Ứng dụng công nghệ thông tin mô phỏng hệ thống phát đài radar cảnh giới tầm thấp
Trước yêu cầu đào tạo, huấn luyện giúp học viên làm quen, làm chủ các loại khí tài radar hiện đại, nhóm nghiên cứu của Thượng úy QNCN Vũ Văn Thức và Thượng sĩ Hoàng Văn Sơn, khoa Radar, Học viện Phòng không Không quân (PKKQ) đã đưa ra sáng kiến ứng dụng công nghệ thông tin mô phỏng hệ thống đài phát radar cảnh giới tầm thấp 36D6M1-1.
Đây vốn là hệ thống radar hiện đại có thể phối hợp hoạt động với nhiều loại khí tài phòng không của Quân chủng PKKQ.
Chia sẻ về lý do nghiên cứu và ứng dụng sáng kiến, nhóm nghiên cứu cho biết, Quân chủng PKKQ hiện đang được biên chế nhiều hệ thống radar hiện đại như: Kacta – 2E2, ELM-2288ER, Kolchuga và 36D6M1-1…, có tính năng vượt trội so với các hệ thống radar thế hệ cũ. Tuy nhiên, do giá thành các hệ thống radar hiện đại giá thành rất cao, chưa thể trang bị đại trà tại các học viện, nhà trường. Điều này tạo ra khó khăn trong cho công tác đào tạo, huấn luyện làm chủ khí tài mới của đội ngũ giảng viên, học viên. Từ khó khăn trên, nhóm nghiên cứu đã sử dụng nền tảng công nghệ thông tin phát triển hiện tại, đặc biệt là các công cụ giả lập để viết ra phần mềm mô phỏng hoạt động của hệ thống đài phát radar cảnh giới tầm thấp 36D6M1-1 dựa trên nguyên bản.
“Là học viên đào tạo sĩ quan phân đội chuyên ngành radar phòng không, bản thân chúng tôi cũng nhận thấy những khó khăn trong quá trình học tập và nghiên cứu khí tài, đặc biệt là các loại khí tài mới như 36D6M1-1. Với mong muốn mang lại cái nhìn thực tế, trực quan, sinh động hơn về đài radar hiện đại này, đáp ứng yêu cầu học tập và giảng dạy tại học viện, nhóm nghiên cứu chúng tôi đã nghiên cứu và tìm tòi để đưa ra sáng kiến nêu trên”, Thượng sĩ Hoàng Văn Sơn chia sẻ.
Trên nền phần mềm giả lập Visual Studio 2008, nhóm nghiên cứu đã mô phỏng thành công nguyên lý hoạt động và đường truyền tín hiệu của đài radar 36D6M1-1. Cùng với đó, nhóm nghiên cứu cũng chuẩn hóa quy trình hoạt động của phần mềm mô phỏng để giúp đơn giản hóa trong quá trình giảng dạy, cũng như giúp học viên dễ tiếp cận, làm quen khí tài trên máy tính. Những kinh nghiệm thu được khi thực hành trên phần mềm mô phỏng sẽ giúp học viên tự tin hơn khi thực hiện các khoa mục huấn luyện trên khí tài thật; tiết kiệm chi phí nhiên liệu, hao mòn khí tài nhờ giảm thời gian bật máy.
Từ kết quả ứng dụng thực tế sáng kiến kiến ứng dụng công nghệ thông tin mô phỏng hệ thống đài phát radar cảnh giới tầm thấp 36D6M1-1, thủ trưởng Học viện Phòng không-Không quân đánh giá cao và nhận xét, sáng kiến đã mô phỏng đúng nguyên lý hoạt động theo sơ đồ chức năng và mô phỏng hệ thống phát của đài radar 36D6M1-1. Qua chương trình mô phỏng, giảng viên, học viên có cái nhìn cận trực quan hơn về loại khí tài radar hiện đại này. Ngoài ra, ứng dụng phần thi trắc nghiệm khách quan cũng giúp ích cho quá trình tự học, tự nghiên cứu của học viên.
Với những kết quả đạt được với chương trình mô phỏng hoạt động của đài radar 36D6M1-1, nhóm nghiên cứu trong thời gian dự kiến sẽ tiếp tục tìm hiểu và xây dựng các chương trình mô phỏng nhiều hệ thống radar hiện đại khác đang có trong biên chế.
Đài radar 36D6M1-1 được thiết kế chuyên biệt cho nhiệm vụ tìm kiếm, bám bắt các mục tiêu bay thấp, tàng hình; có thể hoạt động tốt trong môi trường đối kháng điện tử mạnh và được coi là “con mắt bổ sung” cho các tổ hợp vũ khí phòng không hiện đại, trong đó có S-300.