Ứng dụng khoa học công nghệ: tăng sức mạnh cho doanh nghiệp
Để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, nhiều DN tích cực đầu tư đổi mới, ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Tăng năng suất, giảm chi phí
Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) được Đảng và Nhà nước xác định là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Việc phát triển và ứng dụng KHCN&ĐMST ở Việt Nam nói chung và trong cộng đồng DN đã có những bước phát triển vượt bậc. Kết quả nghiên cứu KHCN nghệ được ứng dụng nhanh hơn, nhiều hơn, hiệu quả hơn trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang dựa nhiều vào ứng dụng KHCN&ĐMST.
Hoạt động hỗ trợ DN ứng dụng KHCN&ĐMST trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa được các địa phương quan tâm đẩy mạnh. Thống kê cho thấy, cả nước đã có 32/63 tỉnh, thành phố lập quỹ phát triển khoa học công nghệ, góp phần hỗ trợ thiết thực cho DN đổi mới công nghệ. Đã có 60/63 địa phương ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ DN nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021- 2030 (Chương trình 1322).
Chủ tịch Hiệp hội DN khoa học và công nghệ Việt Nam Hoàng Đức Thảo khẳng định, việc đầu tư phát triển khoa học công nghệ là cốt lõi trong hoạt động của DN. Cơ chế chính sách ưu tiên phát triển, bảo hộ thị trường hàng hóa sản xuất trong nước, đặc biệt là bảo hộ công nghệ, sản phẩm khoa học công nghệ Việt Nam sẽ là động lực thúc đẩy phát triển đổi mới sáng tạo, hướng đến làm chủ công nghệ với kỳ vọng làm chủ thị trường trong nước và quốc tế.
Cũng đánh giá cao vai trò của ứng dụng khoa học công nghệ với DN, Phó Viện trưởng Viện Tin học DN (VCCI) Nguyễn Trung Thực nhấn mạnh, trên thế giới, chuyển đổi số trong ngành sản xuất đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh. Việc áp dụng và kết hợp các công nghệ tiên tiến mang lại lợi ích rõ rệt cho DN trên nhiều phương diện, thay đổi về tuy duy nhân sự, lao động và giảm chi phí, tối ưu hóa nguồn lực. Chuyển đổi số không chỉ về mặt công nghệ, mà còn là chuyển đổi cả cách quản lý, phương thức tiếp cận, xúc tiến, quảng bá…
Đối với DN, hoạt động đổi mới sáng tạo chính là quá trình nghiên cứu, phát triển, làm mới sản phẩm, thay đổi quy trình, công nghệ hoặc mô hình sản xuất kinh doanh, nhằm tạo ra nhiều lợi ích hơn, đóng góp cho xã hội những giá trị cao hơn - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trường Hải Phạm Văn Tài.
Ở góc độ DN, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trường Hải (THACO) Phạm Văn Tài cho biết, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc CMCN 4.0, với vai trò tiên phong trong việc ứng dụng, phát triển KHCN&ĐMST, THACO xác định công nghệ chính là đòn bẩy quan trọng, tạo lực đẩy cho hoạt động sản xuất, để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh. Việc triển khai thực hiện các dự án khoa học công nghệ và áp dụng vào thực tiễn đã mang lại hiệu quả rất lớn cho DN, tạo ra các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, đáp ứng xu thế thị trường, góp phần hình thành hệ sinh thái đa ngành phát triển bền vững, gia tăng khả năng cạnh tranh trong nước và xuất khẩu.
Nhiều điểm nghẽn
Dù Việt Nam đã nỗ lực xây dựng khung pháp lý khuyến khích đổi mới sáng tạo, hỗ trợ DN đầu tư phát triển khoa học công nghệ, nhưng các DN vẫn gặp không ít khó khăn khi thực hiện các dự án; số lượng DN khoa học công nghệ vẫn rất khiêm tốn.
Chia sẻ vướng mắc thực tế trong hoạt động quản lý Nhà nước, Giám đốc Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh Nguyễn Việt Dũng cho hay, quỹ phát triển khoa học công nghệ trong DN có đơn vị sử dụng hiệu quả nhưng có đơn vị lại lo lắng “chưa dám tiêu” vì một số quy định chưa rõ ràng và thủ tục còn rườm rà. Thủ tục hành chính là “điểm nghẽn” trong việc sử dụng nguồn quỹ phát triển khoa học công nghệ của DN. Thực tế cho thấy, quy trình áp dụng quản lý và sử dụng quỹ phát khoa học công nghệ của DN hiện nay như quy trình quản lý Nhà nước nên rất phức tạp. Điều này gây khó cho DN vì họ phải tập trung vào việc nghiên cứu thực tiễn chứ không có nhân lực để thực hiện các thủ tục hành chính.
Bên cạnh những vướng mắc về cơ chế tài chính và chính sách, hoạt động KHCN&ĐMST ở nhiều địa phương cũng còn khó khăn do tiềm lực hạn chế. Kinh phí dành cho KHCN&ĐMST từ ngân sách Nhà nước mặc dù đã được quan tâm, song vẫn thấp so với yêu cầu thực tế của các địa phương. Trong khi đó, cơ chế huy động các nguồn lực ngoài xã hội cho hoạt động khoa học công nghệ chưa phát huy hiệu quả. Cơ sở vật chất, kỹ thuật của các tổ chức khoa học công nghệ tại địa phương dù đã được quan tâm đầu tư nâng cấp nhưng vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ lớn, đòi hỏi kỹ thuật cao. Nhân lực, trình độ cao, chuyên gia khoa học công nghệ, cán bộ kỹ thuật còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu triển khai các nhiệm khoa học công nghệ quy mô lớn.
Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) Trần Minh cho cho rằng, chính sách khoa học công nghệ trong thời gian tới cần ưu tiên tập trung vào đối tượng là DN, từ đó đẩy mạnh triển khai các hoạt động KHCN&ĐMST gắn với đối tượng này.
Cụ thể, cần đổi mới cơ chế tài chính và đầu tư KHCN&ĐMST của DN, hình thành nhóm chính sách cho đối tượng là DN; ưu tiên nguồn đầu tư của Nhà nước để triển khai các chương trình khoa học công nghệ nghiên cứu ứng dụng, các chương trình hỗ trợ về đổi mới sáng tạo của DN; ưu tiên phát triển hệ thống các tổ chức khoa học công nghệ công lập ứng dụng cho các ngành, lĩnh vực...
Bên cạnh sự đầu tư của Chính phủ, cần những giải pháp xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cả trong nước và hợp tác quốc tế đầu tư phát triển công nghệ số trong ngành sản xuất, để chuyển đổi số đi vào trọng tâm, trọng điểm, thực chất, hiệu quả, tránh tình trạng chồng chéo, lãnh phí. Chuyển đổi số cần lấy người dân, DN làm trung tâm, chủ thể làm mục tiêu, động lực, nhằm cung cấp dịch vụ ngày càng có chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-tang-suc-manh-cho-doanh-nghiep.html