Ứng dụng hiệu quả công nghệ cao tại các hợp tác xã Hà Nội
Nhiều hợp tác xã trên địa bàn Hà Nội đã ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất, tạo ra hàng hóa có năng suất vượt trội, giá trị gia tăng cao, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Sau hai năm triển khai Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa 17) về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn giai đoạn 2021-2025”, nhiều doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã trên địa bàn Hà Nội đã ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất, tạo ra hàng hóa có năng suất vượt trội, giá trị gia tăng cao, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Chẳng hạn như Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ Đa Phúc (Quốc Oai-Hà Nội) là một trong những điểm sáng của kinh tế tập thể tại địa phương nhờ chủ động sáng tạo, bắt kịp xu hướng phát triển và ứng dụng phần mềm trong quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ Đa Phúc cho biết, sở dĩ hiệu quả sản xuất chưa cao nên hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị mới, chủ động ứng dụng công nghệ số vào hoạt động quản lý nhằm hỗ trợ và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Ngoài việc đầu tư trang thiết bị đúng chuẩn, hợp tác xã còn tiến hành thay mới hệ thống công tơ điện bằng loại đồng hồ điện tử mới nhất có 2 bộ nhớ, qua đó giúp tăng tuổi thọ đồng hồ và tính chỉ số điện năng chính xác hơn cho người dân.
Đồng thời, hợp tác xã còn đưa vào thử nghiệm công nghệ máy bay không người lái (UAV) phun thuốc bảo vệ thực vật nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các thành viên. Đặc biệt, những trang thiết bị công nghệ mới được đưa vào hoạt động đã nhanh chóng giúp hợp tác xã khai thác tối đa năng suất và chất lượng dịch vụ, mang về doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Tương tự, Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ rau Cuối Quý (huyện Đan Phượng) đã đầu tư hệ thống nhà lưới và hệ thống tưới tự động cho gần 5ha trồng trọt, không sử dụng thuốc và phân bón hóa học trong quy trình sản xuất, vừa giúp hạn chế tác động của thời tiết, bớt công chăm sóc, vừa đem lại năng suất và chất lượng cho sản phẩm.
Chia sẻ về hiệu quả từ ứng dụng công nghệ vào sản xuất, ông Lưu Văn Minh, Phó Giám đốc Hợp tác xã Phú Đô (phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm) cho hay, việc ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI) giúp hợp tác xã có thể rút ngắn được thời gian kết nối với thị trường, người tiêu dùng, nhất là có thể giảm tải được việc kết nối với các chuyên gia; hỗ trợ đơn vị trong việc viết những câu chuyện về sản phẩm mang tính thuyết phục.
Qua đó, tiếp cận khách hàng theo cách gần gũi, thân thiện và đem sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách dễ dàng, thuận lợi. Tuy nhiên, để thúc đẩy định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cần có chính sách hỗ trợ cụ thể, sát sườn hơn.
Thống kê cho thấy, Hà Nội đang có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố. Ngoài ra, trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, doanh nghiệp, hợp tác xã cũng đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Đại diện Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội đánh giá, nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số giúp nhiều hợp tác xã tạo được sức cạnh tranh với thành phần kinh tế khác, tập trung vào chức năng thực hiện cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho hộ thành viên và người dân.
Cụ thể, hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, dịch vụ, hệ thống cơ sở vật chất, chuồng trại tiên tiến để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, từng bước mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập cho thành viên.
Mặt khác, xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, chế biến, lưu thông đến phân phối. Bước đầu, các hợp tác xã đã có hiệu quả do tự kiểm soát được chất lượng sản phẩm của tất cả các khâu đến tay người tiêu dùng.
Không những thế, nhiều hợp tác xã đã tiến hành đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất nông nghiệp như Hợp tác xã nông nghiệp Hương Ngải (huyện Thạch Thất), Hợp tác xã nông nghiệp Song Phượng (huyện Đan Phượng)…
Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ 4.0 trong quảng bá, bán hàng cũng là bước đi đầy hiệu quả. Bởi vậy, người dân dễ dàng tìm kiếm sản phẩm nông sản, thực phẩm có nguồn cung cấp uy tín, chất lượng và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng đó, có thể đặt hàng, thanh toán, giao hàng trực tuyến tiện lợi và nhanh chóng.
Nhận định về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, mặc dù nông nghiệp công nghệ cao đã thu hút được sự tham gia của đông đảo các thành phần kinh tế nhưng số lượng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn hạn chế, chưa xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô.
Thực tế cho thấy, nhiều hợp tác xã dù đã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất kinh doanh nhưng mới chỉ tập trung vào công nghệ tưới tiêu, tem truy xuất nguồn gốc, lai giống… Tuy nhiên, ứng dụng chuyển đổi số vào khâu chế biến, quản lý hợp tác xã, tiêu thụ và quảng bá sản phẩm lại chưa được chú trọng.
Mặt khác, phần lớn thành viên hợp tác xã chưa qua đào tạo về công nghệ thông tin nên gặp khó trong việc tiếp cận và thực hiện quá trình chuyển đổi số. Điều này đã ảnh hưởng đến năng lực khai thác thông tin, định hướng chiến lược, tiếp cận thị trường…
Hàng năm Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội đều xây dựng kế hoạch và hỗ trợ xúc tiến thương mại cho hợp tác xã với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 thành phố Hà Nội sẽ có 150 mô hình hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số. Đến năm 2030, Hà Nội phấn đấu có 250 mô hình hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội cho hay, Hà Nội đang từng bước đưa công nghệ thông tin vào hoạt động của hợp tác xã thông qua ứng dụng AI, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Qua đó, tạo sự gắn kết, xây dựng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hợp tác xã của Hà Nội và các tỉnh, thành.
Mới đây, Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại, ứng dụng công nghệ trong kết nối, tiêu thụ sản phẩm cho hợp tác xã. Việc này nhằm đẩy mạnh kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hiệu quả qua xây dựng hình ảnh, thương hiệu, mẫu mã, bao bì; giải pháp chế biến sâu mặt hàng nông sản.
Không chỉ vậy còn giúp ích cho việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quản lý, điều hành hợp tác xã, quy hoạch vùng sản xuất sản phẩm; xây dựng sàn thương mại điện tử hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho hợp tác xã; nâng cao năng lực quản trị, đổi mới công nghệ trong sản xuất, quản lý./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ung-dung-hieu-qua-cong-nghe-cao-tai-cac-hop-tac-xa-ha-noi/301728.html