Ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm
Những năm qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân, HTX ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và mở rộng diện tích cây ăn quả theo hướng bền vững. Nhiều sản phẩm xây dựng được thương hiệu và từng bước khẳng định chỗ đứng trên thị trường trong nước và thế giới.
Yên Châu có 500 ha xoài tròn với sản lượng hàng năm đạt hơn 3.000 tấn quả. Mặc dù là sản phẩm đặc trưng của vùng, được người tiêu dùng ưa thích bởi hương vị đậm đà, thơm ngon, nhưng giống xoài tròn Yên Châu, trồng tự nhiên, phân bố rải rác; cây có tán cao khó khăn trong việc chăm bón và thu hái; chất lượng quả không cao (xơ nhiều, hạt to). Để bảo tồn giống xoài tròn, huyện Yên Châu phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương và Trung tâm tài nguyên di truyền thực vật triển khai thực hiện Đề tài “Bảo tồn và phát triển giống Xoài tròn Yên Châu mang chỉ dẫn địa lý” tại 3 xã là Chiềng Pằn, Viêng Lán và Sặp Vạt. Sau hơn 4 năm thực hiện đề tài, đến nay đã tuyển chọn được 19 cây xoài đầu dòng để phục vụ cho việc tạo giống; triển khai mô hình trồng mới giống xoài tròn; ươm 5.500 cây giống xoài tròn đã ghép cành từ giống đầu dòng để mở rộng diện tích. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã trồng mới gần 200 ha cây xoài tròn ghép, phát triển tốt, cho năng suất cao.
Ông Hoàng Văn Phủ, bản Mệt Sai, xã Sặp Vạt, cho biết: Gia đình tôi có 3 ha xoài, trong đó có 0,5 ha thực hiện ghép mắt cây xoài tròn đầu dòng và 0,5 ha trồng mới. Sau 3 năm xoài phát triển tốt, tỷ lệ ra hoa, đậu quả cao, trọng lượng quả to hơn và màu sắc của quả vàng hơn. Vụ xoài vừa qua, gia đình thu 1,5 tấn quả, trị giá gần 60 triệu đồng.
Còn tại xã Nà Bó, huyện Mai Sơn, cây thanh long ruột đỏ cũng được coi là loại cây trồng đem lại nguồn lợi kinh tế cho người dân. Với sự giúp đỡ của các nhà khoa học, ông Nguyễn Quang Vinh, xã Nà Bó đã đưa giống thanh long ruột đỏ cho năng suất cao, màu sắc đẹp, thời gian cho quả dài để trồng tại vườn của gia đình. Ông Vinh cho biết: Giống thanh long cho thu 10 lứa quả/năm và có thể điều chỉnh để cây cho quả sớm hơn hoặc muộn hơn nên giá trị kinh tế rất cao, trung bình năng suất đạt 20 tấn quả/năm; trừ chi phí, mỗi ha lãi 300-400 triệu đồng.
Từ mô hình sản xuất tại gia đình, ông Vinh đã thành lập HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng sản xuất thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời đã lựa chọn và đăng ký chứng nhận 4 cây thanh long đầu dòng là nguồn cung cấp giống để mở rộng diện tích ra toàn huyện Mai Sơn, Yên Châu, Thuận Châu, Sông Mã và Mường La với tổng diện tích hơn 200 ha. Sản phẩm quả được tiêu thụ tại tỉnh và các siêu thị của Hà Nội; đồng thời xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, UAE, Liên bang Nga.
Thời gian qua, các đơn vị chức năng đã tuyển chọn, trồng thử nghiệm các giống cây ăn quả mới khác có năng suất, chất lượng cao và rải vụ, như: Giống nhãn chín sớm HPM-1, giống nhãn T6, Ánh Vàng tại huyện Sông Mã; giống nhãn chín muộn và mận chín sớm tại Yên Châu; một số giống táo mới như Đại táo 15, Đài Loan, VC1 tại Mường La; giống nho chịu hạn (Hạ Đen) tại thành phố Sơn La, Mai Sơn... cho năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao gấp 3-5 lần giống trước đây.
Các đơn vị chức năng còn chú trọng ứng dụng kỹ thuật chiết, ghép mắt cho một số loại cây ăn quả: xoài, nhãn, bơ, hồng, cây có múi; nhân giống vô tính, sử dụng thuốc kích thích giâm cành thanh long ruột đỏ; nhân giống chuối cấy mô chất lượng cao... Toàn tỉnh có 13.100 ha cây ăn quả được ghép cải tạo; 220 mã số vùng trồng với diện tích gần 4.850 ha đủ tiêu chuẩn xuất khẩu; 123 chuỗi quả an toàn với diện tích 2.333 ha, sản lượng 24.388 tấn/năm; 11 sản phẩm cây ăn quả được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, trong đó, sản phẩm xoài tròn Yên Châu được bảo hộ tại Châu Âu theo Hiệp định EVFTA.
Với hướng đi bền vững, Sơn La tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào phát triển các giống cây ăn quả có chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, tạo vùng sản xuất hàng hóa nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu. Ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát quá trình sản xuất; đẩy mạnh sản xuất hữu cơ gắn với chuỗi giá trị đối với các cây ăn quả chủ lực; bảo tồn, phục tráng, khai thác và phát triển các giống cây ăn quả bản địa, đặc hữu, có giá trị kinh tế cao... góp phần nâng cao giá trị và hiệu quả chương trình phát triển cây ăn quả trên địa bàn.