Ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 17/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Toàn cảnh phiên họp
Tại phiên họp, đa số đại biểu đồng tình với sự cần thiết ban hành dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc hoàn thiện thể chế về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bảo đảm phục vụ hiệu quả quản lý nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khỏe con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng. Đồng thời, khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong quá trình thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa hiện hành.

Đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
Tăng cường ứng dụng công nghệ số trong truy xuất nguồn gốc
Liên quan đến Điều 7b về ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, một số ý kiến cho rằng đây là xu hướng tất yếu, trong bối cảnh hợp tác quốc tế và phát triển kinh tế tuần hoàn.
Tuy nhiên, đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị dự thảo luật và các văn bản hướng dẫn cần bổ sung một số nội dung cụ thể: xây dựng một nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia liên thông và xác định truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa giữa các bộ ngành, quy định rõ tiêu chuẩn kỹ thuật và quản lý trên nền tảng chung. Đồng thời, cần nghiên cứu quy định chặt chẽ về bảo mật thông tin, dữ liệu cá nhân, dữ liệu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ứng dụng công nghệ số, nghiên cứu cho phép thử nghiệm ứng dụng hộ chiếu số, nhãn điện tử truy xuất nguồn gốc trong một số ngành, lĩnh vực như thực phẩm, dược phẩm…

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp
Đồng tình với nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh cần tạo cơ chế đặc thù, tạo điều kiện thuận lợi nhằm khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số trong truy xuất nguồn gốc, giúp cho việc kết nối, thu thập, chia sẻ thông tin về sản phẩm, minh bạch thông tin với người tiêu dùng, khắc phục tình trạng kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa thủ công trong thời gian qua.
Quy định về trách nhiệm trên sàn thương mại điện tử

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng
Về quản lý sản phẩm, hàng hóa trên sàn thương mại điện tử, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng nêu rõ: tại các điều 44a, 44b, 44c dự thảo Luật đã quy định về trách nhiệm của sàn thương mại điện tử, cá nhân bán hàng online, ứng dụng công nghệ số và truy xuất nguồn gốc, tuy nhiên, vẫn còn nhiều nội dung chưa cụ thể và thiếu chế tài đi kèm. Đại biểu kiến nghị cần bổ sung các quy định để ràng buộc trách nhiệm của sàn thương mại điện tử, cụ thể: kiểm tra điều kiện pháp lý liên quan đến chất lượng, công bố tiêu chuẩn hợp quy trước khi cho phép sản phẩm, hàng hóa hiển thị trên các gian hàng, xử lý nghiêm các vi phạm đối với nền tảng cố tình tiếp tay hoặc không gỡ bỏ sản phẩm kém chất lượng sau khi đã có cảnh báo từ cơ quan chức năng, thiết lập cơ chế hậu kiểm định kỳ đối với người bán hàng online, đảm bảo minh bạch và tuân thủ quy định pháp luật, công bố công khai nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm nếu có yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền hoặc người tiêu dùng, áp dụng chế tài xử phạt hành chính nếu sàn thương mại điện tử hoặc người bán không tuân thủ các quy định về chất lượng.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An
Thời gian qua, số lượng các vụ vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên sàn thương mại điện tử ngày càng gia tăng. Dẫn chứng số liệu báo cáo của Bộ Công Thương về số lượng vi phạm trong năm 2024 đã tăng 266% so với năm 2023, đại biểu Hoàng Minh Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An nhấn mạnh việc thiết lập cơ chế, kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử là cần thiết và phù hợp với thông lệ quốc tế. Cũng góp ý về trách nhiệm của sàn thương mại điện tử trong việc xác minh truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, đại biểu cho rằng quy định này chưa thực sự phù hợp với thực tiễn vận hành, cần làm rõ liệu sàn thương mại điện tử có đủ năng lực và thẩm quyền pháp lý để thực hiện việc xác minh nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa hay không. Trên thực tế, các sàn chỉ có thể yêu cầu người bán cung cấp thông tin, tài liệu liên quan theo quy định pháp luật, nhưng không có quyền xác thực tính chính xác, hợp pháp của thông tin đó, đặc biệt trong các trường hợp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, xuất xứ hoặc chứng nhận chuyên ngành. Nếu quy định yêu cầu sàn thương mại điện tử phải chủ động xác minh nguồn gốc hàng hóa, thì vô hình chung, sàn sẽ phải chịu trách nhiệm cho các hành vi vượt ngoài khả năng kiểm soát của mình. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, làm rõ lại trách nhiệm của sàn thương mại điện tử một cách hợp lý, phù hợp với vai trò trung gian của sàn trong chuỗi cung ứng.
Cơ bản đồng tình với quy định yêu cầu sàn thương mại điện tử phải gỡ bỏ sản phẩm vi phạm trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu từ cơ quan chức năng hoặc người tiêu dùng, tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần bổ sung một số điều kiện để đảm bảo tính công bằng và minh bạch: thông tin yêu cầu gỡ bỏ phải nêu rõ lý do, cơ sở pháp lý và mô tả cụ thể sản phẩm, hàng hóa bị cho là vi phạm, tránh tình trạng yêu cầu không rõ ràng gây thiệt hại cho bên bán, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh chính đáng. Ngoài ra, đề nghị bổ sung quy định về việc tiếp nhận phản ánh từ các chủ thể có liên quan, đặc biệt là chủ thể nắm giữ quyền sở hữu trí tuệ. Việc mở rộng chủ thể có quyền yêu cầu xử lý vi phạm sẽ góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi chính đáng, phòng chống gian lận thương mại trên sàn thương mại điện tử.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu giải trình
Cũng tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến các nội dung: phân loại sản phẩm, hàng hóa theo mức độ rủi ro khác nhau để quản lý theo hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; chuyển đổi số toàn diện công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, gắn với việc xây dựng một nền tảng số quốc gia duy nhất về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia; tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên môi trường mạng, đặc biệt trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh; tăng chế tài xử lý vi phạm theo hướng răn đe, nghiêm minh, bảo đảm hiệu lực thực thi pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan phát biểu
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đề nghị, cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiên cứu và tiếp thu nghiêm túc, giải trình thấu đáo đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, thông qua./.
Một số hình ảnh tại phiên họp:

Các đại biểu tham dự phiên họp

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội phát biểu

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận phát biểu

Đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=94159