm Trà đinh lăng túi lọc của Công ty TNHH Maika Food (xã Xuân Lộc) góp phần tăng chất lượng, giá trị sản phẩm.

Với phương châm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, tài nguyên đất đai, thổ nhưỡng, đảm bảo đồng bộ, thống nhất, gắn phát triển nông nghiệp với du lịch, dịch vụ và xây dựng nông thôn mới, Thanh Thủy đã có nhiều chủ trương, chính sách từng bước ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nhằm phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, có khả năng cạnh tranh cao.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện đã đa dạng hóa hình thức tuyên truyền NQ 09 tới toàn thể cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong huyện về chính sách phát triển nông nghiệp, chú trọng chuyển dịch cơ cấu giống, mùa vụ hợp lý; khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất, quy hoạch vùng tập trung, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đem lại thu nhập cao, hướng đến nền nông nghiệp sạch, bền vững.

Đồng thời, vận động các chủ thể OCOP tham gia các hoạt động liên kết, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm; kết nối tiêu thụ, trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP tại các thị trường tiềm năng kết hợp xây dựng các tour, tuyến du lịch, hoạt động lễ hội...

Cùng với tích cực tuyên truyền thay đổi tư duy của người sản xuất, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở, tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân để thích ứng, tiếp cận nhanh với những mô hình mới, huyện tập trung chỉ đạo các địa phương tích cực phối hợp tổ chức rà soát các sản phẩm nông nghiệp chủ lực để lựa chọn, đăng ký triển khai hỗ trợ theo chính sách của tỉnh, huyện; khuyến khích các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký thực hiện các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là nông nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa.

Tập trung xây dựng các mô hình trình diễn, hướng dẫn, chuyển giao công nghệ, tiến bộ kỹ thuật sản xuất, kỹ thuật canh tác tiên tiến, công nghệ sinh học gắn với bảo quản và chế biến sản phẩm. Ưu tiên các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô hàng hóa theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao sức cạnh trạnh của sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nền sản xuất hàng hóa trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Hiện nay, huyện đã xây dựng được một số mô hình cho hiệu quả kinh tế cao như: Liên kết chăn nuôi ong mật an toàn sinh học do HTX nuôi ong Thanh Thủy thực hiện có quy mô 4.000 đàn ong; liên kết chăn nuôi, tiêu thụ lợn thịt an toàn sinh học tại xã Đồng Trung do Công ty CP thực phẩm hữu cơ NTEA chủ trì liên kết với quy mô 6.800 con/năm.

UBND huyện cũng đã triển khai các mô hình như sản xuất lúa ST25 theo hướng hàng hóa chất lượng cao tại các xã: Đồng Trung, Đoan Hạ, Tân Phương, Xuân Lộc, Đào Xá; mô hình lúa chất lượng cao Thụy Hương 308 với diện tích trên 108ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, được cấp mã số vùng trồng tại các xã: Tu Vũ, Bảo Yên, Xuân Lộc; mô hình thâm canh cây chà là...

Ở cấp xã đã triển khai được 3 mô hình: Tại xã Đồng Trung đã xây dựng 2 mô hình sản xuất nấm, mộc nhĩ ứng dụng công nghệ cao theo hướng hàng hóa và mô hình nuôi cấy đông trùng hạ thảo theo quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phục vụ nhu cầu du lịch, dịch vụ. Tại xã Xuân Lộc xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến các sản phẩm trà.

Trên cơ sở các trang trại hiện có, UBND huyện đã giao Phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức rà soát các dự án, mô hình sản xuất nông nghiệp, các trang trại để xây dựng trang trại tổng hợp sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị gắn với du lịch trải nghiệm tại xã Đồng Trung.

Việc xây dựng và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp thời gian qua ở Thanh Thủy đã tạo hiệu ứng tốt, làm đòn bẩy để phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha đất canh tác và nuôi trồng thủy sản của huyện đạt 135 triệu đồng/ha/năm.

Phương Thảo

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/ung-dung-cong-nghe-cao-trong-san-xuat-217058.htm