Ứng dụng công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến: Nâng cao giá trị gia tăng cho doanh nghiệp Việt

Với những thành tựu khoa học và công nghệ vượt bậc của nhân loại, từ cuối thế kỷ 20, công nghệ sinh học (CNSH) từ một ngành khoa học đã trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật công nghệ cao của nhiều quốc gia công nghiệp trên thế giới.

Nhà nước hỗ trợ chính sách

Đối với nước ta, một nước nhiệt đới đi lên từ sản xuất nông nghiệp, thì CNSH có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. CNSH là một yếu tố quan trọng góp phần bảo đảm an ninh lương thực, chuyển đổi cơ cấu và phát triển bền vững kinh tế công nghiệp, nông thôn; cung cấp những sản phẩm cơ bản và thiết yếu chăm sóc sức khỏe cộng đồng; bảo vệ môi trường sống và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Các chuyên gia, nhà khoa học đã đóng góp nhiều ý kiến cho Tổ soạn thảo xây dựng Thuyết minh Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030.

Các chuyên gia, nhà khoa học đã đóng góp nhiều ý kiến cho Tổ soạn thảo xây dựng Thuyết minh Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030.

Ngày 04/3/2005, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 50 CT/TW về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều Quyết định phê duyệt phát triển CNSH tại Việt Nam trong thời gian qua như: Quyết định số 14/2007/QĐ-TTg ngày 25/01/2007 phê duyệt Đề án phát triển CNSH trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 (Đề án) giao Bộ Công Thương chủ trì và nhiều quyết định liên quan đến các Bộ khác được Chính phủ ban hành.

Để hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp chế biến (CNCB) đạt được các mục tiêu cũng như các nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương theo Đề án, nhằm khai thác và tận dụng tối đa nguồn nhân lực cũng như hạ tầng về nghiên cứu của các đơn vị liên quan đến CNSH trong nước và quốc tế, trong giai đoạn từ năm 2008 đến nay, Bộ Công Thương đã triển khai công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoa học đối với phát triển CNSH trong lĩnh vực CNCB đạt hiệu quả cao, thúc đẩy phát triển thị trường hàng hóa nội địa và xuất khẩu từ chính các công nghệ được nghiên cứu, hoàn thiện trong nước thuộc Đề án.

Bộ Công Thương và Đại sứ quán Anh làm việc về thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghệ sinh học

Bộ Công Thương và Đại sứ quán Anh làm việc về thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghệ sinh học

Lấy doanh nghiệp là trọng tâm

Bộ Công Thương luôn đặt doanh nghiệp với vai trò trung tâm tiếp nhận các nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất tại doanh nghiệp và sản xuất tạo sản phẩm.

Nhằm chuyển giao công nghệ, sản phẩm vào thực tiễn sản xuất đạt hiệu quả, Bộ Công Thương xét chọn các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KHCN) theo tiêu chí phải được xã hội hóa. Từ năm 2016 đến nay, 100% các nhiệm vụ trong khuôn khổ Đề án đều có sự tham gia phối hợp của doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và sản xuất tạo sản phẩm tại các doanh nghiệp. Chỉ tính riêng năm 2018 có 04 nhiệm vụ KHCN do chính các doanh nghiệp đăng ký chủ trì triển khai thực hiện và gần 20 doanh nghiệp tham gia phối hợp, tiếp nhận triển khai công nghệ từ các đơn vị nghiên cứu.

Đây chính là cách tiếp cận triển khai phù hợp với thực tế hiện nay, nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các nhà nghiên cứu tại các viện, trường, trung tâm nghiên cứu với các doanh nghiệp để đưa công nghệ vào sản xuất, phát triển sản phẩm nội địa bằng chính các công nghệ, nguyên liệu trong nước, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm từ nghiên cứu ra thị trường và để chính thị trường đánh giá công nghệ, sản phẩm, góp phần trực tiếp vào sự thành công của Đề án.

Bộ Công Thương luôn đặt doanh nghiệp với vai trò trung tâm tiếp nhận các nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất tại doanh nghiệp và sản xuất tạo sản phẩm

Bộ Công Thương luôn đặt doanh nghiệp với vai trò trung tâm tiếp nhận các nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất tại doanh nghiệp và sản xuất tạo sản phẩm

Các nhiệm vụ được nghiệm thu đã phản ánh thực tế định hướng triển khai nghiên cứu ứng dụng và đạt hiệu quả tích cực, nâng cao vai trò, giá trị khoa học và khả năng ứng dụng,cũng như hiệu quả kinh tế của các nhiệm vụ KHCN khi áp dụng vào thực tiễn sản xuất ở quy mô vừa và nhỏ. Hầu hết các sản phẩm của các nhiệm vụ đã bước đầu được hoàn thiện bao bì nhãn mác, sản xuất hàng loạt và tổ chức tiêu thụ trên thị trường nội địa. Một số nhiệm vụ đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội tốt và góp phần đáng kể về bảo vệ môi trường công nghiệp.

Trong khuôn khổ Đề án, Bộ Công Thương đã đạt được nhiều thành công trong việc ứng dụng các công nghệ vi sinh, công nghệ enzyme, protein để sản xuất, chế biến thực phẩm như: Các chế phẩm vi sinh phục vụ CNCB thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu hóa dược, sản phẩm phục vụ CNCB hàng tiêu dùng. Các nhiệm vụ KHCN đều có doanh nghiệp chủ trì hoặc phối hợp trong quá trình triển khai nhiệm vụ. Một số nhiệm vụ bước đầu đã được triển khai theo chuỗi từ nghiên cứu công nghệ đến sản xuất sản phẩm và thương mại hóa trên thị trường nội địa, ghi nhận được nhiều tín hiệu tích cực từ người tiêu dùng về chất lượng, sự ổn định của sản phẩm.

Thành công của Đề án đã góp phần thúc đẩy và phát triển sản phẩm nội địa từ chính các nghiên cứu trong nước, góp phần khẳng định vai trò của KHCN trong việc tái cơ cấu ngành Công Thương, giúp tăng trung bình trên 20% tổng số giá trị gia tăng của các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động ứng dụng CNSH trong lĩnh vực CNCB của Đề án.

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ

Doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất hàng hóa trong nước và xuất khẩu từ các công nghệ trong nước. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 1 triệu doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp mạnh, có vị thế, tầm cỡ trong khu vực và trên thế giới, cùng với đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ có vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế mỗi nước. Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa như hiện nay, các nước đều chú ý hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm huy động tối đa các nguồn lực và hỗ trợ cho doanh nghiệp lớn, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ đã có mặt ở hầu hết các vùng, địa phương. Chính điều này đã giúp cho doanh nghiệp tận dụng và khai thác tốt các nguồn lực tại chỗ. Doanh nghiệp vừa và nhỏ đã sử dụng gần 1/2 lực lượng sản xuất lao động phi nông nghiệp (49%) trong cả nước, và tại một số vùng nó đã sử dụng tuyệt đại đa số lực lượng sản xuất lao động phi nông nghiệp. Ngoài nguồn lao động, doanh nghiệp vừa và nhỏ còn sử dụng nguồn tài chính của dân cư trong vùng, nguồn nguyên liệu trong vùng để hoạt động sản xuất kinh doanh.

Sản phẩm “Nước gấc” của dự án sản xuất thử nghiệm “Sản xuất dầu và nước uống từ quả gấc bằng công nghệ enzyme” được sản xuất bởi Công ty CP tinh chất thảo dược Việt Nam thực hiện

Sản phẩm “Nước gấc” của dự án sản xuất thử nghiệm “Sản xuất dầu và nước uống từ quả gấc bằng công nghệ enzyme” được sản xuất bởi Công ty CP tinh chất thảo dược Việt Nam thực hiện

Thực tế trong quá trình triển khai Đề án giai đoạn từ năm 2008-2020 cho thấy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tham gia tích cực vào sự phát triển bền vững và có hiệu quả các nghiên cứu. Thông qua các doanh nghiệp chủ trì thực hiện hoặc tham gia phối hợp triển khai các nhiệm vụ KHCN, các sản phẩm hàng hóa đã được tạo ra, bắt đầu cung ứng cho thị trường nội địa và tiến tới xuất khẩu.

Nhiều sản phẩm mới có chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh so với giá sản phẩm nhập ngoại cùng loại, bước đầu đã chiếm lĩnh được thị trường tiêu dùng Việt Nam như các sản phẩm: Thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ phòng và điều trị bênh ung thư, các bệnh nhiễm HIV/AIDS, viêm gan (Spobio Immunobran Kid, Spobio Immunobran) do Công ty CP ANABIO R&D nghiên cứu, sản xuất từ cám gạo Việt Nam; sản phẩm isoflavon có tác dụng hỗ trợ điều trị rối loạn mỡ máu, tim mạch, điều hòa hoócmon từ đậu tương do Công ty CP Thực phẩm Quốc tế chủ trì sản xuất với giá thành khoảng 60-70% so với sản phẩm ngoại nhập; các sản phẩm surimi và một số sản phẩm từ surimi do Công ty Seaprodex Hải Phòng tiếp nhận công nghệ và sản xuất, đã đem lại lợi nhuận khoảng trên 5.000 triệu đồng/năm (cho 1 dây chuyền 1.000 tấn năm); sản phẩm thực phẩm lên men từ thịt bò, thịt lợn được Công ty Đức Việt tiếp nhận công nghệ và sản xuất với quy mô hàng nghìn tấn/năm đã góp phần giảm giá thành sản phẩm từ 30 - 50% so với giá thành sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ nước ngoài; sản xuất thức ăn nuôi cá Chình do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 3 thực hiện với quy mô sản xuất sản phẩm 1.000 tấn/năm đã được đưa vào nuôi cá Chình tại Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Vạn Xuân có giá thấp hơn từ 23%, lợi nhuận đạt 1,75 tỷ đồng/1 năm…

Bên cạnh đó, xuất hiện các công nghệ sạch giải quyết các “vấn nạn” ô nhiễm môi trường từ các phụ phẩm trong quá trình chế biến tôm tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, tạo ra các sản phẩm thực phẩm (bột tôm, gia vị bổ sung bột tôm, nước mắm), thức ăn chăn nuôi, chất dẫn dụ cho thức ăn thủy sản có giá trị kinh tế cao từ nguyên liệu đầu, vỏ tôm và cá cơm bằng quy trình khép kín tại Công ty TNHH MTV Sản xuất TM-DV Ðại Phát, các sản phẩm của Công ty được bán rộng rãi trên thị trường, đạt doanh thu hàng trăm tỷ/năm,…

Sản phẩm Finelus DC của dự án "Sản xuất sinh khối Probiotic từ vi khuẩn Bifidobacterium sử dụng trong công nghiệp dược phẩm" do Công ty Cổ phần Dược phẩm CPC1 Hà Nội chủ trì thực hiện

Sản phẩm Finelus DC của dự án "Sản xuất sinh khối Probiotic từ vi khuẩn Bifidobacterium sử dụng trong công nghiệp dược phẩm" do Công ty Cổ phần Dược phẩm CPC1 Hà Nội chủ trì thực hiện

Như vậy, sự tham gia của các công nghệ nghiên cứu thuộc Đề án phát triển và ứng dụng CNSH trong lĩnh vực CNCB đến năm 2020 đã góp phần không nhỏ trong việc đa dạng hóa các sản phẩm đầu ra, tạo ra nhiều sản phẩm mới có giá trị gia tăng cho doanh nghiệp trong nước đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đề xuất thành lập Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp

Với sự thành công của Đề án phát triển và ứng dụng CNSH trong lĩnh vực CNCB đến năm 2020, bước đầu đã nâng cao giá trị các nguyên liệu chủ lực của Việt Nam bằng chính các công nghệ được nghiên cứu trong nước.Tuy nhiên, năng suất, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ Việt Nam vẫn còn thấp. Trình độ quản trị, hiệu quả kinh doanh, năng lực sáng tạo và ứng dụng công nghệ cũng như sự liên kết và tham gia chuỗi giá trị còn hạn chế.

Còn nhiều khó khăn về thủ tục, quy định pháp lý và lợi ích của các bên liên quan. Hoạt động chuyển giao công nghệ giữa các viện, trường và cơ sở nghiên cứu cho doanh nghiệp còn hạn chế, mang tính cục bộ, phạm vi hẹp, tự phát, thiếu các cơ quan dịch vụ trung gian môi giới hợp đồng triển khai công nghệ, liên kết giữa người mua và người bán công nghệ, nội dung chuyển giao công nghệ thường không đầy đủ và hình thức chuyển giao còn đơn giản.

Để phát triển công nghiệp sinh học trong thời gian tới, rất cần thiết phải thành lập Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp để phát triển, ứng dụng CNSH trong lĩnh vực CNCB

Để phát triển công nghiệp sinh học trong thời gian tới, rất cần thiết phải thành lập Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp để phát triển, ứng dụng CNSH trong lĩnh vực CNCB

Mặt khác, hầu như không có công nghệ được chuyển giao qua các dự án đầu tư nước ngoài. Việc chuyển giao công nghệ tập trung tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước nên không có nhiều công nghệ mới được ứng dụng vào sản xuất tạo sản phẩm mới; tính cạnh tranh của sản phẩm trên thương trường nội địa còn yếu; ý thức thực hiện luật pháp trong chuyển giao công nghệ thấp. Các quy định về điều kiện ràng buộc chưa tạo thành rào cản, cơ chế quản lý kinh tế chưa tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động chuyển giao công nghệ. Chuyển giao công nghệ trong điều kiện đổi mới công nghệ còn lẻ tẻ, thiếu quy hoạch và chiến lược. Bên cạnh đó, năng lực tiếp nhận công nghệ của các tổ chức, cá nhân trong nước còn yếu; chưa tạo động lực mạnh mẽ cho doanh nghiệp trong quá trình tham gia nghiên cứu, ứng dụng và phát triển thị trường sản phẩm từ công nghệ sinh học.

Để phát triển CNSH trong thời gian tới, rất cần thiết phải thành lập trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp để phát triển, ứng dụng CNSH trong lĩnh vực CNCB.

Đồng thời để tổ chức chuyển giao công nghệ và phải có: (1) Cần có chính sách rõ ràng về sở hữu trí tuệ; (2) vai trò giữa bên cung (các nhà nghiên cứu) và bên cầu (các doanh nghiệp) trong việc hợp tác phát triển công nghệ, sản phẩm; (3) Hoạt động chuyển giao công nghệ cần có những chuyên gia không chỉ am hiểu về công nghệ mà cần cả những chuyên gia am hiểu về hoạt động kinh doanh và là những chuyên gia có khả năng đàm phán, thỏa thuận để kết nối cũng như nắm bắt được nhu cầu của doanh nghiệp, viện nghiện cứu.

Đặng Tất Thành

Chuyên viên chính, Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/ung-dung-cong-nghe-sinh-hoc-trong-cong-nghiep-che-bien-nang-cao-gia-tri-gia-tang-cho-doanh-nghiep-viet-71757.htm