Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số

Tiền Giang triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Giao diện Cổng thông tin điện tử tiengiang.gov.vn

Giao diện Cổng thông tin điện tử tiengiang.gov.vn

Tỉnh đưa vào hoạt động Cổng thông tin điện tử (http://tiengiang.gov.vn) gồm một cổng chính, 204 trang thông tin điện tử thành phần (21 sở, ban, ngành, 11 Ủy ban nhân dân cấp huyện cùng 172 xã, phường, thị trấn).

Cổng thông tin điện tử tỉnh và trang thông tin điện tử thành phần thường xuyên cung cấp, cập nhật thông tin theo đúng quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ Quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng.

Trang thông tin điện tử chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang (http://chuyendoiso.tiengiang.gov.vn) cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin tuyên truyền về chuyển đổi số theo nội dung xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Trên các cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị đều có liên kết đến Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, cổng dịch vụ công của tỉnh có chức năng thống kê kết quả giải quyết thủ tục hành chính, cho phép người dân và doanh nghiệp tra cứu tình trạng, kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, nộp hồ sơ trực tuyến.

Cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị cung cấp tương đối đầy đủ thông tin về thủ tục hành chính của đơn vị mình đáp ứng yêu cầu khai thác thông tin, giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức, người dân, doanh nghiệp.

Cổng dịch vụ công của tỉnh (dichvucong.tiengiang.gov.vn) kết nối Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và Cổng thanh toán trực tuyến Quốc gia phục vụ công tác giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, đồng thời tích hợp định danh, xác thực với Cổng dịch vụ công Quốc gia, người dân, doanh nghiệp có thể đăng nhập bằng tài khoản dịch vụ công hoặc tài khoản định danh điện tử VneID mức độ 2.

Hiện nay, Cổng dịch vụ công của tỉnh tích hợp 1.324 dịch vụ công trực tuyến của tỉnh trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, đạt 72,15%; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của tỉnh.

Trong đó, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện lên dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 1.232 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, đạt 67,14% và 412 dịch vụ công trực tuyến một phần, đạt 22,45%.

Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ đạt 33,64%; hồ sơ trực tuyến chiếm 56,60%; thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia đạt 10,29% hồ sơ.

Việc ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành được triển khai tập trung, đồng bộ trong toàn bộ cơ quan Nhà nước từ cấp tỉnh liên thông đến cấp huyện và cấp xã theo mô hình quản lý tập trung tại Trung tâm tích hợp dữ liệu.

Đặc biệt, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số góp phần tích cực, tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế số phát triển. Theo Tiến sỹ Trần Thanh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang, việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được triển khai mạnh mẽ.

Trên 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận dùng thử các nền tảng chuyển đổi số, hơn 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa thường xuyên sử dụng nền tảng chuyển đổi số. Giá trị tăng thêm của kinh tế số chiếm khoảng 15,2% tổng GRDP của tỉnh.

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp cận và sử dụng nền tảng chuyển đổi số phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, ứng dụng rộng rãi hình thức thanh toán điện tử... Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nộp thuế điện tử là 5.555/6.066 doanh nghiệp, đạt 91,57%; sử dụng hợp đồng điện tử trong giao dịch 2.500/6.066 doanh nghiệp, đạt 41,21%.

Về phát triển thương mại điện tử, Tiền Giang hiện có 276.882 hộ sản xuất nông nghiệp được đưa lên sàn thương mại điện tử, với 2.420 sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, xếp tương ứng thứ 2/63 và 28/63 tỉnh/thành phố; số giao dịch trên sàn thương mại điện tử là 15.811, xếp thứ 51/63 tỉnh/thành phố.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Đậm cho biết, thời gian tới, Sở tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động điều hành gắn với cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Đồng thời, Sở đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhằm phát triển chính quyền số theo hướng chính quyền tương tác, minh bạch, hoạt động hiệu quả. Qua đó, góp phần hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, cung cấp các dịch vụ số mới dựa trên nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, tạo hệ sinh thái chuyển đổi số của tỉnh.

Hữu Chí/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ung-dung-cong-nghe-thong-tin-phuc-vu-chuyen-doi-so/320016.html