Ứng dụng công nghệ Kho bạc Nhà nước để nâng cao chất lượng phục vụ các đơn vị sử dụng ngân sách

Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước (KBNN) đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 455/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 xác định 4 quan điểm chỉ đạo, 5 mục tiêu và 6 nhóm nhiệm vụ giải pháp.

Trụ sở Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Trị -Ảnh: P.V

Trụ sở Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Trị -Ảnh: P.V

Một trong những quan điểm, mục tiêu quan trọng nhất là “Lấy hiện đại hóa công nghệ thông tin là khâu đột phá; cải cách cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ là nền tảng, gắn hiện đại hóa các chức năng với đổi mới mô hình tổ chức của KBNN để tạo động lực phát triển KBNN đồng bộ, toàn diện”; “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0, từng bước hình thành kho bạc số”; “Chuyển đổi phương thức quản lý hành chính truyền thống sang phương thức vừa quản lý vừa phục vụ và cung cấp dịch vụ, đảm bảo quản lý thống nhất, công khai, minh bạch, hiệu lực và hiệu quả.

Tập trung nâng cao chất lượng phục vụ; nghiên cứu phát triển các dịch vụ kho bạc mới đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước. Phát triển phương thức cung cấp dịch vụ trực tuyến qua các thiết bị di động trong lĩnh vực quản lý ngân sách nhà nước, quản lý ngân quỹ nhà nước, huy động vốn và tổng kế toán nhà nước”.

Để thực hiện những mục tiêu đó, thời gian qua KBNN đã không ngừng hoàn thiện và ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ trong quản lý, kiểm soát chi và thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước. Ứng dụng Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) - KBNN cho phép người dùng gửi gần 100% hồ sơ, tài liệu chứng từ ở bất kỳ thời điểm nào (24/7), với việc cảnh báo thời hạn xử lý (không quá 8 giờ làm việc cho nghiệp vụ đơn giản và 16 giờ làm việc cho nghiệp vụ phức tạp) và thông báo tiến trình xử lý, giúp cho người dùng theo dõi được quá trình gửi, tiếp nhận và xử lý cũng như kết quả xử lý các nghiệp vụ qua KBNN.

Ứng dụng liên thông DVC-TABMIS- LNH ( dịch vụ công-Tabmis- thanh toán liên ngân hàng) giúp giảm thiểu gần hết các công đoạn nghiệp vụ, chứng từ sau khi kiểm soát ký duyệt sẽ được chuyển trực tiếp đến ngân hàng phục vụ người thụ hưởng (chỉ trong vài phút, thậm chí là vài giây).

Đặc biệt, từ ngày 18/12/2023 KBNN triển khai công nghệ ký số từ xa trên hệ thống DVCTT của KBNN, theo đó KBNN đã tích hợp chữ ký số từ xa (Remote Signing) vào hệ thống DVCTT, cho phép khách hàng có thể sử dụng công nghệ này để ký hồ sơ, chứng từ trên hệ thống DVCTT của KBNN.

Đặc điểm của công nghệ ký số từ xa là chứng thư số của khách hàng được lưu trữ tại hệ thống máy chủ đạt tiêu chuẩn của nhà cung cung cấp dịch vụ; khi ký số, người dùng phải xác thực danh tính bằng sinh trắc học (khuôn mặt hoặc vân tay) thông qua chương trình cài đặt trên điện thoại thông minh được đăng ký với nhà cung cấp.

Với công nghệ này, người dùng không phải mang theo thiết bị USB token và có thể ký số trên máy tính cá nhân hoặc thiết bị di động (smart phone, tablet). Việc lựa chọn công nghệ này không phải là bắt buộc. Tại một thời điểm các đơn vị sử dụng ngân sách chỉ có thể lựa chọn đăng ký sử dụng một hình thức ký số từ xa hoặc USB token. Công nghệ này áp dụng đối với 4 nhà cung cấp chứng thư số gồm: Viettel CA, VNPT CA, MISA CA và Nacencomm CA.

Ngoài ra, từ đầu năm 2024, KBNN sẽ triển khai quy trình kiểm soát, thanh toán, chi trả cho cá nhân qua tài khoản và trao đổi thông tin bảng thanh toán cho đối tượng thụ hưởng trên cổng trao đổi dữ liệu. Theo đó, bảng thanh toán cho đối tượng thụ hưởng (Bảng thanh toán số 09) được nhập trực tiếp trên hệ thống DVCTT-KBNN hoặc tải file theo cấu trúc do KBNN quy định công bố trên DVCTT. Hệ thống sẽ hỗ trợ tự động kiểm tra định dạng, số tiền, đối chiếu đảm bảo khớp đúng giữa chi tiết với tổng số trên từng bảng biểu.

Đồng thời, hệ thống hỗ trợ kiểm tra tổng số tiền trên Bảng thanh toán số 09 khớp với chứng từ chuyển tiền và sẽ được chuyển thẳng đến ngân hàng phục vụ nơi đơn vị sử dụng ngân sách mở tài khoản. Ứng dụng này giúp khắc phục triệt để đơn vị sử dụng ngân sách phải scan Bảng thanh toán số 09 để gửi đến KBNN và cầm tay trực tiếp đi đến ngân hàng phục vụ, giúp cho việc thanh toán cá nhân được chính xác và nhanh chóng hơn.

Những ứng dụng công nghệ ngày một hiện đại, tiện ích của KBNN sẽ không ngừng được nghiên cứu, hoàn thiện và ứng dụng, hy vọng sẽ giúp nâng cao chất lượng phục vụ, nâng cao sự hài lòng của các đơn vị có giao dịch với KBNN, hơn thế nữa, giúp cho công tác quản lý quỹ ngân sách, ngân quỹ nhà nước ngày một chặt chẽ, hiện đại, hiệu quả hơn.

Nguyễn Thị Thanh Hương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/khoa-hoc-cong-nghe/ung-dung-cong-nghe-kho-bac-nha-nuoc-de-nang-cao-chat-luong-phuc-vu-cac-don-vi-su-dung-ngan-sach/182313.htm