Ứng dụng công nghệ trong tuyên truyền về lịch sử

Để đông đảo người dân và bạn bè quốc tế hiểu sâu sắc hơn về các dấu mốc lịch sử quan trọng của Việt Nam, trong đó có Ngày Quốc khánh 2-9 khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), nhiều bảo tàng, cơ quan, đơn vị đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền.

Du khách nước ngoài sử dụng tai nghe và bộ phát Audio Guide tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (Thành phố Hồ Chí Minh) để nghe chú thích về hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập. Ảnh: L.Duy

Du khách nước ngoài sử dụng tai nghe và bộ phát Audio Guide tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (Thành phố Hồ Chí Minh) để nghe chú thích về hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập. Ảnh: L.Duy

Dễ hiểu, dễ tiếp cận

Thời điểm cuối tháng 8-2024, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) đón rất nhiều khách đến tham quan. Trung bình mỗi ngày, bảo tàng đón khoảng 500-600 khách tham quan. Thời gian cao điểm cuối tuần, con số này có thể lên đến hơn 1 ngàn khách. Bảo tàng không chỉ thu hút du khách trong nước, mà còn có lượng lớn khách nước ngoài.

Bảo tàng Chứng tích chiến tranh dành vị trí ngay gần cửa ra vào của phòng trưng bày ở tầng 2 để trưng bày hình ảnh, thông tin về ý nghĩa lịch sử ngày 2-9. Trong đó có hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập cùng đông đảo người dân tham dự tại Quảng trường Ba Đình (thủ đô Hà Nội) vào ngày 2-9-1945.

Để thuận tiện cho việc tham quan và tìm hiểu về các dấu mốc quan trọng của lịch sử Việt Nam, trong đó có Ngày Quốc khánh 2-9, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đã ứng dụng công nghệ quét mã QR trên tường, từ đó có thể tìm hiểu sâu hơn về những câu chuyện đằng sau mỗi hiện vật hoặc kiệt tác được trưng bày.

Việc ứng dụng công nghệ hiện đại còn giúp du khách có trải nghiệm chân thực hơn, đặc biệt là khách nước ngoài. Chẳng hạn, công nghệ Audio Guide cho phép du khách nghe lại phần chú thích về mỗi hiện vật hoặc kiệt tác, với nhiều ngôn ngữ khác nhau như: tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hàn….

Tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh (quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), việc tuyên truyền về Ngày Quốc khánh 2-9 cũng được hỗ trợ bởi công nghệ màn hình LED, hiển thị lại bức ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản chụp Lễ đài Tuyên ngôn độc lập ở Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945. Bảo tàng cũng đã khéo léo phục dựng lại khung cảnh lịch sử ngày 2-9-1945, tái hiện cảnh người dân Sài Gòn nô nức tham gia mít-tinh mừng Lễ Độc lập trên đại lộ Norodom (nay là đường Lê Duẩn). Khung cảnh này tái hiện không khí phấn khởi, tự hào của người dân trong thời khắc lịch sử trọng đại giúp thế hệ hôm nay cảm nhận sâu sắc hơn về tinh thần đoàn kết và lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam trong ngày đầu tiên của nền độc lập.

Tại Bảo tàng Đồng Nai (thành phố Biên Hòa), việc ứng dụng công nghệ như mã QR đang được phát triển để lưu trữ thông tin và hiện vật, giúp khách tham quan thuận tiện trong việc tìm hiểu lịch sử, trong đó có Ngày Quốc khánh 2-9.

Ngoài ra, trong những ngày gần đây, thông qua mạng xã hội, nhiều cơ quan, ban, ngành trong tỉnh cũng đã tích cực tuyên truyền đến người dân về việc sơn, vẽ quốc kỳ với kích thước chuẩn và cách bảo quản cờ Tổ quốc. Thông tin này giúp người dân không chỉ nắm rõ quy định, mà còn ý thức hơn trong việc thể hiện lòng yêu nước qua việc treo quốc kỳ đúng quy định. Nhờ vậy, việc tuyên truyền về Lễ Quốc khánh trở nên gần gũi và ý nghĩa hơn, góp phần lan tỏa tinh thần dân tộc trong cộng đồng.

Theo Bảo tàng Đồng Nai, trên trang web http://tranbien.baotangdongnai.com.vn đang triển khai thuyết minh tự động. Đơn vị đã phối hợp với VNPT xây dựng kế hoạch thực hiện số hóa hiện vật tại bảo tàng và số hóa các di tích quan trọng trên địa bàn tỉnh.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ

Anh Huỳnh Văn Tuấn (ngụ thành phố Thủ Đức, sinh viên Trường đại học An ninh nhân dân) đến tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh chia sẻ, việc ứng dụng công nghệ vào bảo tàng rất thuận tiện trong tìm hiểu lịch sử, giúp khách tham quan chủ động hơn, không cần phụ thuộc quá nhiều vào hướng dẫn viên để nghe thuyết minh. Ngoài ra, việc ứng dụng mã QR giúp tiết kiệm thời gian khi muốn tìm hiểu câu chuyện của từng hiện vật tại bảo tàng.

“Thời buổi công nghệ số hiện nay càng khiến cho du khách thích thú hơn trong việc tìm hiểu lịch sử và ý nghĩa của những hiện vật gắn liền với các dấu mốc lịch sử quan trọng như Ngày Quốc khánh 2-9. Ngoài thông tin còn có hình ảnh minh họa sống động, nội dung thuyết minh được dịch ra nhiều thứ tiếng. Ứng dụng này rất thuận tiện cho khách nước ngoài khi đến tham quan và tìm hiểu về văn hóa, lịch sử của Việt Nam” - anh Tuấn chia sẻ thêm.

Anh Daniel Fundora, du khách người Hà Lan, trải nghiệm công nghệ Audio Guide tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh cho hay: “Tôi thực sự rất ấn tượng với trải nghiệm Audio Guide vì nó rất tiện lợi và dễ dàng, chỉ cần đeo tai nghe với bộ phát có sẵn rồi cứ thế theo hướng dẫn của người dẫn tour, tôi hiểu rõ hơn về lịch sử và những câu chuyện đằng sau các hiện vật được trưng bày tại bảo tàng bằng tiếng Anh. Nhờ đó, tôi hiểu các dấu mốc lịch sử quan trọng của đất nước Việt Nam, trong đó có Ngày Quốc khánh 2-9”.

Đại diện Bảo tàng Đồng Nai cho biết, năm 2021, Chính phủ ban hành Chương trình Số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030, nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số. Chương trình đặt mục tiêu số hóa 100% các di tích quốc gia đặc biệt, bảo vật quốc gia và di sản văn hóa phi vật thể, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số và liên thông dữ liệu quốc gia. Đội ngũ chuyên môn trong ngành di sản sẽ được đào tạo kỹ năng chuyển đổi số để đáp ứng nhu cầu xã hội và cộng đồng.

Hình ảnh Bản Tuyên ngôn độc lập và chú thích hiện vật được thể hiện trên trang web sau khi du khách quét mã QR. Ảnh: Chụp màn hình

Hình ảnh Bản Tuyên ngôn độc lập và chú thích hiện vật được thể hiện trên trang web sau khi du khách quét mã QR. Ảnh: Chụp màn hình

Hiện nay, Bảo tàng Đồng Nai đã áp dụng công nghệ thực tế ảo VR 360, cho phép du khách trải nghiệm toàn bộ Văn miếu Trấn Biên từ trên cao cho đến bên trong đi kèm thuyết minh về văn miếu ngay trên chiếc điện thoại thông minh khi du khách truy cập vào đường dẫn http://tranbien.baotangdongnai.com.vn.

Đồng thời, việc ứng dụng mã QR tại nhiều di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh như: mộ Trịnh Hoài Đức, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, di tích khảo cổ Tân Lại..., đã giúp giới thiệu và quảng bá giá trị di tích một cách hiệu quả. Điều này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho du khách khám phá, mà còn giúp người dân dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu về các di tích.

Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 28-3-2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Đồng Nai đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng, Bảo tàng Đồng Nai thực hiện tour tham quan 360 thực tế ảo tại Di tích quốc gia Văn miếu Trấn Biên (thành phố Biên Hòa năm 2022) và Di tích quốc gia đặc biệt Mộ cự thạch Hàng Gòn (thành phố Long Khánh năm 2023). Nội dung thực hiện là ứng dụng công nghệ mới, các dữ liệu sẽ được số hóa 3D, thực hiện video thuyết minh tại thực địa, thu âm, thuyết minh bằng tiếng Việt, tiếng Anh…

Lê Duy

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202408/ung-dung-cong-nghe-trong-tuyen-truyen-ve-lich-su-f7b765d/