Ứng dụng công nghệ số: Mở ra cơ hội mới, thị trường mới cho các HTX ở Đắk Lắk

Nhận thức việc chuyển đổi số là hướng đi tất yếu, nhiều hợp tác xã nông nghiệp ở Đắk Lắk đã và đang chủ động học hỏi, nhất là sử dụng các nền tảng số để quảng bá và bán hàng. Nhiều nông dân đưa sản phẩm trực tiếp từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng.

Lớp tập huấn maketing do Liên minh hợp tác xã tỉnh Đắk Lắk tổ chức ngay tại điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các hợp tác xã. Những nông dân vốn chỉ quen với ruộng vườn, nay liên tục thao tác trên thoại thông minh. Họ chọn hiệu ứng, lựa bối cảnh, tìm góc chụp ảnh sản phẩm rồi viết lời dẫn. Cuối cùng là “đăng bán” trên sàn thương mại điện tử.

“Mạng xã hội và thương mại điện tử hiện nay đang là xu hướng. Nếu chúng ta không hòa nhập vào dòng chảy đó thì bị đẩy lùi về phía sau. Việc hợp tác xã hòa nhập vào xu hướng mạng xã hội hay các sàn thương mại điện tử sẽ là thế mạnh cho hợp tác xã. Bởi vì nó có thể truyền tải cho người tiêu dùng trên mạng xã hội về người thật, việc thật, sản phẩm thật”, anh Lê Văn Việt, thành viên Hợp tác xã Bazan, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ.

Giảng viên hướng dẫn học viên quay, chụp sản phẩm bằng điện thoại thông minh.

Giảng viên hướng dẫn học viên quay, chụp sản phẩm bằng điện thoại thông minh.

Ông Thân Cư, Phó Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp công bằng Cư Dlê Mnông, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk cho biết, hợp tác xã thành lập năm 2012. Đến nay, hợp tác xã có 114 thành viên, với hơn 230 hecta sản xuất cà phê, hồ tiêu, sầu riêng. Nếu trước đây, hợp tác xã chỉ quen với việc cung ứng giống, vật tư, phân bón, hỗ trợ khoa học kỹ thuật giúp nông dân làm ra sản phẩm đạt chuẩn, thì nay họ đang đảm nhiệm một vai trò mới, trở thành chủ thể tích cực trong chuỗi giá trị, kết nối sản xuất với thị trường, quảng bá thương hiệu sản phẩm địa phương. Việc ứng dụng công nghệ số trong quảng bá sản phẩm đã giúp hợp tác xã tiếp cận thị trường nhanh và rộng hơn.

“Mình phải nâng tầm vừa sản xuất vừa kết hợp biết công nghệ 4.0, biết cách bán hàng, tiếp cận thị trường, maketing để mua bán trên thị trường để họ biết sản phẩm của mình có lầm tốt không. Nếu mình làm tốt mà mình không trao đổi, không thông tin thì sẽ rất thiệt thòi”, ông Thân Cư nhìn nhận.

Ông Phạm Thanh Tuấn, giảng viên Chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, người đã tham gia hướng dẫn nông dân Đắk Lắk tận dụng các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử và công cụ trực tuyến để tiếp cận khách hàng tiềm năng cho rằng, chuyển đổi số đang chạm đến từng mảnh vườn, từng bàn tay nông dân. Chuyển đổi số cũng tạo nên một tư duy mới, một cách tiếp cận mới trong tổ chức sản xuất, trong quản lý và trong cách làm thương hiệu.

“Bây giờ người tiêu dùng có xu hướng tin vào những người sản xuất sản phẩm, chỉ có họ mới có khái niệm về tri thức bản địa. Tại vì nhiều năm làm nghề thì họ đã là chuyên gia của chính sản phẩm họ sản xuất. Yếu tố thứ hai trong thay đổi nhận thức của nông dân là họ không chờ đến bên thứ 3 để bao tiêu sản phẩm cho mình. Nếu cách đây 5 năm mà nói bà con lên sàn thương mại bán hàng, hay livestream, kết nối với người tiêu dùng toàn cầu thì đấy là điều không tưởng. Nhưng giờ đang là xu thế tất yếu”, ông Phạm Thanh Tuấn cho biết.

Thành viên các hợp tác xã tích cực, chủ động thực hành ngay tại lớp học.

Thành viên các hợp tác xã tích cực, chủ động thực hành ngay tại lớp học.

Theo ông Lê Văn Dần, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đắk Lắk, trong bối cảnh thị trường cạnh tranh như hiện nay, cùng với việc hiện đại hóa quy trình sản xuất, các hợp tác xã cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên nhiều sàn thương mại điện tử. Thời gian qua, liên minh hợp tác xã tỉnh đã tổ chức nhiều khóa tập huấn về kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số, phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh cho doanh nghiệp, hợp tác xã. Thời gian tới, Liên minh hợp tác xã sẽ tiếp tục tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn chuyên sâu về các lĩnh vực khác nhau để đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường.

“Tiếp tục đào tạo chia thành nhiều lớp để các hợp tác xã tiếp cận những vấn đề cơ bản nhất của thương mại điện tử của AI, sau đó các lớp chuyên sâu cho từng sản phẩm. Bởi mỗi sản phẩm sẽ có những cách thức thông qua nền tẳng thương mại điện tử khác nhau. Để các hợp tác xã có thể ở tại hợp tác xã mình vẫn có thể quảng bá, giới thiệu và bán hàng online thông qua các nền tảng hiện nay. Đặc biệt là giúp cho các hợp tác xã ở vùng sâu vùng xa có thể tiếp cận được tất cả các thị trường”, ông Lê Văn Dần thông tin.

Những nỗ lực chuyển đổi số của các hợp tác xã tại tỉnh Đắk Lắk đang góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý, giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho các hợp tác xã. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ số vào quảng bá sản phẩm đang mở ra nhiều cơ hội mới, thị trường mới, gia tăng giá trị và xây dựng thương hiệu hàng hóa của Đắk Lắk.

Hương Lý/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/ung-dung-cong-nghe-so-mo-ra-co-hoi-moi-thi-truong-moi-cho-cac-htx-o-dak-lak-post1192199.vov