Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để hiện đại hóa ngành dược

Sở Y tế tỉnh Tiền Giang chỉ đạo các phòng nghiệp vụ tăng cường kiểm tra đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả; đẩy mạnh khoa học công nghệ, nhân lực và đào tạo.

Nhằm nâng cao hiệu quả về công tác quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn, Sở Y tế tỉnh Tiền Giang đã tập trung chỉ đạo triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn.

Bác sĩ Nguyễn Văn Dương, Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang cho biết, mục tiêu của kế hoạch là phát triển ngành Dược Tiền Giang đảm bảo cung ứng thuốc đầy đủ, kịp thời, có chất lượng cho người dân với mức chi phí hợp lý theo từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phát triển dược liệu trong tỉnh; tối ưu hóa việc sử dụng thuốc.

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết được điều trị tại Bệnh viện đa khoa trung tâm tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Nam Thái - TTXVN

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết được điều trị tại Bệnh viện đa khoa trung tâm tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Nam Thái - TTXVN

Đến năm 2030, tỉnh phấn đấu 100% thuốc được cung ứng chủ động, kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh; đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, sự cố y tế công cộng và các nhu cầu cấp bách khác về thuốc; duy trì tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước/tổng số tiền sử dụng thuốc tại các cơ sở y tế/năm (bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến tỉnh đạt thấp nhất là 60%; trung tâm y tế tuyến huyện đạt thấp nhất là 95%). Địa phương đặt mục tiêu duy trì bền vững 100% cơ sở bán buôn thuốc đạt tiêu chuẩn "Thực hành tốt phân phối thuốc" (GDP); 100% nhà thuốc, quầy thuốc đạt tiêu chuẩn "Thực hành tốt nhà thuốc" (GPP); 100% bệnh viện tuyến tỉnh và trung tâm y tế tuyến huyện phải tuân thủ "Thực hành tốt bảo quản thuốc" (GSP) đối với hoạt động bảo quản thuốc theo quy định...

Để đạt được mục tiêu này, Sở Y tế Tiền Giang tiếp tục hoàn thiện về cơ chế chính sách, xây dựng cơ chế thu hút nguồn nhân lực về dược sĩ lâm sàng; ban hành chính sách ưu đãi cho việc nghiên cứu, sản xuất thuốc có nguồn gốc từ dược liệu; phát triển, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư, nghiên cứu, chọn, tạo, sản xuất giống cây dược liệu, tham gia phát triển nuôi trồng dược liệu theo tiêu chuẩn "Thực hành tốt trồng trọt và thu hái thuốc" (GACP).

Đơn vị sẽ tham mưu UBND tỉnh có các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư hợp lý, phấn đấu đến năm 2030 hình thành 1 Trung tâm trồng khảo nghiệm, sản xuất giống cây dược liệu quý, giống cây dược liệu hàng hóa có giá trị kinh tế. Đồng thời, hình thành ít nhất 4 cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống dược liệu để cung cấp cây giống chất lượng cao, đảm bảo cung ứng trên 70% nhu cầu cây giống cho các tổ chức, cá nhân tham gia trồng dược liệu.

Sở Y tế chỉ đạo các phòng nghiệp vụ tăng cường kiểm tra đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả; đẩy mạnh khoa học công nghệ, nhân lực và đào tạo; tăng cường lấy mẫu, kiểm tra chất lượng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng thuốc, dược liệu lưu hành trên thị trường, nhất là dược liệu nhập khẩu. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để hiện đại hóa ngành dược.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Dương, năm 2025, Sở Y tế chỉ đạo phòng nghiệp vụ kịp thời phổ biến các văn bản pháp quy liên quan đến lĩnh vực dược cho toàn ngành; hằng năm phối hợp với Hội Dược học tổ chức tập huấn cập nhật lại kiến thức chuyên môn, các văn bản pháp luật cho đối tượng hành nghề dược tư nhân. Đồng thời, tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ quản lý cho cán bộ phụ trách công tác dược tại các cơ sở y tế; tăng cường công tác chỉ đạo tuyến về lĩnh vực Dược, quan tâm củng cố về mọi mặt đối với bộ phận Dược của trạm y tế xã...

Tiền Giang hiện có 3 doanh nghiệp sản xuất thuốc là: Công ty Cổ phần Dược phẩm Tipharco, Cơ sở sản xuất Đông Dược 408, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đông Nam Dược Trung An. Cả 3 cơ sở đều đạt tiêu chuẩn GMP WHO, đảm bảo thuốc phục vục nhu cầu của người dân trong tỉnh. Toàn tỉnh có 35 cơ sở phân phối thuốc đạt tiêu chuẩn GDP, cung ứng đủ thuốc cho hệ thống bán lẻ; 2.263 cơ sở bán lẻ thuốc và phân bố đều khác các xã, phường, thị trấn...

Để tăng cường quản lý hoạt động sử dụng thuốc tại các cơ sở kinh doanh dược, năm 2024, Sở Y tế Tiền Giang tiến hành thẩm định, cấp 573 Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, 743 Giấy chứng nhận thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc, 7 Giấy chứng nhận thực hành tốt phân phối thuốc, nguyên liệu làm. Đồng thời, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, Giấy chứng nhận thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc, Giấy chứng nhận thực hành tốt phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc của 342 cơ sở kinh doanh dược do các cơ sở có đơn xin ngừng hoạt động; cấp mới 301, cấp lại 229 Chứng chỉ hành nghề dược...

Hữu Chí

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ung-dung-cong-nghe-thong-tin-chuyen-doi-so-de-hien-dai-hoa-nganh-duoc/364092.html