Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

Là vùng chuyên canh rau màu của huyện Châu Thành (An Giang), bên cạnh việc được hỗ trợ, nông dân xã Bình Thạnh mạnh dạn đầu tư, ứng dụng nhiều công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp, bước đầu đem lại kết quả khả quan. Qua đó, mở thêm nhiều triển vọng cho bà con nơi đây, cũng như phục vụ tốt cho công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Cuối năm 2019, mô hình trồng dưa lưới bán thủy canh trong nhà màng, ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt được triển khai thực hiện ở ấp Thạnh Hưng (xã Bình Thạnh, Châu Thành). Nguồn kinh phí cho mô hình từ sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với số tiền 195 triệu đồng và nông dân đối ứng thêm kinh phí để thực hiện.

Trong quá trình canh tác, nông dân xã Bình Thạnh được cán bộ kỹ thuật của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh giới thiệu về giống dưa lưới bán thủy canh thông qua các buổi hội thảo, cụ thể như: cách thiết kế nhà màng, quy trình thực hiện mô hình cũng như kỹ thuật xuống giống, canh tác, quy trình tưới nhỏ giọt, các ưu điểm khi tưới nhỏ giọt...

Với sự hướng dẫn trực tiếp của kỹ sư Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, anh Huỳnh Tấn Danh (ấp Thạnh Hưng) đã tham gia thực hiện mô hình với diện tích 500m2.

Mô hình trồng dưa lưới bán thủy canh ở xã Bình Thạnh

Theo anh Danh, đợt đầu được thực hiện từ tháng 12-2019 với giống dưa lưới Taki do có độ Brix cao, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Đồng thời, đây là giống dưa có khả năng kháng sâu bệnh tốt nên được các kỹ sư khuyến khích trồng và đã cho thu hoạch. Hiện nay, anh Danh tiếp tục xuống giống đợt 2 và đang phát triển tốt với mật độ khoảng 1.200 cây/500m2.

“Được các kỹ sư nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật canh tác nên cây dưa lưới phát triển tốt, đạt năng suất và chất lượng sản phẩm. Sau khi trừ chi phí, như: giống, phân bón, khấu hao nhà lưới... lợi nhuận thu được trên 17 triệu đồng chỉ với 500m2 diện tích đất canh tác, đây là tín hiệu rất khả quan. Nhận thấy được hiệu quả nên thu hoạch xong tôi cho xuống giống tiếp đợt thứ 2, nhiều nông dân ở địa phương mong muốn được hỗ trợ thực hiện” - anh Danh cho hay.

Bên cạnh đó, khi kết hợp bón phân thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt sẽ giúp giảm lượng phân được rửa trôi và bốc hơi, góp phần giảm chi phí phân bón cho cây dưa lưới, ngoài ra còn tạo được sản phẩm an toàn, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.

Với kinh nghiệm canh tác rau màu lâu năm, ông Đỗ Phương Thanh (ấp Thạnh Hòa) được hỗ trợ nhà lưới với mô hình trồng dưa leo baby, kết hợp hệ thống tưới nhỏ giọt trên 1.000m2. Được triển khai thực hiện từ cuối năm 2019, đến nay, mô hình đã thu hoạch được gần nửa tháng, khoảng 15kg/ngày, bán với giá 30.000-40.000 đồng/kg.

Theo ông Thanh, do đây là mô hình sản xuất mới nên các kỹ sư tận tình hướng dẫn kỹ thuật: từ làm đất, bao màng phủ, chọn giống, xuống giống đến cách cung cấp dinh dưỡng qua hệ thống tưới nhỏ giọt...

Thời gian đầu chưa sử dụng ngay hệ thống nhỏ giọt mà sử dụng hệ thống tưới phun, sau đó đợi cây dưa leo lớn, lúc này hệ thống tưới nhỏ giọt sẽ phát huy tác dụng. Bên cạnh đó, loại dưa leo baby cũng được đánh giá là dễ trồng, cho trái sai.

Mô hình trồng dưa leo baby kết hợp hệ thống tưới nhỏ giọt giúp tiết kiệm nước

“Hầu như mỗi mắc mỗi trái. Tuy nhiên, nông dân cần lưu ý là loại dưa này thích hợp với thời tiết mát mẻ (khoảng tháng 10 (âm lịch) đến Tết Nguyên đán), dây bò dài trái nhiều hơn. Nếu trồng trong thời tiết nắng nhiều, gay gắt thì trong quá trình sinh trưởng dưa leo baby dễ bị nhiễm bệnh hơn. Đây là đặc điểm chung của cây dưa leo, không riêng giống dưa leo baby” - ông Thanh chia sẻ.

Với diện tích nhà màng được hỗ trợ, một phần canh tác giống dưa leo baby (500m2), phần còn lại được ông Thanh trồng nhiều loại rau ăn lá, như: mồng tơi, rau muống, cải... hiệu quả hơn nhiều so với trồng ngoài ruộng. Theo ông Thanh, khi trồng trong nhà lưới, các loại rau ăn lá ít bị các loại sâu bệnh tấn công... nên lúc thu hoạch rau tốt, màu đẹp, bán được giá cao hơn.

Hiện nay, nông dân xã Bình Thạnh còn được hỗ trợ nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: mô hình nhà lưới giá rẻ, mô hình trồng rau màu ứng dụng hệ thống tưới phun bằng năng lượng mặt trời... Tất cả đều nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm nông nghiệp.

ÁNH NGUYÊN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/ung-dung-cong-nghe-cao-trong-san-xuat-nong-nghiep-a268731.html