Ứng dụng công nghệ vào bảo tồn di sản - còn thiếu cơ chế
Sau vụ cháy Nhà thờ Đức Bà (Pháp) năm 2019, di sản này đã nhanh chóng được đưa vào phục hồi, dựa trên hồ sơ kiến trúc 3D và kho tư liệu đã được các chuyên gia tạo dựng và lưu giữ trong bao lâu nay.
Tại Việt Nam, công nghệ thực tế ảo, phim 3D, hệ thống dữ liệu di sản kết nối… đang dần có vị thế trong công tác bảo tồn di sản. Biểu hiện gần nhất có thể kể đến Trưng bày chuyên đề “Khám phá di sản kiến trúc chùa Một Cột-Diên Hựu thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Bảo tồn di sản bằng công nghệ thực tế ảo
Theo thông tin từ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, trưng bày “Khám phá di sản kiến trúc chùa Một Cột - Diên Hựu thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo” là kết quả đúc kết từ 10 năm nghiên cứu và tổng hợp các giả thuyết khoa học, từ hàng nghìn mảnh vỡ khảo cổ, từ hàng trăm hiện vật mỹ thuật còn lại.
Theo nhóm SEN Heritage là nhóm phối hợp thực hiện, mặc dù chỉ là “thực tế ảo” thông qua tranh 3D, phim 3D, sản phẩm VR3D, mô hình phỏng dựng kiến trúc nhưng các thức kiến trúc và tỷ lệ kiến trúc đã được xử lý dựa trên số liệu cụ thể, nhằm hướng đến các phương án tái lập và phục vụ công tác truyền bá, giảng dạy, bảo tồn, phát huy các giá trị tinh hoa của văn hóa Đại Việt thời Lý đến với xã hội ngày nay.
Chùa Diên Hựu – Một Cột thời Lý cũng là sản phẩm đầu tiên của nhóm SEN Heritage, hưởng ứng Đề án Phát triển hệ tri thức Việt số hóa được phê duyệt theo Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 18/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm phục vụ việc lưu trữ dữ liệu, bảo tồn di sản văn hóa, trùng tu, phỏng dựng phế tích, phục vụ công tác trưng bày, thuyết minh bảo tàng và quảng bá di sản Việt Nam đến với xã hội hiện nay.
Đồng thời, sản phẩm này cũng nằm trong chương trình tái lập các di sản kiến trúc – mỹ thuật thời Lý Trần như: Đài đèn Quảng Chiếu, chùa tháp Sùng Thiện Diên Linh, tháp Báo Thiên, chùa Ngưỡng Sơn Linh Xứng, An Nam tứ đại khí, …
Không thể phủ nhận, cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra sự phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Tác dụng trước mắt có thể thấy là các dự án số hóa di sản có thể giúp di sản “trường tồn” trong không gian số, ứng phó với các biến cố không lường trước được như vụ cháy Nhà thờ Đức Bà.
Bên cạnh đó, khi có được hệ thống dữ liệu chính xác, công nghệ thực tế ảo có thể tạo ra những trải nghiệm trực quan mới, tăng cường trải nghiệm cho du khách, thậm chí có thể thay thế một số thói quen du lịch gây ảnh hưởng đến di sản.
Điển hình cho ứng dụng công nghệ vào di sản ở nước ta có thể kể tới công trình số hóa 3D đình Tiền Lệ (huyện Hoài Đức, Hà Nội), di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà hát Lớn (Hà Nội). Một số công trình thuộc quần thể di tích cố đô Huế (Thừa Thiên - Huế) cũng đã được ứng dụng công nghệ 3D, như lăng Tự Đức, cung An Định, bức tranh Long Vân Khế Hội (chùa Diệu Đế).
Tại Quảng Nam cũng đang triển khai đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh “Số hóa phố cổ Hội An trên nền công nghệ 3D nhằm bảo tồn và giới thiệu di sản Việt Nam ra thế giới” thuộc Trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng từ năm 2015.
Các bảo tàng cũng phải thay đổi để thích ứng theo xu thế, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch. Ban quản lý các bảo tàng ngày càng quan tâm đến việc triển khai áp dụng công nghệ số hóa, website 3D, thực thế ảo/thực tế tăng cường, các công nghệ kết nối vạn vật (IoT) để đổi mới cách thức, trưng bày, trải nghiệm để thu hút khách tham quan từ online đến offline, cùng với công tác bảo tồn, khôi phục.
Có thể kể tới Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam và Nhà hát Lớn Hà Nội là những công trình có sự kết hợp hài hòa giữa sử dụng ảnh 360 độ với quét 3D để tái tạo bảo tàng trong môi trường số. Các chuyên gia đã “số hóa” hiện vật, xây dựng từng chuyên đề giới thiệu bằng hình ảnh, kết hợp thuyết minh bằng song ngữ Việt - Anh và ứng dụng công nghệ thực tế ảo.
Cần cơ chế để nhân rộng?
Việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đang là xu hướng tất yếu trên thực tế. Mặc dù đã bước đầu tiếp cận những công nghệ mới của thời đại, nhưng so với thế giới, chúng ta vẫn còn có khoảng cách khá lớn.
Như hiện nay, một số quốc gia đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện các cấu trúc hư hại của di tích, thông qua việc gắn chíp vào hiện vật để liên tục thu thập thông tin về hiện trạng. Từ đó, các chuyên gia và các nhà quản lý có thể tính toán số lượng vật liệu tu bổ chính xác hơn, kịp thời hơn, giúp quá trình tu bổ tiết kiệm thời gian, công sức hơn.
Trên thế giới, việc thiết lập các bảo tàng ảo trong giai đoạn đại dịch bùng phát cũng là một giải pháp thu hút du khách quốc tế trực tuyến. Những ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bảo tồn di sản rất đa dạng, trong đó nhiều loại hình vẫn còn xa lạ ở Việt Nam. Chưa kể, việc đầu tư cho ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực di sản trong nước ta vẫn còn ít, thiếu sự đồng bộ, hầu hết là các giả thiết nghiên cứu, đề tài nghiên cứu.
Nhiều bảo tàng không đủ tiềm lực tài chính để đầu tư “mạnh tay” vào số hóa tất cả các hiện vật hiện có. Số đông các nhà quản lý, người làm văn hóa và người dân vẫn chưa quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào bảo tồn, phát huy những giá trị của di sản. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn chưa có cơ chế rõ ràng về việc kiểm định chất lượng các sản phẩm công nghệ về di sản.