Ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội
Nhận thức được tầm quan trọng của khoa học và công nghệ (KH&CN) đối với phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, huyện Hạ Hòa đã đẩy mạnh triển khai các mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN theo hướng tập trung, trọng tâm trên các ngành, lĩnh vực sản xuất và đời sống. Thực hiện Nghị quyết số 76-NQ/TU, ngày 2/8/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chương trình phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2030, huyện Hạ Hòa đã xây dựng, ban hành kế hoạch để quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết. Qua gần 2 năm triển khai đã góp phần khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế, tập trung ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo.
Trong huy động nguồn lực đầu tư cho thực hiện các chương trình, đề án KHCN và đổi mới sáng tạo trên địa bàn, huyện tăng cường phối hợp với các công ty giống cây trồng tổ chức trình diễn chuyển giao ứng dụng KHCN. Chú trọng phát triển, ứng dụng, hiện đại hóa công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến các sản phẩm an toàn, hiệu quả, có giá trị cao từ nguồn nguyên liệu trên địa bàn. Đến nay, đã có 4 mô hình về sản xuất tơ sợi chuối, chế biến bí xanh, sản xuất mỳ sợi, nuôi trồng đông trùng hạ thảo áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Các mô hình trên bước đầu khai thác được tiềm năng, tận dụng được nguyên liệu, nâng cao giá trị sản phẩm địa phương.
Cơ sở nuôi trồng đông trùng hạ thảo tại khu 5, xã Hương Xạ của chị Hà Thị Thanh Xuân cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Chị Xuân cho biết: “Để tạo ra sản phẩm chất lượng, cơ sở chúng tôi tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện về giống, nguyên liệu đầu vào, kiểm soát các điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng của phòng cấy giống, phòng nuôi. Hiện tại, chúng tôi đang đẩy mạnh phát triển sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu, góp phần phát triển thương hiệu sản phẩm địa phương”.
Huyện quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh ứng dụng KHCN, xây dựng thương hiệu, thương mại hóa sản phẩm. Phối hợp với Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công thương hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 5 công ty trong lĩnh vực sản xuất, chế biến gỗ. Cùng với đó, tập trung củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động, tiềm lực KHCN, ưu tiên từ nguồn vốn đầu tư phát triển KHCN hàng năm cho các dự án đầu tư phát triển tiềm lực KHCN của các tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn huyện.
Thông qua ứng dụng KHCN, nhiều doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn công nghệ hiện đại trong quá trình sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu và sức cạnh tranh. Ông Tưởng Hữu Hiền - Giám đốc Công ty TNHH Trúc Mai Phú Thọ, xã Ấm Hạ cho biết: “Công ty chuyên sản xuất ván ép công nghiệp xuất khẩu đi thị trường các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Công ty được Sở KH&CN hỗ trợ, tư vấn xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến theo tiêu chuẩn ISO 14001:2015. Qua đó, chúng tôi nâng cao hiệu quả sản xuất, tổ chức sản xuất khoa học, theo dõi được các công đoạn sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm”.
Thời gian qua, huyện cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và cải cách hành chính, giúp giảm thiểu quy trình xử lý, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, người dân. Đến nay, 100% phòng, ban, cơ quan chuyên môn; UBND các xã, thị trấn đã hoàn thành xong việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của cơ quan, đơn vị.
Thời gian tới, huyện tập trung nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng KHCN tiên tiến, ưu tiên đầu tư KHCN vào các chương trình trọng điểm thuộc các lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, công nghiệp, công nghiệp chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản tập trung; vào những ngành, những sản phẩm có lợi thế và thị trường tiêu thụ, gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng và có chính sách phù hợp để đảm bảo có đủ cán bộ làm công tác khoa học kỹ thuật có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Quan tâm đầu tư hơn nữa nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước, huy động tối đa các nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế để tăng cường tiềm lực KH&CN.