Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào hoạt động tư pháp
Ngành Tư pháp TP Hà Nội đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tư pháp. Nhờ đó, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính (CCHC) tại cơ quan tư pháp của TP cũng như tại các quận, huyện, thị xã.
Sở Tư pháp TP Hà Nội
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, Sở Tư pháp TP Hà Nội triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong toàn bộ quy trình thực hiện đăng ký khai sinh, hộ tịch, cấp Phiếu lý lịch tư pháp (LLTP)... cho người dân, đặc biệt trong lĩnh vực cấp Phiếu LLTP.
Theo ông Đặng Thạch Bích – Trưởng Phòng LLTP – Sở Tư pháp TP Hà Nội, nhu cầu cấp Phiếu LLTP của người dân ngày càng tăng cao, từ đầu năm 2024 đến nay, trung bình mỗi ngày Sở Tư pháp tiếp nhận từ 500-600 hồ sơ. Nhằm giúp cắt giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí đi lại của người dân, nhất là đối với những người dân ở xa hoặc đang ở nước ngoài. Sở Tư pháp đã triển khai các phương thức cấp Phiếu LLTP dịch vụ công trực tuyến.
Ngày 22/4/2024, Sở Tư pháp đã thực hiện thí điểm thêm hình thức tiếp nhận qua ứng dụng VNeID, công dân sẽ không phải đến Sở Tư pháp, đây là một điều rất thuận lợi cho công dân và cả cán bộ tiếp nhận hồ sơ khi thao tác trên môi trường điện tử sẽ nhanh hơn và giảm tải được khối lượng công việc nhất định.
Tại Phòng Tư pháp cấp huyện cũng triển khai ứng dụng hiệu quả CNTT trong hoạt động chuyên môn. Hiện nay, việc thực hiện đăng ký khai sinh điện tử được triển khai đồng bộ trên toàn TP. Các cơ quan tư pháp cũng thực hiện tốt phần mềm đăng ký khai sinh điện tử có kết nối với hệ thống cấp số định danh cá nhân cho trẻ em ngay khi đăng ký khai sinh.
Quý I/2024, Sở Tư pháp TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 17/KH-STP ngày 29/2/2024 về “Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Sở Tư pháp năm 2024”; ban hành Kế hoạch số 23/KH-STP ngày 6/3/2024 về thực hiện Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022 -2025, tầm nhìn đến năm 2030" trong lĩnh vực tư pháp năm 2024; Cổng thông tin điện tử Sở Tư pháp đã đăng tải trên 30 tin, bài, thông báo về các nội dung: hoạt động của ngành tư pháp, quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính lĩnh vực tư pháp được chuẩn hóa, còn hiệu lực; quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực tư pháp, thông tin các tổ chức hành nghề lĩnh vực bổ trợ tư pháp...
Công tác CCHC, kiểm soát thủ tục hành chính, theo lãnh đạo Sở Tư pháp, Sở đã ban hành kế hoạch CCHC năm 2024, kế hoạch công tác kiểm soát thủ tục hành chính năm 2024; kế hoạch công tác cải cách thủ tục hành chính trọng tâm năm 2024; báo cáo cải cách hành chính Quý I/2024; báo cáo tổng hợp, phân tích, đánh giá kết quả tự khảo sát lấy ý kiến cá nhân, người đại diện tổ chức đối với sự phục vụ của Sở Tư pháp năm 2023; sáo cáo số 438/BC-STP ngày 22/12/2023 về tình hình, kết quả thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính năm 2023; tham mưu UBND TP ban hành Quyết định số 831/QĐ-UBND ngày 8/2/2024 về việc ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực giám định tư pháp; Quyết định số 832/QĐ-UBND ngày 8/2/2024 về việc ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực công chứng, giám định tư pháp, thừa phát lại; Báo cáo tổng hợp kết quả nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức và triển khai kế hoạch cải thiện, nâng cao chỉ số Sipas hàng tháng.
Tập trung triển khai các nhiệm vụ quan trọng về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, lãnh đạo Sở Tư pháp TP Hà Nội cho biết, tiếp tục số hóa, tạo lập cơ sở dữ liệu hộ tịch từ sổ hộ tịch lưu trữ tại Sở Tư pháp; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu vi bằng và phần mềm quản lý hoạt động thừa phát lại trên địa bàn TP Hà Nội; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu công chứng trên địa bàn TP Hà Nội; xây dựng trang thông tin điện tử phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) của Hội đồng phối hợp PBGDPL TP; khảo sát, đánh giá hiện trạng và đề xuất phê duyệt cấp độ an toàn thông tin cho hệ thống thông tin; triển khai an toàn thông tin “4 lớp” của Sở Tư pháp.