Ứng dụng công nghệ hiện đại trong nghệ thuật biểu diễn: Có bột thì sẽ gột nên hồ
Ứng dụng công nghệ hiện đại vào nghệ thuật biểu diễn mang lại nhiều lợi ích cho cả nghệ sĩ, khán giả, nhà sản xuất chương trình. Đây cũng là xu hướng tất yếu trong phát triển nghệ thuật biểu diễn.
Việt Nam đang dần hòa vào dòng chảy chung với nhiều chương trình được đầu tư lớn về công nghệ, hướng tới cả khán giả đại chúng và khán giả có những đòi hỏi khắt khe hơn về mặt nghệ thuật. Nhiều chương trình tưởng chừng chỉ là mơ ước của người làm nghệ thuật, khán giả thì nay đã có thể tìm xem ở ngay trong nước.

Châu Âu thế kỷ 19 được tái hiện sống động trên sân khấu Nhà hát Hồ Gươm.
Tọa lạc giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội, sau 2 năm khánh thành, Nhà hát Hồ Gươm đã trở thành điểm hẹn của người yêu nghệ thuật hàn lâm với hàng trăm chương trình biểu diễn đẳng cấp quốc tế được tổ chức thành công. Cùng với những dấu ấn về thiết kế kiến trúc, sự sang trọng, ứng dụng công nghệ âm thanh hiện đại hàng đầu thế giới giúp nhà hát khẳng định đẳng cấp, chinh phục những nghệ sĩ và khán giả khắt khe nhất. Nhưng có lẽ không nhiều người biết, có những chương trình tại đây đã được đầu tư thêm và đầu tư lớn hơn rất nhiều.
Nổi bật và mới nhất phải kể đến là sự kiện Nhà hát Hoàng gia Versailles và Trung tâm âm nhạc Lãng mạn Pháp Palazzetto Bru Zane, Nhà hát Rouen Normandie phối hợp đưa vở opera kinh điển “Carmen” đến biểu diễn. Dàn dựng theo tinh thần của Carmen trong lần công diễn đầu tiên cách đây 150 năm, chương trình đã mang đến những trải nghiệm thú vị, trọn vẹn nhất cho khán giả về văn hóa, nghệ thuật đậm chất cổ điển phương Tây, thế kỷ XIX.

Các nghệ sĩ Pháp đưa vở opera kinh điển “Carmen” đến Việt Nam.
Làm nên thành công này, cùng với những nỗ lực lao động sáng tạo nghệ thuật của nghệ sĩ không thể không kể đến cơ sở vật chất hiện đại của điểm biểu diễn cùng khá nhiều điều kiện đặc biệt. Như tiết lộ của Ban tổ chức là để phục vụ cho chương trình, gần 10 ngày trước đó, 3 container 40 feet, với gần 70 tấn thiết bị, cảnh trí, đạo cụ, phục trang đã được các các đơn vị sản xuất đưa từ Pháp đến Nhà hát Hồ Gươm. Rất nhiều cảnh trí, đạo cụ, phục trang trong số đó được phục dựng từ những mẫu vải gốc của thế kỷ trước, hoặc tái tạo thủ công dựa trên chất liệu và họa tiết đã thất truyền, được chính ê kíp Pháp tuyển lựa và vận chuyển nguyên kiện về Việt Nam, với tinh thần bảo tồn trọn vẹn giá trị nguyên bản của vở opera kinh điển.
Nếu điểm tên các chương trình đình đám, hướng tới số đông khán giả, ngay cả các nhà quản lý, nhà nghiên cứu về nghệ thuật biểu diễn nói chung, công nghiệp văn hóa nói riêng cũng đều khó thể bỏ qua 2 cái tên - các concert “Anh trai Say Hi” và “Anh trai vượt ngàn chông gai”. Được đánh giá cao về tính giải trí và ứng dụng công nghệ, đây cũng là những chương trình lập nên nhiều kỷ lục, có thể khiến hàng vạn khán giả “vượt nắng, thắng mưa” để “đu idol”, xem, hát theo và hò hét cổ vũ các thần tượng trong suốt nhiều giờ, hỉ hả và thậm chí mệt nhoài ra về sau quá nửa đêm. Làm nên thành công ngày, không khó để nhận thấy dấu ấn của công nghệ hiện đại trên sân khấu đẳng cấp tạo nên những khoảnh khắc đặc biệt rực rỡ, mãn nhãn và phấn khích cho biển người xem.
Ngay cả với những “lãnh địa” tưởng chừng như khó bắt nhịp với xu hướng như các sân khấu biểu diễn nghệ thuật truyền thống hay múa, xiếc… cũng đang dần chuyển mình theo xu hướng này. Theo NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, trong quá trình hội nhập sâu rộng của đất nước, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật và giải trí của con người ngày càng cao, luôn thay đổi theo xu hướng phát triển của công nghệ. Nghệ thuật xiếc hiện đại không thể là ngoại lệ.

Biển người tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình trong concert “Anh trai Say Hi”.
Ngoài trình độ kỹ thuật của nghệ sĩ, âm thanh và ánh sáng đóng vai trò quan trọng trong nghệ thuật xiếc, góp phần nâng cao trải nghiệm cho khán giả, có thể tạo ra ấn tượng mạnh mẽ, khiến người xem nhớ mãi về buổi biểu diễn. Công nghệ đang được nhiều đoàn xiếc sử dụng nhằm đưa ra những sản phẩm mới có tính đương đại, đáp ứng thị hiếu khán giả tốt hơn. Nếu một tiết mục xiếc truyền thống luôn diễn lại động tác, kỹ thuật diễn, bài diễn trong các buổi diễn thì khán giả sẽ thấy nhàm chán. Nhưng nếu áp dụng công nghệ, được hỗ trợ về âm thanh, ánh sáng, thiết kế sân khấu, công nghệ trình chiếu, nghệ sĩ biểu diễn có dịp tương tác, sáng tạo nhiều hơn từ những kỹ thuật đã có thì sẽ tạo thành sản phẩm mới, có tính giải trí cao cho khán giả ngày nay.
Cũng theo NSND Tống Toàn Thắng, hiện nay, hầu hết các nước phát triển trên thế giới họ đã ứng dụng công nghệ vào nghệ thuật biểu diễn nói chung và nghệ thuật xiếc nói riêng. Có thể kể đến như Du Solei của Canada, Han Show của Trung Quốc, Xiếc Hoàng gia của Nga...
Các chương trình xiếc được đầu tư dàn dựng như những vở diễn sân khấu, có nội dung cốt truyện, nhân vật, tính kịch, yếu tố kỹ thuật xiếc vẫn được duy trì với trình độ kỹ thuật cao. Họ sử dụng công nghệ tự động, lập trình cho sân khấu biểu diễn theo kịch bản, công nghệ ánh sáng hiện đại, đem lại hiệu quả hơn cho các nghệ sĩ biểu diễn về thẩm mỹ, tạo nên sự bất ngờ và ấn tượng. Có chương trình biểu diễn kết hợp với sân khấu nước, có thiết kế những bộ trang phục độc đáo bằng đèn led kết hợp ứng dụng công nghệ ánh sáng hiện đại tạo nên sự thay đổi về màu sắc theo các hoạt động của các nghệ sĩ. Tất nhiên, để có được điều này thì phải có nhiều điều kiện kèm theo như địa điểm, sân khấu, không gian biểu diễn phù hợp, trang thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu…
Soi chiếu riêng về ứng dụng công nghệ trong thiết kế mỹ thuật sân khấu, họa sĩ, NSND Doãn Bằng, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ khẳng định, không gian của sân khấu hiện đại luôn gây bất ngờ lớn và cộng với đòi hỏi xử lý hoặc tĩnh hoặc động của đạo diễn mà tạo nên những cảnh diễn hấp dẫn, những chương trình biểu diễn bay bổng và có tính thẩm mỹ cao. Nhiều năm trở lại đây, các nhà thiết kế mỹ thuật sân khấu cũng đã bắt đầu vận dụng những ưu việt của các phần mềm được viết cho thiết kế kiến trúc, thiết kế nội thất, làm phim hoạt hình và kỹ xảo phim truyện để thiết kế sân khấu sự kiện lễ hội và các vở diễn thuộc các thể loại Tuồng, Chèo, Cải lương, Kịch, Nhạc kịch...
Tính ưu việt lớn nhất của các phần mềm thiết kế 3D là thể hiện bản thiết kế dưới dạng không gian 3 chiều cùng những mô phỏng trực quan, mang đến cho nhà thiết kế một cái nhìn vừa bao quát, vừa chi tiết, trực tiếp về không gian và thẩm mỹ của vở diễn ngay trong quá trình sáng tác, giúp cho quá trình sáng tác của nhà thiết kế được rút ngắn lại và hiệu quả hơn.
Cũng theo họa sĩ, NSND Doãn Bằng, để có một sân khấu hoành tráng, biến ảo, đẹp mắt và tân kỳ, bên cạnh việc áp dụng công nghệ kỹ thuật vào trang trí sân khấu, còn phải áp dụng công nghệ và kỹ thuật tự động hóa vào hệ thống hỗ trợ kỹ thuật tại rạp biểu diễn hay các công trình phục vụ biểu diễn như hệ thống sào treo phông mềm, sào treo cảnh cứng pano, sào treo đèn kỹ thuật.
Đối với những show ca nhạc lớn và những tác phẩm opera kinh điển được đầu tư dàn dựng quy mô lớn, từ lâu họ đã áp dụng nghệ thuật video với thiết bị trình chiếu đa hướng, đa dạng và cầu kỳ về thiết lập góc chiếu vào nghệ thuật sân khấu nhằm mang lại những hiệu quả đa chiều về thị giác và kích thích trí tưởng tượng phong phú của khán giả. Những video clip được sáng tạo và biên tập cầu kỳ bởi những nghệ sĩ thị giác đương đại sử dụng phần mềm dành cho đồ họa cao cấp nhất, được thể hiện qua những thiết bị trình chiếu tối tân luôn mang đến cho khán giả những cảm giác mới lạ, phấn khích và chính những trạng thái cảm xúc đó góp phần không nhỏ tạo nên thành công của các show diễn.

Sân khấu hoành tráng, được đầu tư công nghệ âm thanh, ánh sáng hiện đại tạo sự phấn khích cho khán giả.
Thực tế, sự hòa quyện giữa yếu tố nghệ thuật và công nghệ tạo ra những trải nghiệm nghệ thuật thú vị hơn, làm nên thành công cho nhiều chương trình. Ngoài ứng dụng công nghệ trong biểu diễn trên sân khấu, phần lớn các đơn vị nghệ thuật hiện nay còn ứng dụng trong nhiều hoạt động liên quan khác như quảng bá, bán vé, tương tác với khán giả… Tuy nhiên, cũng không khó để nhận thấy là ứng dụng công nghệ của các đơn vị trong các hoạt động bổ trợ này còn khá đơn sơ. Rất ít đơn vị, nhà sản xuất chương trình biểu diễn hiện nay sử dụng công nghệ trong thu thập thông tin, phân tích nhu cầu, thị hiếu của khán giả để từ đó có những điều chỉnh phù hợp trong sản xuất chương trình, tiếp cận đúng đối tượng cần hướng tới, từ đó tăng hiệu quả về mặt kinh tế cho sản phẩm nghệ thuật.
Chưa kể, việc ứng dụng công nghệ làm sao để không làm mất đi những giá trị và đặc trưng của loại hình nghệ thuật vẫn có thể mở rộng và làm phong phú thêm trải nghiệm nghệ thuật cho khán giả chứ không phải công nghệ lấn át nghệ thuật trong các chương trình hiện nay vẫn đang là bài toán không dễ với chính người làm nghề. Điều này cũng đồng nghĩa, dù công nghệ hiện đại đến đâu thì trung tâm cũng vẫn phải là con người. Bên cạnh tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, đầu tư cho nguồn nhân lực trong nghệ thuật biểu diễn, từ người làm công tác quản lý, các thành phần trong ê kíp sáng tạo chương trình cho đến đội ngũ phục vụ và các công tác liên quan đều phải được đầu tư tương xứng.